427
526
2439
19954
20962
6849361
Tục ngữ Nghệ Tĩnh có câu: “Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Đây là 4 ngôi đền mang những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng này.
Đền Bạch Mã (tên chữ gọi là “Bạch Mã Từ”) được xây dựng từ thời Lê để thờ Phan Đà (thần Bạch Mã) - vị tướng tài đã có công lớn trong cuộc chiến chống quân xâm lược nhà Minh.
Những lúc xung trận, Phan Đà thường mặc áo giáp trắng, cưỡi ngựa trắng, nên khi ông mất, Lê Lợi đã phong cho ông là “Đô Thiên Đại Đế Bạch Mã Thượng Đẳng Thần” và sức cho nhân dân trong xã lập đền thờ nơi Phan Đà đã trút hơi thở cuối cùng để đời đời cúng tế. Vì vậy, nhân dân thường gọi là Đền Bạch Mã.
Đền Bạch Mã nằm ở thôn Tân Hà, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Từ lúc khởi dựng đến nay đền vẫn nằm vị trí cũ. Tên gọi địa danh có thay đổi qua các thời kỳ lịch sử như sau:
- Vào thời Hậu Lê, đền nằm ở hương Võ Liệt, tổng Võ Liệt, huyện Thổ Du, sau đó đổi thành huyện Thanh Giang nhưng vì húy tên chúa Trịnh Giang nên được đổi thành huyện Thanh Chương, phủ Đức Quang.
- Thời Nguyễn: năm Minh Mạng thứ 7 (1926), phủ Đức Quang được đổi tên thành phủ Anh Đô.
- Sau Cách mạng tháng Tám, xã Võ Liệt tách ra thành 3 xã: Thanh Tân, Thanh Long và Thanh Minh, đền Bạch Mã thuộc xã Thanh Tân. Năm 1976, Nghệ An và Hà Tĩnh sát nhập thành Nghệ Tĩnh, xã Thanh Minh và Thanh Tân hợp lại thành xã Kim Bảng, về sau đổi thành xã Võ Liệt.
- Từ năm 1991 đến nay, đền Bạch Mã tọa lạc tại xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.
Đền Bạch Mã nằm cách thành phố Vinh khoảng 45km về phía Tây. Du khách có thể đến thăm di tích này theo đường bộ và đường thủy.
Theo truyền thuyết dân gian và thần phả còn lưu lại ở Đền thì Phan Đà sinh vào những năm đầu thế kỷ XV ở thôn Chí Linh, xã Võ Liệt, huyện Thổ Du (nay là thôn Khai Tiến, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An). Ông sớm mồ côi cha mẹ và được một người làm nghề rèn ở Võ Liệt đùm bọc, cưu mang. Từ nhỏ ông đã nổi tiếng với bản tính cương trực, chịu khó, thông minh. Ông được các trai làng Võ Liệt nể phục về tài cưỡi ngựa, múa gươm, phóng lao, bắn cung.
Năm 1481, Lê Lợi đứng lên dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn – Thanh Hóa. Sau nhiều lần quyết chiến với giặc, nghĩa quân Lam Sơn tạm thời lui về chọn Nghệ An làm căn cứ để tập hợp lực lượng, chờ thời cơ giải phóng đất nước. Làng quê Võ Liệt vốn êm ả thanh bình, nay nằm gần Trà Long, Lam Thành nên thường xuyên bị giặc quấy phá. Trước cảnh nước mất nhà tan, Phan Đà đã cùng các trai làng trốn lên núi rèn đúc vũ khí, bí mật cất giấu lương thực, ngày đêm ôn luyện võ nghệ chờ ngày nổi dậy. Với sự mưu trí, lòng dũng cảm, Phan Đà cùng nghĩa quân làm cho giặc nhiều phen hoang mang, khiếp sợ.
