Đền Đậu ( xã Thanh Hà, Thanh Chương)

Tác giả: admin
Ngày 2018-08-26 14:33:23

Đền Đậu là công trình kiến trúc thời Nguyễn, được nhân dân xây dựng để thờ Quận công Đậu Bá Toàn, người có nhiều công lao trong việc bình định đất nước và khai cơ lập làng ở thế kỷ 18. Di tích có tên gọi khác là đền Báo Đức, nhằm chỉ ý nghĩa nhân dân báo đáp công đức của Quận công Đậu Bá Toàn.

Đền Đậu hiện nằm trên núi Động Truốc thuộc địa phận xóm 13, xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Trải qua hàng trăm năm, địa danh nhiều lần thay đổi nhưng vị trí của di tích vẫn giữ nguyên như ban đầu. Năm Cảnh Thịnh thứ 6 (1798), đền thuộc thôn Bạch Thạch, xã Hoàng Xá, tổng Võ Liệt, huyện Thanh Chương, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An. Thời Nguyễn, đền thuộc thôn Bạch Thạch, xã Hoàng Xá, tổng Võ Liệt, phủ Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Sau cách mạng tháng 8 năm 1945 đến 1954, di tích thuộc thôn Khánh Lạc, xã Kim Bảng, tổng Võ Liệt, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Từ năm 1954, xã Kim Bảng chia thành 4 xã: Thanh Minh, Thanh Tân, Thanh Long, Thanh Hà; đền thuộc thôn Khánh Lạc, xã Thanh Hà. Năm 1969- 1984, thôn Khánh Lạc đổi thành thôn Kim Tuyền; xã Thanh Long nhập với xã Thanh Hà thành xã Quảng Xá; di tích thuộc thôn Kim Tuyền, xã Quảng Xá, Thanh Chương. Từ tháng 10/1984 đến nay, xã Quảng Xá lại tách thành 2 xã Thanh Long và Thanh Hà; di tích thuộc xóm 13 xã Thanh Hà, Thanh Chương, Nghệ An.

Đền Đậu là nơi thờ Quận công Đậu Bá Toàn. Ông sinh năm Canh Tý (1720) tại xã Như Kinh, huyện Gia Lâm, xứ Kinh Bắc. Đậu Bá Toàn là con trai duy nhất của cụ Đậu Bá Tuấn, gốc người Như Kinh, làm quan dưới triều vua Lê Dụ Tông (1706- 1728).

Sinh ra và lớn lên trong gia đình khá giả, cha làm quan trong triều, nên ông có điều kiện ăn học và sớm tinh thông văn võ. Năm Canh Thân (1740- 1786), ông tham gia binh nghiệp. Vốn giỏi võ nghệ, ông nhanh chóng được đứng trong hàng ngũ của Hoàng Ngũ Phúc, một tướng giỏi nổi tiếng dưới thời Trịnh Doanh. Từ đó, ông có điều kiện để học tập, tôi luyện và ngày càng được triều Lê- Trịnh tin dùng.

Năm Quí Mùi (1763), triều Lê- Trịnh mở khoa thi võ để tuyển nhân tài, Đậu Bá Toàn dự thi và đỗ. Ông trở thành viên tướng đắc lực của triều đình, được thống tướng Hoàng Ngũ Phúc tin tưởng. Tháng 6/1777, triều đình cử Quận huy Hoàng Đình Bảo (con nuôi của Hoàng Ngũ Phúc và con rể của Trịnh Doanh) làm trấn thủ Nghệ An. Thời gian này Đậu Bá Toàn được thăng chức Thượng tướng quan nam quân Đô đốc Hữu phủ Đô đốc, tước Quận công và đặc cử cầm quân trấn thủ đất Thanh Chương.

Vùng đất Thanh Chương lúc bấy giờ, đất đai tuy rộng nhưng nạn đói và trộm cướp hoành hành, dân phải đi phiêu tán khắp nơi, ruộng đồng bỏ hoang…Trước hoàn cảnh đó Đậu Bá Toàn lo cấp phát lúa gạo để cứu đói cho dân, chiêu tập binh mã, khẩn hoang mở rộng đất đai, tăng gia sản xuất…Với tài cầm quân, giỏi tổ chức sản xuất, sau thời gian ngắn, ông giải quyết được nạn đói, đánh dẹp các bè đảng trộm cướp, ổn định sản xuất, đem lại cuộc sống yên ấm cho nhân dân. Doanh trấn của ông ngày càng lớn mạnh. Tiếng lành đồn xa, dân phiêu tán ở các nơi tìm về nhập cư ngày càng đông, từ đó lập nên nhiều làng mới như: Tảo Nha, Bàu Quan, Ruộng Na, Sài Đại…

Trong cuộc hành quân thần tốc của Quang Trung- Nguyễn Huệ ra Bắc tiêu diệt quân Thanh có dừng lại ở Nghệ An để tuyển thêm lực lượng và lương thảo. Với cương vị trấn trị vùng Thanh Chương, lại có quá trình tích trữ quân lương nên Quận công Đậu Bá Toàn đã ủng hộ, đóng góp nhiều lương thực, quân binh cho đội quân của vua Quang Trung. Sau khi dẹp yên giặc, ông trở về quê tiếp tục công cuộc khẩn hoang, chiêu dân, lập ấp, xây dựng xóm làng.

Do tuổi cao sức yếu, Đậu Bá Toàn mất ngày 28/01/1798, thọ 78 tuổi. Sau khi ông mất, nhiều làng xã ở huyện Thanh Chương lập đền thờ phụng, trong đó có làng Bạch Thạch và tôn ông làm Thần, đặt tên đền là đền Đậu. Các triều đại phong kiến đã ban nhiều sắc phong cho ông và giao cho 09 làng thờ phụng.

