Chu Huệ (1903-1956)

Tác giả: admin
Ngày 2009-07-19 15:03:44

Chu Huệ sinh năm 1903 tại làng Cẩm Bào, tổng Hoàng Trường(nay là xã Diễn Trường), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Chu Huệ được sinh ra và lớn lên trong một gia đình và quê hương có truyền thống yêu nước và cách mạng. 

Thân phụ của anh là Chu Văn Đôn là thầy giáo trường làng dạy chữ Hán cho con em trong vùng. Ông là người thông minh, khảng khái và giàu lòng yêu nước. Ông tham gia phong trào đấu tranh chống Pháp từ thời kỳ Đông Du. Gia đình ông thường có bạn bè lui tới để đàm đạo việc xã hội và bình luận thơ văn yêu nước của Phan Bội Châu. Thân  mẫu Chu Huệ là bà Chu Thị Thoài, một phụ nữ cần cù, chịu thương, chịu khó nhân ái và luôn san sẻ với chồng con. Vì vậy gia đình hai ông bà đều được nhân dân trong vùng mến phục. Hai ông bà sinh được ba người con trai: Chu Huệ, Chu Truật, Chu Thê. Ngay từ ngày còn theo học với cha, Chu Huệ rất chăm chỉ học hành. Anh học giỏi cả chữ Hán và chữ Quốc ngữ. Khi lớn lên, Chu Huệ lại được cha cho giao tiếp với các thầy giáo yêu nước trong vùng. Được cha tin cậy, Chu Huệ từng bước tham gia các hoạt động của phong trào Đông Du và những cuộc đấu tranh của dân làng chống sưu cao thuế nặng giữa phe hộ và phe hào... 

Hưởng ứng phong trào Đông Du, khi ông Vương Thúc Oánh và Nguyễn Năng Tựu ra tổng Hoàng Trường vận động thanh niên xuất dương. Chu Huệ, Hồ Hùng, Trương Thân, Chu Trang đã từ giã quê nhà dưới sự hướng dẫn của Vương Thúc Oánh vào Vinh đi sang Xiêm qua đường Lào. Đoàn người sang đến Lào, nhưng người dẫn đường ở Lào không chịu trách nhiệm dẫn đoàn sang Xiêm nên mọi người phải quay về và chờ đợi thời cơ khác. 

Hiểu được tấm lòng mong mỏi được xuất dương của lớp thanh niên trẻ, ông Chu Văn Đôn đã ra nhờ bà Lụa (Trần Thị Trâm) ở làng Quỳnh Đôi(Quỳnh Lưu) tìm cách đoàn sang Trung Quốc. Bà Trâm là một phụ nữ can đảm đã từng lo cho con là Hồ Học Lãm và cháu là Hồ Tùng Mậu xuất dương thành công. Được bà Trâm đưa đường, Chu Huệ cùng đoàn lên đường ngược Lạng Sơn để sang Tung Quốc. Nhưng khi đoàn của Chu Huệ đi đến Lạng Sơn thì không thể qua được cửa khẩu do bọn mật thám canh gác chặt chẽ. Bà Trâm đành dẫn đoàn thanh niên quay trở lại. 

Năm 1927, có hai tổ chức cách mạng hoạt động mạnh ở Nghệ Tĩnh là Đảng Tân Việt và Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội(VNTNCMĐCH) gọi tắt là Hội Thanh niên. Đồng chí Nguyễn Sỹ Sách là Bí thư kỳ bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. 

Luồng gió mới của cuộc cách mạng vô sản, tư tưởng của chủ nghĩa Mác Lê nin và ảnh hưởng của cách mạng tháng Mười Nga theo con đường của Thanh niên cách mạng đồng chí hội đã về đến tổng Hoàng Trường. Lớp thanh niên háo hức đi xuất dương không thành như Chu Huệ đã hăng hái tham gia vào tổ chức VNTNCMĐCH tại phủ Diễn Châu. 