Nghĩa quân Lam Sơn ngày càng lớn mạnh, mở rộng địa bàn hoạt động khắp các vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh, Phan Đà đã mang toàn bộ đội nghĩa binh gia nhập vào nghĩa quân Lam Sơn. Thấy được trí thông minh, nhanh nhẹn của ông, Lê Lợi thường giao cho ông nhiệm vụ đi đầu trong việc móc nối liên lạc, dò la tin tức của kẻ địch hoặc cản phá quân giặc khi bị tiến công. Phan Đà đã lập được nhiều chiến công vang dội như: tìm cách xâm nhập vào thành Nghệ An thuyết phục võ quan Mai Trọng Nghĩa bỏ hàng ngũ của giặc về giúp sức cho nghĩa quân Lam Sơn.
Cùng với chiến công tiêu diệt giặc ở Truông Trẩy làm nức lòng nhân dân và nghĩa quân đang sục sôi khí thế căm thù, Phan Đà đã được Lê Lợi nhiều lần ban thưởng và giao cho trấn giữ thành Lục Niên. Với chủ trương dựa vào thành lũy không bằng dựa vào lòng dân, Phan Đà đã tập hợp những người có kinh nghiệm, giỏi cày cấy, tản về các vùng khai sơn phá thạch để tự túc quân lương không làm phiền nhiễu và bắt các làng đóng góp quá sức. Với những chính sách đúng đắn, hợp lòng dân nên Phan Đà được quân lính và nhân dân hết lòng ủng hộ, tôn kính. Khi lực lượng lớn mạnh, nắm chắc tình hình, Phan Đà đã trực tiếp chỉ huy nghĩa quân triệt phá các đồn lũy nhỏ của giặc ở các châu, huyện, lỵ để cắt đứt chỗ dựa của giặc ở Lam Thành…
Trong một lần cải trang sang sông nắm tình hình của giặc, Phan Đà ghé vào buổi hát hội do dân làng tổ chức thì bị lộ. Một mình ông tả xung hữu đột với quân thù và bị chém trọng thương. Biết chủ mình lâm nạn, con ngựa chiến trung thành lồng lộn, hý vang trời phá vòng vây bơi qua sông trở về căn cứ. Về đến căn cứ thì Phan Đà tắt thở. Nghĩa quân và nhân dân đã mang di hài ông về quê an táng với lòng tiếc thương vô hạn.
Năm 1428, Lê Lợi lên ngôi vua, xét công lao to lớn của Phan Đà đã sắc phong cho ông làm “ Đô thiên đại đế Bạch Mã Thưởng đẳng phúc thần”, đồng thời cấp tiền, giao cho quan sở tại xây dựng ngôi đền bề thế, tổ chức cúng tế hàng năm để tưởng nhớ ông. Theo sử cũ và truyền thuyết kể rằng từ khi hy sinh linh hồn của dũng tướng Phan Đà đã nhiều lần linh ứng cứu giúp nhân dân qua khỏi thiên tai, dịch bệnh và còn phù hộ các triều vua, tướng lĩnh đánh thắng kẻ thù.
Năm Quang Thuận thứ 6 (1465), vua Lê Thánh Tông trên đường đi chinh phục phương Nam đã đến thăm đền Bạch Mã và làm lễ kỳ đảo ở đây. Sau khi thắng trân trở về, nhà vua đã sai cấp thêm đồ tế phẩm và người thờ tự cho đền.
Năm Cảnh Hưng thứ 3 (1770), Quận công Bùi Thế Đạt đem quân đánh giặc tại Trấn Ninh cũng đến Đền kỳ đảo, sau khi thắng lớn, ông đã tâu với vua gia phong cho đền là “Thượng đẳng tối linh mỹ từ” nghĩa là ngôi đền linh thiêng nhất.
Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, đền Bạch Mã đã trở thành địa điểm gắn liền với nhiều cuộc đấu tranh của nhân dân Thanh Chương. Ngày 13/4/1930, nhân ngày tế lễ, nhân dân Võ Liệt đã tập trung tại Đền đấu tranh buộc bọn hào lý địa phương phải cấp 41 mẫu ruộng chia cho dân nghèo. Hoảng sợ trước khí thế của nhân dân, bọn hào lý buộc phải nhượng bộ.
Nhân dân Thanh Chương đã giành thắng lợi triệt để trong cuộc biểu tình ngày 1/9/1930, lập ra chính quyền Xô Viết đầu tiên ở hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh. Cùng với đình Võ Liệt và nhiều địa điểm khác, Đền Bạch Mã trở thành nơi tổ chức nhiều hoạt động bí mật của Xã bộ nông Thanh Chương.