Di tích là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử:
Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đền Đậu là nơi hội họp, cất dấu tài liệu bí mật của Huyện uỷ Thanh Chương, Tổng bộ Võ Liệt và Chi bộ Kim Bảng. Đây là nơi các đ/c Tôn Thị Quế, Tôn Gia Chung, Hoàng Thuyết…thường lui tới tổ chức họp bàn kế hoạch vận động, tổ chức nhân dân đấu tranh năm 1930-1931. Tài liệu bí mật của Đảng được các đ/c chí cất dấu trong đền rất an toàn. Để chuẩn bị cho cuộc biểu tình toàn huyện vào ngày 1/9/1930, các đ/c đảng viện, lãnh đạo các tổ chức quần chúng đã tổ chức họp tại đền Đậu phân công nhiệm vụ ấn loát tài liệu, rải truyền đơn, treo cờ, tập hợp quần chúng phối hợp với nhân dân các xã trong tổng kéo về huyện đường biểu tình. Đền còn là nơi họp bàn kế hoạch tập luyện, đấu tranh của đội tự vệ Thanh Hà trong việc trừng trị bọn hào lý gian ác, bảo vệ cho nhân dân lấy lúa của nhà giàu, học chữ Quốc ngữ, sinh hoạt văn nghệ…năm 1930.

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, đền là nơi tổ chức lớp học “Bình dân học vụ” và là nơi tập trung tuyển quân phục vụ chiến trường.

Trong kháng chiến chống Mỹ, đền là nơi cất dấu lương thực của cụm Võ Liệt.

Đền Đậu là nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh của làng xã, là công trình thăm viếng tưởng niệm đối với người có công với dân với nới nước, gắn với tín ngưỡng thờ thần của nhân dân làng Bạch Thạch và xã Võ Liệt. Tại đền, hàng năm diễn ra 3 kỳ lễ trọng vào các ngày 25/12 âl (lễ tất niên sắp ấm), 08/01 âl (lễ cầu an) và 28/01(giỗ Quận công Đậu Bá Toàn).

Đền Đậu khi mới khởi dựng là một gian nhà, được làm bằng tranh, tre, nứa mét, trét đất. Trải qua thời gian, đền bị hư hỏng, năm 1930 nhân dân trong làng đã huy động gỗ của từng hộ gia đình dựng nên nhà bái đường và hậu cung như hiện nay. Đền nằm trên vùng đất cao ráo, thoáng đãng, ở tư thế “ ngoạ sơn, vọng thuỷ”; trong vùng có nhiều di tích như: đình Võ Liệt, đền Bạch Mã, đền thờ Trần Hưng Học, đền thờ Nguyễn Tiến Tài, nhà thờ họ Nguyễn Lâm, đền thờ và miếu mộ Tiến sỹ Phan Nhân Tường…

Đền có tổng diện tích 2257,7m2, gồm các hạng mục công trình theo thứ tự từ ngoài vào: sân lễ hội, hồ nước, giếng, tam quan, sân vườn, nhà bái đường, sân lộ thiên, nhà hậu cung. Trong đó nhà bái đường và hậu cung có kết cấu kiến trúc thời Nguyễn.

Bái đường có diện tích 70,125m2, gồm 3 gian, 2 hồi; mái lợp ngói âm dương; khung nhà bằng gỗ lim với 04 bộ vì theo kiểu “giá chiêng, kẻ truyền, chồng rường, chồng đấu”; có 06 cột cái, 08 cột quân và 02 cột trốn; trên bờ nóc và bờ giải chỉ đắp thẳng gờ sống khế bằng chất liệu gạch, vôi vữa; cấu kiện gỗ được trạm khắc hình vân mây, dây hoa lá, bức cuốn thư, chữ Thọ..kết hợp với kỹ thuật chạm bong kênh vừa giản dị, vừa vững chắc nhưng vẫn thể hiện được bàn tay khéo léo của người thợ và ước vọng của người dân đị phương. Nhà bái đường không bài trí thờ, là nơi dể sửa soạn, biện lễ.

Hậu cung có diện tích 59,34m2, gồm 3 gia, 2 hồi; mái lợp ngói âm dương; khung nhà bằng gỗ lim với 04 bộ vì theo kiểu “giá chiêng, kẻ truyền”; có 16 cột gồm 08 cột cái, 08 cột quân; trên bờ nóc và bờ giải chỉ đắp thẳng gờ sống khế bằng chất liệu gạch, vôi vữa; cấu kiện gỗ được trạm khắc hình vân mây, dây hoa lá, bức cuốn thư, chữ Thọ... Nhà hậu cung có có 2 lớp thờ với nhiều cổ vật như bàn thờ, hương án, long ngai, bài vị, hạc gỗ…được trạm trổ tinh vi, sơn son thiếp vàng dùng để thờ cộng đồng (ở lớp ngoài), thờ Quận công Đậu Bá Toàn (ở lớp trong).

Đền Đậu khởi dựng từ thời Hậu Lê, đến thời Nguyễn được tu sửa lớn, là di tích ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; là địa điểm văn hoá tâm linh của nhân dân Thanh Hà; các hiện vật cổ mang giá trị khoa học thẩm mỹ phong phú; các công trình kiến trúc cổ được lưu giữ thể hiện giá trị nghệ thuật, tham quan, thưởng ngoạn của du khách. Hiện di tích đang được Ban nghi lễ của xã và bà con chăm lo, hương khói chu đáo.

Đền Đậu xứng đáng là di tích Lịch sử cấp Tỉnh.

Video