240
644
2896
20411
20962
6849818
Đồng chí Phan Đức Khước (1917-2012) quê ở làng Liên Trì, tổng Vân Tụ (nay là xã Liên Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Sinh ra và lớn lên trên vùng đất giàu truyền thống văn hóa và yêu nước, đồng chí Phan Đức Khước đã sớm được giác ngộ, đi theo cách mạng.
Ảnh: Đ/c Phan Đức Khước (1917-2012)
Đồng chí Phan Đức Khước có một tuổi thơ khó khăn, mẹ mất khi đồng chí vừa tròn 3 tháng tuổi, đến năm 4 tuổi thì bố cũng qua đời. Với tình thương yêu của mình, bà Hiệu San (người trong họ Phan Đức) đã nhận đồng chí Phan Đức Khước làm con nuôi. Bà Hiệu San đã tạo điều kiện cho đồng chí Phan Đức Khước học chữ. Do đó, đồng chí đã sớm được tiếp cận những áng thơ văn yêu nước do các thầy giảng dạy. Tuy còn nhỏ nhưng Phan Đức Khước đã sớm say mê với những bài vè, mẩu chuyện về người “anh hùng dã thảo” trong phong trào Cần Vương chống Pháp Lãnh Ngợi (Đốc Ngợi, Tác Bảy).
Năm 1931, khi phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh nổ ra mạnh mẽ tại các làng quê Yên Thành, đồng chí Phan Đức Khước lúc bấy giờ tròn 14 tuổi đã được đồng chí Phan Đức Vinh[1] giác ngộ. Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, được sự hướng dẫn của đồng chí Phan Đức Vinh, đồng chí Phan Đức Khước đã hăng hái tham gia một số nhiệm vụ do chi bộ giao phó. Vào ban ngày, chăn trâu là một công việc để Phan Đức Khước cải trang che mắt địch, phục vụ nhiệm vụ canh gác cho những buổi hội họp của các đồng chí đảng viên hoặc công tác giao liên vận chuyển các tài liệu cho chi bộ. Ban đêm, cậu lại tiếp tục hăng hái tham gia công tác canh gác cho đội tự vệ đỏ tập luyện.
Tuy nhiên, trước sự lớn mạnh của phong trào cách mạng, thực dân Pháp đã tiến hành nhiều thủ đoạn nham hiểm hòng dập tắt ý chí đấu tranh của quần chúng nhân dân. Tháng 3/1931, tại Liên Trì, kẻ địch đã cho lính Tây đồn tiến hành 3 đợt càn quét. Hầu hết cán bộ cách mạng trong làng đều bị sa vào tay giặc. Đến cuối tháng 6/1931, phong trào cách mạng tại Liên Trì nói riêng, tổng Vân Tụ nói chung tạm lắng xuống. Trước tình thế cách mạng mới, các đồng chí đảng viên, quần chúng yêu nước khác của Liên Trì cũng như đồng chí Phan Đức Khước quyết định rút lui vào hoạt động bí mật. Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh tuy tạm lắng nhưng trong những ngày sục sôi không khí đấu tranh ấy, cảm tình Đảng và mong muốn được cống hiến sức mình cho khát vọng giải phóng quê hương, đất nước ngày càng được củng cố, nuôi dưỡng trong lòng người thanh niên yêu nước Phan Đức Khước.