Hội Thanh niên đã ra đời tại tổng Hoàng Trường, hội được chia làm bốn nhóm: nhóm thứ nhất do đồng chí Nguyễn Năng Tựu(Quê Nghi Lộc)về tổ chức tại cánh đồng Mưng gồm: Chu Huệ, Chu Ttruật, Hồ Hùng, Chu Duy...; Nhóm thứ hai do đồng chí Võ Mai thành lập tại Tràng Kỳ(Yên Thành) gồm: Chu Đàm, Chu Trang, và một số thanh niên tích cực của làng Cẩm Bào. Sau đó hai nhóm kết hợp với nhau làm một, đồng chí Chu Huệ phụ trách và kết nạp thêm một số thanh niên mới gồm: Chu Toàn, Hồ Tuyển, Hồ Xiển, Hồ Nhiếp, Trương Thân và Chu Trân. Để có cơ sở và quỹ cho hội hoạt động, các đồng chí đã thành lập Trại Cày tại cánh đồng Mưng (nay thuộc xã Diễn Lâm) và tổ chức hoạt động giống như Trại Cày của Đặng Thúc Hứa ở Xiêm. 

Năm 1928, đồng chí Võ Nguyên Hiến đã học tập kinh nghiệm xây dựng cơ sở cách mạng của Hiệu Yên Xuân để mở cơ sở Hưng Nghiệp Hội xã ở ga Si. Chu Huệ, Hồ Hùng, Chu Trang, Chu Đàm, đã vận động được nhiều người đống góp cổ phần xây dựng với mệnh giá là 50 đồng. Hiệu buôn ga Si, cơ sở hoạt động của hội được ra đời. 

Hội Thanh niên cách mạng đồng chí tổng Hoàng Trường hoạt động mạnh và đến tháng 9/1929 được đồng chí Nguyễn Phong Sắc- Bí thư lâm thời kỳ bộ Đông Dương cộng sản Đảng chuyển thành chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng. 

Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời(3/2/1930), được sự chỉ đạo của Xứ uỷ Trung Kỳ, các Đảng bộ huyện, phủ, chi bộ các địa phương lần lượt ra đời. Ngày 28/4/1930, tại cuộc họp của Ban chấp hành phủ uỷ lâm thời Diễn Châu, đồng chí Nguyễn Phong Sắc đã tuyên bố chuyển những người trong chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng sang chi bộ Đảng cộng sản Việt Nam gồm các đồng chí: Chu Huệ, Hồ Hùng, Chu Trang...Ngoài ra kết nạp thêm đảng viên mới là đồng chí Chu Truật(em trai đồng chí Chu Trang). 

Sau khi chi bộ Hoàng Trường ra đời, cùng các đảng viên khác, đồng chí Chu Huệ kăn lộn với phong trào, tổ chức in truyền đơn, may cờ Đảng, tuyên truyền vận động quần chúng tham gia đấu tranh. Nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, đồng chí Chu Huệ cùng các đồng chí trong chi bộ đã tỏ chức treo cờ đỏ búa liềm trên nóc đình Long Ân và các cây cao trong làng. Từ tháng 5 đến tháng 10/1930, dưới sự lãnh đạo của đồng chí Chu Huệ và chi bộ tổng Hoàng Trường, phong trào đấu tranh của nhân dân phát triển mạnh mẽ khắp toàn phủ, đòi quyền lợi cho dân cày, phản đối thực dân Pháp bắn giết những người tham gia phong trào đấu tranh ở Vinh - Bến Thuỷ, Nam đàn, Thanh Chương và Hưng Nguyên. Nhân kỷ niệm lần thứ 13 cách mạng tháng Mười Nga(7/11/1930, Đảng bộ phủ diễn Châu đã phát động phong trào đấu tranh trong toàn phủ. Đồng chí Chu Huệ được phủ uỷ chỉ định phụ trách tổng chỉ huy trong toàn tổng Hoàng Trường. 

