49
443
492
7370
0
6858559
Đền Bạch Mã (còn gọi là Đền Nhà Quan) hiện nay nằm ở phía Bắc xóm 2 làng Liên Trì, xã Liên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Bạch Mã là tên gọi được nhân dân truyền ngôn từ xưa đến nay. Tại khu vực đền, trước đây về đêm thường xuất hiện hình ảnh con ngựa trắng vì vậy từ khi đền được xây dựng người ta thường gọi là Đền Bạch Mã.
Đền Bạch Mã cách trung tâm thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An 60km về phía Bắc, cách huyện lỵ Yên Thành 12km về phía Tây Nam. Du khách đi bằng phương tiện đường bộ có thể xuất phát từ thành phố Vinh theo Quốc lộ 1A (tuyến Vinh – Hà Nội) đến huyện Diễn Châu rẽ trái theo Quốc lộ 7A đi về phía Tây đến ngã tư xã Công Thành nơi giao nhau giữa Quốc lộ 7A và đường tỉnh lộ 538), rẽ phải đi 2km đến cổng làng Liên Trì, rẽ trái đi tiếp 250km là đến di tích. Xuất phát từ Hà Nội, du khách đi theo Quốc lộ 1A (tuyến Hà Nội – Vinh) đến ngã tư thị trấn Diễn Châu rồi đi theo chỉ dẫn trên.
Căn cứ vào truyền ngôn của người dân địa phương qua hang trăm nămăycn cứ vào long ngai, bài vị, hệ thống bài trí tượng pháp và câu đối, đại tự hiện nay tại đền Bạch Mã thì các nhân vật được thờ chính ở đây gồm: Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn), Trinh Minh Hoàng Thái Hậu (Lê Thị Phất Ngân), Uy Minh Vương (Lý Nhật Quang). Ngoài ra, năm 2011 nhân dân địa phương phối thờ thêm tại nhà bái đường: Cung giữa thờ Phật, cung phía Tây thờ các anh hung liệt sỹ con em xã Liên Thành, cung phía Đông thờ Tam tòa Thánh Mẫu.
Các sử liệu đều khẳng định từ năm 1041-1044 Hành doanh của Tri Châu Nghệ An được xây dựng tại trại Bà Hòa, công cuộc xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng trong thời gian này đang ưu tiên cho địa bàn vùng Nam Thanh Bắc Nghệ. Từ sau năm 1045, công cuộc mở mang khai thác vùng đất Đông Thành (vựa lúa lớn nhất xứ Nghệ) mới được đẩy mạnh. Trong quá trình khai thác đồng ruộng, xây dựng các làng bản tại các địa danh: Kẻ Vẹo, Kẻ Rộc, Kẻ Duội và hai bờ sông Chèn (các địa danh cổ trên đều thuộc huyện Yên Thành ngày nay). Tri châu Uy Minh Vương cho xây dựng đền Bạch Mã để thờ thân phụ, thân mẫu của người, tiện cho việc hương khói tri ân, khi đường đi ra kinh đô Thăng Long hay về thôn Cổ Pháp còn ngàn trùng xa cách. Đó là nguyên nhân ra đời của đền Bạch Mã, cũng là cơ may để hậu thế,những người con quê lúa Yên Thành có được một ngôi đền duy nhất ở Xứ Nghệ thờ đức vua Lý Thái Tổ.
Làng Liên Trì nói riêng, Liên Thành và tổng Vân Tụ nói chung là địa phương có truyền thống yêu nước và cách mạng. Đền Bạch Mã lại ở vào một vị trí hết sức thuận lợi, phía sau đền đến trước năm 1965 vẫn là rừng rậm, phía Tây và phía Bắc là dòng sông Chèn uốn lượn, cạnh đền có đình và ngôi chùa làng. Từ làng Liên Trì nói riêng, tổng Vân Tụ nói chung có nhiều con đường lui, đường tiến đến các địa bàn trong tỉnh như: Đô Lương, Tân Kỳ, Nam Đàn, Thành Chương… Với vị thế công, thủ thuận lợi, vì thế đền Bạch Mã cũng nhue các di tích đình Liên Trì, Nhà thờ họ Nguyễn Bá, chùa Kim Liên… đều gắn bó với những sự kiện lịch sử tiêu biểu sau:
Trong phong trào Cần Vương kháng Pháp nổ ra năm 1885, Lãnh Ngợi cũng có tên gọi Đốc Ngợi (Tác Bảy) quê làng Đạo Lý, nay thuộc xã Lý Thành nằm sát phía tây xã Liên Thành, là một tướng lĩnh xuất sắc của Nguyễn Xuân Ôn đã sử dụng đình Liên Trì và đền Bach Mã làm nơi luyện tập, ăn nghỉ và cất dấu vũ khí của nghĩa quân…
Tháng 4/1930, đồng chí Võ Mai cùng đồng chí Võ Nguyên Hiến (người huyện Diễn Châu) và đồng chí Nguyễn Ứng (người xã Mỹ Thành) đã giả dạng thầy cúng lấy đền Bạch Mã làm địa điểm tuyên truyền, giác ngộ tinh thần yêu nước cho các đồng chí Nguyễn Xuân Hiên, Nguyễn Tâm Tiêu, Nguyễn Tâm Đệ, Nguyễn Bá Đàm, tạo nên những hạt nhân đầu tiên trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tại địa phương. Đầu năm 1931, Nguyễn Bá Đàm (người làng Liên Trì) được bầu làm Bí thư Liên Chi bộ, đền Bạch Mã trở thành nơi hội họp bí mật của các đảng viên ở địa phương thời kỳ 1930-1931.
“Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931, Liên Thành là địa phương có phong trào phát triển mạnh nhất, trở thành trung tâm của phong trào cách mạng ở vùng Tây Nam huyện Yên Thành, vì vậy đình Liên Trì, đền Bạch Mã càng trở thành nơi hội họp của các tổ chức như Nông hội đỏ, Tự vệ, Phụ nữ…”
Tháng 11 năm 1934, đồng chí Nguyễn Xuân Hiên ra khỏi nhà lao, được Ngô Tuân và Võ Nguyên Hiến giao nhiệm vụ khôi phục cơ sở đảng ở huyện Yên Thành. Đền Bạch Mã tiếp tục trở thành nơi hoạt động bí mật của Nguyền Xuân Hiên với Phan Vinh và các đồng chí trung kiên vốn là hội viên Nông hội đỏ thời kỳ xây dựng Xô Viết ở Liên Trì. Chỉ sau một thời gian ngắn, Chi bộ Tổng Vân Tụ gồm các đồng chí Nguyễn Xuân Hiên, Phan Vinh, Lê Điều, Lăng Lai, Lê Du… được thành lập.
Cuối tháng 12/1936, đồng chí Lê Đình Vỹ thay mặt Tỉnh uỷ Nghệ An ra Liên Trì triệu tập hội nghị thành lập ban chấp hành Đảng bộ huyện Lâm thời gồm 3 đồng chí: Phan Vinh (làng Liên Trì), Lê Tiệu (làng Ngọc Luật), Nguyễn Khương (làng Trụ Pháp) do đồng chí Phan Vinh làm Bí thư. Đền Bạch Mã bấy giờ được bố trí làm nơi ăn nghỉ cho các đại biểu tham dự hội nghị.
Tháng 1 đến tháng 8 năm 1941, khi cơ quan Xứ uỷ Trung Kỳ, Tỉnh uỷ chuyển về làng Liên Trì, đền Bạch Mã, đình Liên Trì thường được bố trí cho cán bộ Xứ uỷ như Trần Mạnh Quỳ, Trần Đình Trân, Ngô Xuân Hàm… và các đồng chí trong Chi bộ Liên Trì nhận trách nhiệm bảo vệ cơ quan và chuyển tài liệu đi các nơi. Khi các tài liệu chưa có điều kiện chuyển đi, hầu hết đều được cất dấu trong bụng hai con ngựa bạch, trong đồ tế khí ở đình Liên Trì… một phần khác được cất dấu ở đền Bạch Mã.
Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ đối với miền Bắc (1965-1972), tỉnh lộ 538 đi qua làng Liên Trì trở thành đường chiến lược, đài quan sát bấy giờ đặt trên ngọn cây đa cổ thụ trong vườn đền.
Hàng năm, tại đền Bạch Mã có nhiều kỳ sinh hoạt văn hóa tâm linh, song lễ hội chính ở đền được nhân dân Liên Thành tổ chức vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm, ngày kỵ giỗ của đức vua Lý Thái Tổ.
Để tưởng nhớ công lao của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang và thân phụ, thân mẫu của Người, hàng năm vào ngày 3 tháng 3 Âm lịch, nhân dận địa phương lại tổ chức lễ hội long trọng. Lễ hội đền Bạch Mã diễn ra các bước theo phong tục cổ truyền dân tộc, với các nội dung phong phú bao gồm cả phần lễ và phần hội.