Năm 1945, nhân dân Tổng Võ Liệt lại chọn đền Bạch Mã làm nơi tập trung để đi đấu tranh đòi lại ruộng đất cho dân cày…
Trước mặt đền là sông Rộ uốn mình như dải lụa, sau lưng đền là con đường nhựa thẳng tắp nối từ quốc lộ 49 qua cầu Rộ tới tận đường mòn Hồ Chí Minh. Đền Bạch Mã nằm trên vùng đất rộng khoảng hơn 4000m2 giữa thôn Tân Hà, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương. Đền gồm có Tam quan, Nghi môn, Hạ điện, Trung điện, Thượng điện, Tả vu, Hữu vu. Đền được xây dựng trên khu đất đẹp theo thuyết phong thủy.
Trước cổng đền có hai con voi lớn đang quỳ đợi chủ nhân, bên cạnh là hai người quản voi đang ngồi trên phiến đá với vẻ mặt trầm tư kính cẩn. Sau lưng voi là cổng Tam quan khá rộng. Liên kết giữa cửa chính và hai cửa phụ là những mảng tường lớn đắp nổi hình voi, hổ, ngựa; ở các cột lớn đắp hình rồng, nghê khá đẹp và công phu. Tam quan đền Bạch Mã được sửa chữa vào thời Nguyễn, đứng sừng sững giữa đất trời lộng gió, tạo cho ngôi đền thêm bề thế, uy nghiêm.
Trước Nghi Môn là nhà Thiêu hương có 4 trụ với mái cong vuốt 4 góc, được trang trí bằng họa tiết hình lá sen, rồng, mây… Nhà thiêu hương cách Nghi Môn khoảng 2m. Nghi Môn có chiều dài khoảng 7,11m; rộng 2,4m gồm 3 cửa là chính môn, tả môn và hữu môn. Chính môn rộng 3m, ở hai mặt đối diện là hai quan văn và quan võ được đắp nổi với dáng vẻ uy nghiêm. Cửa tả và cửa hữu liên kết với chính môn bằng hệ thống tường bao, mỗi bên dài 1,36m, phía trên tường có xây gờ, gắn ngói mũi tạo thành mái che. Nghi Môn được trang trí các họa tiết và cạnh chỉ rất tinh xảo, không chỉ là bức bình phong che chở vững chắc cho ngôi đền mà còn là một công trình làm hài hòa giữa đền và cảnh quan xung quanh. Qua Nghi Môn là sân đền lát bằng gạch dài khoảng 10,7m, rộng khoảng 5m.
Tiếp đến là nhà Tả vu, Hữu vu: nơi cất giữ các đồ thờ tự lớn và là nơi nghỉ ngơi trước khi vào hành lễ. Hai ngôi nhà này đều có kích thước, kiểu cách và chất liệu xây dựng giống nhau. Mỗi nhà gồm 3 gian, 4 vì, được làm bằng gỗ lim và gỗ mít nên rất vững chắc. Trên có lợp ngói mũi hài, phía trước để trống, 3 phía thưng ván, nền nhà được láng xi măng. Mỗi nhà có 8 cột được dựng trên 8 viên đá. Tất cả các Xà, hạ, câu đầu được chạm hình vân mây; các kẻ chạm hình rồng với nét khỏe khoắn nhưng đơn giản…
Nhà Hữu vu là nơi để xe ngựa, hiện nay ở gian hồi phía Bắc có tượng ngựa gỗ dài 1.92m; cao 1,28m được sơn màu hồng, 4 chân đứng trên xe gỗ bánh tròn. Ngựa với tư thế đứng, ngẩng cao đầu hướng về phía trước, hai mắt mở to, rất sống động.