Sáng ngày 7/11/1930, hơn 2.000 nông dân tổng Hoàng Trường tập trung tại Đình Long Ân tham gia biểu tình cùng với nhân dân các tổng Lý Trai, Vạn Phần....kéo về phủ lỵ đấu tranh. Đoàn người vừa đi vừa hô vang hẩu hiệu Phản đối đế quốc chiến tranh, ủng hộ Xô Nga, giảm sưu thuế cho nông dân, Việt nam hoàn toàn độc lập...Hoảng sợ trước khí thế đấu tranh của nhân dân, bọn địch điên cuồng bắn xả vào đoàn biểu tình làm 43 người hy sinh và hàng chục người khác bị thương. Tối ngày 7/11/1930, đồng chí Chu Huệ cùng chi bộ đã tổ chức lễ truy điệu và giúp đỡ gia đình có người hy sinh mỗi gia đình 20 đồng. Cuối tháng 12/1930, tổng bộ kiện toàn chấp hành mới gồm 5 đồng chí( Chu Huệ, Trương Châu, Vũ Xước, Hồ Hùng, Hồ Nhiếp, đồng chí Chu Huệ được bầu làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của Tổng bộ, phong trào đấu tranh của nhân dân trong vùng tiếp tục phát triển lên cao khiến bọn hương hào lý trưởng hoang mang, nằm im không dám hoạt động chống phá cách mạng; lý trưởng làng Long Ân mang triện trả cho xã bộ nông, một số tên phải chạy lên đồn Tây nhờ che chở.... 

Phong trào đấu tranh của nhân dân Diễn Châu phát triển mạnh nhiều nơi thành lập được chính quyền Xô Viết. Thực dân Pháp tìm mọi cách dìm phong trào vào trong biển máu. Đến tháng 10/1931, bọn chúng tịch biên tài sản, bắt giam và đốt nhà các đồng chí ở tổng Hoàng Trường như: Chu Huệ, Lê Tài, Lê Ty, Hồ Nhiếp, Hồ Tựu, Hồ Hiến ... Đồng chí Chu Huệ bị toà án nam triều tỉnh Nghệ An kết án 20 năm tù và đày đi Lao Bảo, năm 1935 đồng chí bị chuyển lên nhà tù Ban Mê Thuột. Trong cảnh tù đày, đồng chí Chu Huệ luôn luôn đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của thực dân trong ngục tù và luôn tìm mọi cơ hội để vượt ngục trở về tham gia hoạt động cách mạng. 

Năm 1936, Mặt trận bình dân Pháp lên nắm chính quyền, chính phủ Pháp đã ban hành lệnh đại xá cho tù chính trị tại Đông Dương. Không thể chờ lệnh đại xá, đồng chí Chu Huệ đã chớp thời cơ, quyết định vượt ngục. 

Khó có thể kể hết sự nguy hiểm khi đi trong rừng đại ngàn Tây Nguyên mịt mùng để tìm đường ra Bắc, trở về quê hương. Vừa bị địch truy lùng, vừa bị sự đe doạ của thiên nhiên, thú rừng và đói rét, đường đi tắt nghẽn, một mình Chu Huệ lạc giữa rừng sâu, thật quá nhỏ bé trước thiên nhiên. Những lúc đó nếu không có sức mạnh tinh thần, nghị lực, mưu trí và sự chịu đựng dẻo dai của môt người cộng sản dạn dày kinh nghiệm như Chu Huệ thì khó có thể vượt qua được.Đồng chí đẫ kể lại cuộc trốn khỏi nhà tù năm 1936 như sau: 

“Tôi đi vào mùa tháng 5 (âm lịch), mấy hôm đầu thật là đói, vì không mang dược lương thực gì đi theo; nhưng còn có măng rừng, còn chuối rừng để ăn. Hôm đó mình chiu trong rừng rậm, chợt tháy vết máu, mình lần theo thì ra một con nai vừa bị cọp bắt, ăn hết chỉ còn lại cái đầu to tướng, mình giật mình bỏ chạy vì sợ cọp còn quanh quẩn ở đâu đó. .. 