Phần Lễ gồm Lễ khai quang tẩy uế, lễ yết cáo, lễ rước kiệu, lễ tế thần linh, lễ tạ… Còn phần Hội đựơc diễn ra tại các điểm vui chơi, từ sân đình đến sân đền và các khu đất trống trong làng với nhiều trò chơi dân gian truyền thống như: đấu vật, hát tuồng, đánh cờ thẻ, cờ người, đánh đu, bơi sông bắt vịt, chọi gà…
Đền Bạc Mã thuộc phía Bắc làng Liên Trì. Đền quay mặt về hướng Nam, phía trước đền là khu dân cư, phía sau và 2 bên là đồng ruộng. Trước đây đền có kết cấu kiến trúc gồm 2 toà, bố cục mặt bằng theo kiểu chữ Đinh. Năm 2010 mới làm thêm 2 nhà ở phía trước gồm nhà thư viện và nhà truyền thống, di tích nằm trên khu đất có diện tích 3375m2, được bảo vệ bởi hệ thống tường bao xung quanh. Từ ngoài vào trong, các công trình kiến trúc chính được bố trí như sau: Cổng đền, sân đền, Tắc môn, nhà Bái đường, nhà Hậu cung.
Cổng đền mặt hướng về chính Nam, kết cấu kiến trúc của cổng được tạo thành bởi 2 cột trụ xây bằng gạch và vữa tam hợp, gồm nhiều bộ phận nối liền nhau theo chiều thẳng đứng. Mặt trước và mặt bên phía trong 2 trụ cổng nhấn 2 câu đối chữ Hán có nội dung như sau:
“Phong nguyệt thị vô biên, nguyện giang sơn khả hội
Phúc tải hà cao cực, hữu vũ trụ dị lai”
Nghĩa là: “ Nơi trăng gió sáng soi, gốc sông núi đẹp đẽ
Thật đáng là nơi gặp gỡ của các vị thần linh”
Câu đối mặt trong: “Chiêu chiêu như ảnh như huy tước
Hạo hạo kỳ thiên kỳ nhân uyên”
Nghĩa là: “Sáng rực hình ảnh băng băng, công danh đức độ chiếu sáng khắp nơi
Thật là muôn dân mừng rỡ, đúng ý trời sâu thấm tận chân trời.”
Sân đền là một khoảng đất rộng hình chữ nhật, nền lát gạch nung đỏ. Từ ngoài đi vào, cách cổng đền 2m là một Tắc môn hình cuốn thư có tác dụng ngăn chặn tà khí và tạo ra hai lối đi vào và đi ra đền. Mặt trước Tắc môn đắp nổi phù điêu hổ trong tư thế hạ sơn. Chính giữa hai cột trụ tả và hữu của Tắc môn nhấn chữ Hán: “Lẫm lẫm uy linh” (nơi này rất linh thiêng) để nhắc nhở nhân dân mỗi khi vào đền hành lễ. Phía trên tắc môn trang trí “lưỡng long chầu nguyệt” để làm tăng tính thẩm mỹ cho công trình.
Ngoài khu vực sân, trước đền là một hồ nước rộng, là nơi tụ thuỷ, góp phần làm tăng giá trịphong thuỷ và tạo cảnh quan môi trường. Phần đất còn lại xung quanh đền trông một số cây xanh tạo không gian thoáng mát và tăng tính thâm nghiêm, cổ kính cho di tích. Xung quanh di tích được bao bọc bởi hệ thống hàng rào xây gạch chỉ với vữa tam hợp…
Nhà Bái đường của đền được phục dựng theo kiến trúc thời Nguyễn gồm 3 gian, 2 hồi văn, khung nhà làm bằng gỗ lim, nền lát gạch đỏ, phía trước gian giữa là hệ thống cửa thượng song hạ bản, 2 gian còn lại thưng ván, 2 hồi phía Đông và phía Tây xây tường bao, phía sau gian giữa để thông với nhà Hậu cung… Nhìn chung kiến trúc nhà Bái đường được chạm trổ hoa văn khá công phu. Đặc biệt là hệ thống vì kèo được các nghệ nhân chạm trổ với nhiều đề tài khác nhau như: rồng, phượng, vân mây, hoa lá cách điệu. Trên các điểm nối giữa các cấu kiện gỗ như cổ nghé, bẩy… chạm trổ hoa văn chìm với hình tượng vân mây, sóng nước cách điệu làm cho các cấu kiện được thanh thoát, hài hoà.