Đầu năm 1936, trên cơ sở chi bộ ghép Vân Tụ, chi bộ Liên Trì được thành lập do đồng chí Phan Đức Vinh làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, các phong trào quần chúng dần nhen nhóm và phát triển, xuất hiện nhiều hình thức đấu tranh phù hợp với thời cơ lịch sử mới của dân tộc. Tổ chức Thanh niên dân chủ Liên Trì được thành lập gồm những thanh niên yêu nước tiêu biểu như: Phan Đức Khước, Nguyễn Bá Du, Nguyễn Bá Huệ… Trong nhiệm vụ mới, đồng chí Phan Đức Khước cùng với tổ chức của mình đã tiến hành các hoạt động: quyên góp tiền để mua và đọc sách báo tiến bộ, dạy học chữ quốc ngữ, vận động nhân dân tương trợ nhau thông qua tham gia các phường cày, phường củi…
Đầu năm 1937, Đại hội Đảng bộ huyện Yên Thành được triệu tập tại đình Đá Mọc ở làng Ngọc Luật (nay là xã Minh Thành). Đồng chí Phan Đức Khước được đồng chí Phan Đức Vinh tín nhiệm nhận nhiệm vụ bảo vệ cuộc họp này. Tại cuộc họp, Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành chính thức do đồng chí Phan Đức Vinh làm Bí thư. Sau đó, đồng chí Phan Đức Khước còn được đồng chí Phan Đức Vinh giao phó nhiệm vụ là cán bộ giao thông liên lạc cho Huyện ủy.
Ngày 11/7/1938, với những hoạt động năng nổ của mình, đồng chí Phan Đức Khước đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi vừa tròn 21 tuổi.
Cuối năm 1939, sau đợt vây ráp trên diện rộng của địch khiến nhiều cán bộ bị bắt, Trung ương Đảng và Tỉnh ủy Nghệ An đã có chủ trương chuyển các tổ chức Đảng, tổ chức quần chúng yêu nước vào hoạt động bí mật. Đầu năm 1940, sau khi Tỉnh ủy lâm thời Nghệ An được khôi phục đã ra báo Cởi Ách làm cơ quan ngôn luận thay cho báo Dân Tiến. Nắm bắt địa thế Liên Trì hết sức thuận lợi cho việc liên lạc với tổ chức Đảng ở Anh Sơn, Đô Lương, Thanh Chương, gây dựng cơ sở ở vùng Bắc Nghệ An, Tỉnh ủy đã chọn đây làm nơi đóng trụ sở. Đồng chí Phan Đức Khước ngoài nhận nhiệm vụ bảo vệ cơ quan Xứ ủy, Tỉnh ủy và vận chuyển tài liệu đi các nơi thì còn tham gia vào việc kiếm tiền mua giấy, thạch, mực và dụng cụ để in báo. Đồng chí đã góp phần vào việc in ấn các số 5,6,7,8 của báo Cởi Ách, từ đó vận chuyển đi các địa phương khác để tuyên truyền, ổn định tinh thần cho đảng viên, quần chúng, hướng dẫn phong trào đấu tranh trong giai đoạn này.
Ngày 16/8/1941, hoạt động của cơ quan Xứ ủy, Tỉnh ủy và các cơ sở Đảng ở Yên Thành đang trên đà phát triển thì công sứ Nghệ An đưa lính đến ráo riết vây bọc làng Liên Trì, lùng bắt nhiều cán bộ Đảng. Đến ngày 19/10/1941, đồng chí Phan Đức Khước bị địch bắt. Sau khi giải đồng chí về Nhà lao Vinh, đồng chí Phan Đức Khước đã bị kẻ địch dùng nhiều thủ đoạn tra tấn tàn bạo. Trải qua 1 tháng rưỡi không khai thác được thông tin gì từ đồng chí, Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An đã kết án đồng chí 5 năm tù khổ sai, 5 năm quản thúc theo Bản án số 09 ngày 13/1/1942. Xét thấy đồng chí Phan Đức Khước là thành phần “nguy hiểm đối với an ninh”[2], ngày 2/3/1942, Khâm sứ Trung Kỳ đã ra Quyết định số 498 ngày 4/2/1942 về việc đày đồng chí Phan Đức Khước đi Trại Ly Hy (Thừa Thiên Huế). Sau một thời gian, địch tiếp tục giải đồng chí về giam tại nhà lao Trà Khê (tỉnh Phú Yên). Như vậy, trong vòng năm năm, từ 1941-1945, đồng chí đã trải qua 3 chế độ lao tù trong hệ thống nhà lao của thực dân Pháp và chính quyền tay sai. Tuy nhiên, trong bất cứ hoàn cảnh nào, đồng chí Phan Đức Khước vẫn giữ vững lời thề với Đảng. Đồng chí Phan Đức Khước đã cùng với các đồng chí tận dụng thời gian để học tập chính trị và tham gia các hoạt động đấu tranh đòi cải thiện chế độ sinh hoạt.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp, đồng chí Phan Đức Khước cùng các tù chính trị nhà lao Trà Khê đã phá lao, tìm đường trở về địa phương hoạt động. Tháng 6/1945, đồng chí về quê, bắt liên lạc để tiếp tục hoạt động cách mạng. Sự hoạt động năng nổ của đồng chí Phan Đức Khước đã góp phần vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 25/8/1945 ở huyện Yên Thành. Với những đóng góp của mình, tháng 3/1946, đồng chí Phan Đức Khước được bầu làm Ủy viên Ban Quân sự huyện. Tiếp đó, tại Đại hội Đảng bộ huyện Yên Thành lần thứ 2 tổ chức tại làng Xuân Tiêu (xã Hợp Thành), đồng chí tiếp tục được tổ chức tín nhiệm bầu là ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính huyện Yên Thành.