Cũng lần ấy, mấy hôm sau mình vớ được con rùa cổ cao, to tướng. Bắt được nó cũng không phải dễ... khi thắt được cổ nó, mừng quá. Đành chịu khó còng nó đi vậy...Nhưng gay quá, mình không có diêm, cố tìm được chỗ cháy rừng để kiếm lửa nướng rùa, mình cõng rùa trên lưng đi suốt hai ngày mà không tìm ra lửa. Sợ rùa chết nên đã mở dây cột cổ cho nó. Sáng mai tỉnh dậy, thì ôi thôi ! Không thấy rùa đâu nữa. Mất công toi bắt, cột và cõng nó đi, lại phải quanh quẩn mất cả buổi. Thế là tôi phải chịu đói khát vượt rừng sâu...”(Vượt ngục Đắk Mil. NXB Thanh niên, 1976, Tr.104-105) 

Về thời kỳ đồng chí Chu Huệ vượt ngục Buôn Ma Thuột lần thứ nhất trở về Nghệ Tĩnh hoạt động, trong một bức thư viết cho đồng chí Chu Văn Đàm, đồng chí Nguyễn Tạo cũng đã kể lại rằng: 

“Tôi bị đày lên Lao Bảo năm 1935, từ đó gặp đồng chí Chu Huệ, tới năm 1942, cùng vượt ngục ra khỏi Đắc Min (Buôn Ma Thuột) với đồng chí Chu Huệ, tất anh em từ Lao Bảo, Buôn Ma Thuột ai cũng thấy rõ tinh thần chiến đấu, hy sinh của đồng chí Chu Huệ. 

Vào tù, đồng chí Chu Huệ ngoan cường, liên tiếp chiến đấu chống mọi hành động áp bức tàn bạo của địch, không hề có một cuộc đấu tranh trong nhà tù mà không tham gia và luôn là người đi tiên phong. Ngoài ra đồng chí Chu Huệ ngày đêm có ý thức học tập về chính trị, văn hoấ, quân sự... 

Tháng 6/1935, đồng chí Chu Huệ trốn khỏi nhà đày Buôn Ma Thuột về xây dựng cơ sở cách mạng ở Hà Tĩnh- Nghệ An đã bị tay chân Đinh Văn Di báo mật thám bắt...”(Thu lưu tại Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh uỷ Nghệ An).
Trải qua hơn nghìn cây số đường rừng hiểm trở và chịu bao đói rét, cuối năm 1936 đồng chí Chu Huệ đã trở về Nghệ Tĩnh hoạt động, góp phần tuyên truyền, vận động và nhen nhóm lên ngọn lửa cách mạng sau thời kỳ khủng bố trắng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Đồng chí Chu Huệ đã xây dựng được nhiều chi bộ cơ sở huyện Nghĩa Đàn. Được một thời gian thì đồng chí Chu Huệ bị bắt, lần này thì toà án Nam triều Nghệ An tăng mức án lên khổ sai chung thân và chuyển đồng chí lên nhà tù Buôn Ma Thuột. 

Năm 1938, đồng chí Chu Huệ lại tổ chức vượt ngục lần thứ hai, nhưng không thành vì bị lộ. Bọn cai ngục coi đồng chí Chu Huệ là đối tượng cứng đầu, nguy hiểm số 1 và chúng đã giam riêng đồng chí vào xà lim để tách biệt với anh em tù chính trị trong một năm. Những tù nhân tại nhà tù Buôn Ma Thuột không ai là không biết đến tên đồng chí Chu Huệ. Họ rât kính phục, tin tưởng và giành cho đồng chí những tình cảm đặc biệt. Các bạn tù đã viết về đồng chí Chu Huệ: “Bị án khổ sai chung thân, phải ở trong tù 13 năm, suốt ngày đi lao động khổ sai, nhưng trưa tối, đồng chí vẫn học tập. Ở xà lim, cùm chân, xích tay, vẫn có giấy, có sách học tập...Nếu không kiếm được một tý giấy mực gì thì cũng nhắm mắt ôn lại những bài học chính trị, văn hoá, địa dư, sử ký...đã học được từ trước. 