Nhà Hạ điện có kiến trúc khá độc đáo so với các công trình trong tổng thể khu di tích, kết cấu kiểu tứ trụ, một gian hai hồi văn. Hạ điện được xây theo kiểu chồng diềm 8 mái, lợp ngói mũi hài, hai tầng đều được đắp vuốt 4 đầu đao, bờ thượng có đắp lưỡng long triều nguyệt. Nhà có 4 cột vuông đứng chịu lực cho cả mái. Toàn bộ cột, xà, hạ được sơn màu đỏ, trang trí hình tượng rồng trong mây bằng sơn màu trắng làm tăng thêm vẻ đẹp và hài hòa của màu sắc. Đặt giữa nhà Hạ điện là kiệu long hành sơn son thiếp vàng trên một giá gỗ. Thân kiệu và bành kiệu được các nghệ nhân chạm trổ hình rồng, mây, hoa lá rất sinh động.
Nối liền với Hạ điện là nhà Trung điện gồm 3 gian, 4 vì kèo, lợp ngói mũi hài. Chính giữa bờ thượng là bức đại tự bằng vôi vữa khảm sứ màu xanh ngọc với 2 chữ Hán “Tối linh”. Các chi tiết gỗ như ván nong, rường cánh cung, các đường hoành… được chạm trổ tinh xảo với hình bát quái, mặt hổ phù, long phượng ngậm cuốn thư, cá hóa rồng, rùa đội hoa sen, long mã…Gian giữa Trung điện đặt hai bàn thờ và 1 hương án và nhiều đồ tế khí được sơn son thiếp vàng để thờ các vị thần linh ứng trong xã. Hai bên các bàn thờ có 2 tượng Rùa đội Hạc, phía sau là 2 giá bát bửu…
Thượng điện có 3 gian 4 vì, diện tích xây dựng, các gian và liên kết ngang dọc, các mảng chạm trổ, họa tiết trang trí gần giống Trung điện, riêng các cột có đường kính lớn hơn. Thượng điện là nơi thờ chính của đền. Gian chính giữa đặt hai bàn thờ. Bàn thờ trong cùng đặt long ngai thờ Phan Đà, giữa bài vị ghi thần hiệu của ông “ Đô thiên đại đế, Long Vương trợ thuận, bảo quốc, bảo dân, linh triều phong tặng Thượng thượng đẳng phúc thần”.
Gian bên phải và gian bên trái được bài trí giống nhau, riêng gian bên phải có đặt chiếc mũ to bằng lưới, phía sau bàn thờ đặt hai thanh gươm.
Các hiện vật cổ còn lại trong đền Bạch Mã đến nay còn khá đa dạng mang giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, nghệ thuật gồm 28 lục lạc bằng đồng, 2 tượng voi, 1 long ngai đầu rồng, 4 bộ bát bửu, 1 kiệu rồng, 31 đài trán, 8 mâm ngũ quả, 2 nhà vàng, nhà bạc, 1 mũ lưới, 10 bát hương…
Từ thời Lê đến thời Nguyễn, lễ hội đền Bạch Mã được tổ chức rất nghiêm túc với quy mô lớn. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày mất của Phan Đà (13/6 âm lịch), triều đình phong kiến lại đứng ra tổ chức và giao cho quan sở tại chuẩn bị các lễ vật để làm lễ tế thần. Nhân dân tổng Võ Liệt còn mở hội rước sắc và tổ chức các hoạt động văn hóa, các trò chơi dân gian đa dạng, phong phú như: vật cù, kéo co, chọi gà, đánh đu, cờ người, cờ thẻ, đấu võ, đánh trận giả, thi hát ca trù, hát bội…
Hiện nay Lễ hội đền Bạch Mã vẫn được tổ chức quy mô, với phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ gồm: lễ khai quang, yết cáo, tế thần và lễ tạ.
Phần Hội gồm lễ rước nước và một số hoạt động văn hóa, thể thao như giao lưu văn nghệ, thi người đẹp, đua thuyền sông Lam, đánh cờ người… Ngoài ra, các ban ngành cấp Huyện phối hợp với Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh trưng bày bộ triển lãm về phong trào cách mạng 1930-1931. Đây là một trong những hoạt động rất thiết thực để nhân dân và thế hệ trẻ Thanh Chương có dịp tìm hiểu về những truyền thống tốt đẹp của quê hương.
Với những giá trị to lớn về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, đền Bạch Mã đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia vào năm 1993.