Gian giữa nhà Bái đường bài trí 1 hương án sơn son thiếp vàng. Trên hương án đặt tượng phật Quan âm Chuẩn Đề và một lư hương sứ, 2 bên đặt 2 bình hoa lớn và một số đồ thờ thiết yếu phục vụ thờ cúng như: bình hoa, chén nước, khay trầu, nậm rượu…
Hai hồi phải và trái của nhà Hậu cung hiện nay bài trí 2 ban thờ làm nơi thờ Tam tòa Thánh Mẫu ở phía Đông và các anh hùng liệt sỹ của địa phương ở phía Tây, gian giữa thờ Phật. Trước đây, đền không có 3 ban thờ trên nhưng theo nguyện vọng của nhân dân nay 3 bàn thờ trên được phối thờ thêm ở nhà bái đường.
Tiếp nối với Nhà Bái đường là Nhà Hậu cung, được thiết kế theo kiểu nhà tứ trụ, tường hồi phía sau xây bít đốc, mặt trước thông với bái đường với 2 hàng cột, 2 vì liên kết hệ thống cột gian giữa nhà bái đường tạo thành bộ khung của nhà Hậu cung. Nhà Hậu cung được các nghệ nhân chạm trổ hoa văn khá độc đáo với kỹ thuật chạm nổi các họa tiết rồng phượng cách điệu, hoa cúc, sóng nước… điểm xuyết đôi nét vân mây uốn lượn ở trên các cấu kiện gỗ và các điểm nối giữa cột và xà, cổ nghé tạo cho bộ khung nhà được thanh thoát nhẹ nhàng, giàu tính thẩm mỹ. Gian ngoài Nhà Hậu cung đặt một hương án, 2 bên bài trí 2 con chim Hạc đứng trên lưng rùa, sau lư hương đặt 1 bộ long ngai bài vị thờ công đồng gồm các chư binh chư tướng của Lý Nhật Quang. Cấp thờ thứ 2 ở phía sau đặt một pho tượng của Uy Minh vương Lý Nhật Quang được nhân dân cung tiến vào những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Trên bàn thờ hiện nay còn có một số đồ tế khí phục vụ cho việc hương khói hàng ngày như: đĩa sứ, chén nước, mâm chè, bình hoa…
Gian trong cùng của Hậu cung đặt một hương án gồm 2 lư hương lớn và 2 bộ khám thờ, phía trong đặt hiệu bụt của Vua cha Lý Thái Tổ Lý và mẹ là Thái Hậu Lê Thị Phất Ngân. Phía trên ban thờ bài trí bức hoành phi sơn son thiếp vàng với nội dung: “Thánh Đức lưu ân”.
Ngoài công trình chính là Nhà Bái đường và Hậu cung, còn có nhà tả vu, hữu vu, được sử dụng như nhà truyền thống và nhà thư viện để phục vụ công tác bảo lưu, tuyên truyền phát huy giá trị truyền thống của địa phương.
Nhà truyền thống là nơi lưu giữ nhiều hiện vật gắn với quê hương, đồng ruộng như: cày, bừa, máy thổi lúa, nơm, đó, lưỡi hái… các bộ sưu tập hiện vật thể hiện cuộc sống lao động, sản xuất của nhân dân làng Liên Trì xưa. Đặc biệt, tại đây còn lưu giữ một ngôi mộ cổ được phát hiện gần khu vực đền Bạch Mã năm 2010 với nhiều đồ tuỳ táng quý hiếm như: chảo đồng, mâm đồng, chứng minh khu vực đền Bạch Mã ngày nay trước đây đã từng là một vùng đất cổ của người Việt cổ.
Nhà thư viện hiện nay còn lưu giữ hàng trăm đầu sách để phục vụ nhân dân.
Đền Bạch Mã được xây dựng cách đây gần 1000 năm, trải qua thời gian, chiến tranh, thiên tai đền đã bị hư hỏng phần lớn song được sự quan tâm của chính quyền, du khách thập phương, ngôi đền đã được phục hồi. Hiện nay công tác phát huy giá trị tại di tích luôn được chú trọng. Di tích đang trở thành nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân và thu hút đông đảo người dân đến tham quan chiêm bái. Bên cạnh đó di tích còn nằm ở vị trí khá thuận lợi, kết hợp với các di tích khác trên địa bàn huyện như: Đền Chùa Gám, Đình Hậu, Đền Đức Hoàng, Đình Trụ Pháp, nhà Lưu niệm Phan Đăng Lưu… tạo thành một tuyến tham quan du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn cho du khách, góp phần vào phát triển kinh tế địa phương.