Đồng chí đối với anh em thì chân thành, thân mật, tỏ thái độ kính nể những đồng chí có tinh thần kiên cường chiến đấu. 

Đối với địch thì đồng chí Chu Huệ luôn luôn đi tiên phong trong các cuộc đấu tranh. Với cái đầu to tròn, cái trán dô, cao rộng, với đôi mắt đỏ hoe, với tiếng nói nghiến hai hàm răng, đồng chí Chu Huệ đã không hề lùi bước tước bất cứ kẻ địch nào. 

Có lần sau khi vượt ngục Buôn Ma Thuột, ra ngoài hoạt động được một năm bị bắt lại, tên Sâm, chánh quản khố xanh gác trại giam Buôn Ma Thuột, trong một cuộc cãi vã tay đôi, nó định vác gậy hèo nện vào đầu Chu Huệ, Chu Huệ hai tay còn bị xích chặt vội chạy nhặt một hòn gạch, hai mắt tròn xoe đỏ như tiết, bảo nó: Nếu mày động tới tao thì hòn gạch này sẽ choảng vào đầu mày ngay...Tên quản Sâm sợ Chu Huệ và sợ cả tập thể tám trăm phạm nhân nên đành đấu dịu...”
(Vượt ngục Đắk Mil- Sđd. Tr. 60).
Tháng 3/1941, bọn cai ngục đã lập danh sách 120 tù nhân bị chúng liệt vào loại đầu sỏ, bắt phát vãng lên Đăk Mil; trong số đó, phần đông là những chiến sỹ cộng sản trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh như: Chu Huệ, Trương Vân Lĩnh, Nguyễn Tạo, Trần Hữu Doánh... 

Đăk Mil là nơi rừng thiêng nước độc, nằm về phía cực nam Buôn Ma Thuột, gần giáp giới Nam Kỳ và Căm pu chia, cách Buôn Ma Thuột 60 km. 

Tên Mô sin, chủ ngục với ý đồ đưa 120 phạm nhân chính trị cứng đầu lên Đăk Mil để lấy đói rét, bệnh tật và đánh đập mà tiêu diệt họ dần dần trong rừng sâu hoang vắng; nhưng chúng đã nhầm. Với tinh thần, nghị lực, lạc quan tin tưởng và luôn chủ động tiến công của những người cộng sản kiên cường như Chu Huệ, Trương Vân lĩnh...120 tù nhân trong một thời gian ngắn đã cải tạo được môi trường sống của những người tù chính trị. Đồng thời các đồng chí đã cảm hoá được số lính canh ngục người dân tộc Ê đê vốn căm ghét tù nhân người Kinh do bị bọn địch tuyên truyền xấu. 

Để chuẩn bị cho cuộc vượt ngục tại Đăk Mil được thành công, các đồng chí Chu Huệ, Trương Vân Lĩnh, Nguyễn Tạo, Trần Hữu Doánh cứ tối đến lại mài vòng xiềng sắt cho rộng để rút chân vào ra cho dễ, chuẩn bị la bàn, lương khô đi đường và 4 con dao đi rừng. Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ các thứ cần thiết cho đoàn vượt ngục, đêm 5/12/1942, bốn đồng chí đã khéo léo lừa được bọn lính canh vượt ra ngoài an toàn. 

Hơn hai tháng trời trải qua gian nan, vất vả, vượt núi băng rừng hơn 1.000 km đến đêm 30 Tết (4/2/1943) đồng chí Chu Huệ và Trần Hữu Doánh về đến quê nhà. 