Trong những thời gian tiếp sau, đồng chí Phan Đức Khước đã được tổ chức tín nhiệm giao giữ nhiều vị trí quan trọng tại địa phương. Đặc biệt, tháng 9/1952, Tỉnh ủy giới thiệu đồng chí tham gia học lớp Dân quân do Bộ Quốc phòng tổ chức. Ngày 20/9/1954, Trung đoàn 600 - Đoàn Tân Trào được thành lập để bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ về tiếp quản Thủ đô. Đồng chí Phan Đức Khước giữ chức vụ Phó Chính ủy và ủy viên, rồi Phó Bí thư Đảng ủy Trung đoàn. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Phan Đức Khước và Đảng ủy, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 600 đã vượt qua biết bao khó khăn thách thức, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu quan trọng.
Cuối năm 1962, đồng chí Phan Đức Khước được Trung ương điều về làm Trưởng phòng Phúc thẩm, Tòa án Quân sự Trung ương. Năm 1965, đồng chí được bầu giữ chức Phó Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương, chuyên trực tiếp chỉ đạo các Quân khu xét xử các vụ án lớn và trực tiếp xét xử các vụ án biệt kích Mỹ nhảy dù xuống vùng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Việt Bắc.
Năm 1968, đồng chí tiếp tục được tín nhiệm bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Tổng Cục Chính trị, đồng thời là Bí thư Đảng bộ Tòa án Quân sự Trung ương đến lúc nghỉ hưu (năm 1979).
Ảnh: Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng của đ/c Phan Đức Khước
Với những cống hiến cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước, đồng chí Phan Đức Khước đã được Đảng, Nhà nước, Quân đội trao tặng nhiều danh hiệu cao quý, như: Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Quân công hạng Nhất và hạng Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Hai… Cuộc đời hoạt động của đồng chí Phan Đức Khước thể hiện ý chí kiên cường, nghị lực phấn đấu không mệt mỏi để vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước, Quân đội giao phó. Đại tá Phan Đức Khước xứng đáng tấm gương sáng để mọi thế hệ học tập và noi theo./.
Đặng Huyền Trang
Trưởng phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT
Chú thích:
[1] Phan Đức Vinh (1915-1985) quê ở làng Liên Trì, tổng Vân Tụ (nay là xã Liên Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, vào Đảng tháng 2/1931.
[2] Theo Hồ sơ do Bộ Công an cung cấp
Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Đảng bộ Nghệ An (1930-1954), NXB Nghệ An, 2019;
- Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Thành, NXB Nghệ An, 2017;
- Lịch sử xã Liên Thành, huyện Yên Thành (Sơ thảo), NXB Nghệ An, 2012;
- Hồ sơ Mật thám Pháp do Bộ Công an cung cấp;
- Lý lịch của đồng chí Phan Đức Khước do gia đình cung cấp.