Vừa về đến quê hương, đồng chí Chu Huệ đã thấy trát truy nã kèm theo ảnh 4 người tù vượt ngục tại Đăk Mil được dán khắp nơi với giải thưởng 300 đồng bạc Đông Dưong cho mỗi đầu người. Công sứ Pháp ở Vinh sức cho tổng lý, mật thám hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh truy lùng và đón lõng tù cộng sản. 

Không thể về quê để bị rơi vào tay địch, đồng chí Chu Huệ sang bắt liên lạc với cơ sở cách mạng ở Can lộc, Đức Thọ(tỉnh Hà Tĩnh) góp phần thành lập Việt Nam Cứu quốc của tỉnh Hà Tĩnh (tháng 4/1943) để lãnh đạo việc xây dựng Mặt trân cứu quốc các cấp xây dựng lực lượng tự vệ, lập căn cứ địa, phát động quần chúng đấu tranh, chống áp bức, bóc lột của Pháp- Nhật, chuẩn bị đón thời cơ giành chính quyền. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Chu Huệ, cơ sở Hội Việt Nam cứu quốc lần lượt được thành lập ở các huyện can lộc, Đức Thọ, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh. 

Còn đồng chí Trương Vân Lĩnh và Trần Hữu Doánh về xây dựng cơ sở ở Nghệ An. Sau khi bắt liên lạc với đồng chí Nguyễn Xuân Linh, đồng chí Trương Vân Lĩnh định xây dựng cơ sở ở Vinh làm chỗ đứng để mở rộng hoạt động ra cả tình, còn đồng chí Trần Hữu Doánh thì về xây dựng cơ sở ở vùng trung du và miền núi Thanh Chương, Anh Sơn làm căn cứ hoạt động lâu dài. Đồng chí Nguyễn Tạo ra hoạt động ở Bắc Kỳ. 

Do chưa nắm được tình hình mới nên các đồng chí cũng không mở rộng được địa bàn hoạt động. Hội Việt Nam cứu quốc tỉnh Hà Tĩnh và các cơ sở của nó bị mật thám phá vỡ sau ba tháng hoạt động. Đồng chí Chu Huệ bị bắt lại cùng với nhiều cán bộ, đảng viên và quần chúng ở các cơ sở trong tỉnh. Đồng chí Chu Huệ bị chuyển vào nhà tù Buôn Ma Thuột. Sau ngày đảo chính Pháp(9/3/1945), bọn Nhật mở cửa và nhà tù Buôn Ma Thuột và trả tự do cho tù chính trị. Bọn chúng phỉnh phờ anh em tù ở lại làm cho chúng. Nhưng các đồng chí đảng viên trung kiên của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đã từ chối và nhanh chóng lên đường về quê tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. 

Trở về hoạt động vùng Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, đồng chí Chu Huệ cùng các đồng chí như Phan Đình Lại đã phát động quần chúng đấu tranh cướp chính quyền. 

Ngày 22/8/1945. chính quyền cách mạng về tay nhân dân, đồng chí Chu Huệ là Uỷ viên Ban chấp hành lâm thời phụ trách côn an. Đầu năm 1946 đồng chí Chu Huệ được tỉnh uỷ điều lên hoạt động ở huyện Quỳ Châu; sau đó đồng chí được Trung ương điều ra Nha công an Hà Nội. 

Cuối năm 1946, đồng chí Chu Huệ trở về hoạt động vùng Phủ Quỳ(Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu) 

Do những năm tháng bị địch tra tấn trong lao tù, đồng chí Chu Huệ đã mắc phải bệnh hiểm nghèo, đồng chí từ trần vào ngày 30/9/1956 trong niềm tiếc thương của gia đình, bạn bè và đồng chí. 

Với những công lao đóng góp to lớn cho cách mạng, đồng chí Chu Huệ đã được Đảng và Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng II và nhiều phần thưởng cao quý khác. 

Trương Quế Phương- Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh

Video