Chi bộ Nhà lao Vinh - Nơi tỏa sáng chất thép người cộng sản

Tác giả: admin
Ngày 2020-10-28 03:35:30

Cách đây vừa tròn 90 năm, vào tháng 6 năm 1930, Chi bộ cộng sản Nhà lao Vinh được thành lập do đồng chí Hoàng Trọng Trì làm Bí thư. Với sức mạnh đoàn kết, dù trong chốn ngục tù, các đồng chí vẫn tổ chức các cuộc đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của thực dân, phong kiến. Để rồi từ đây, nhiều tấm gương đấu tranh kiên cường, bất khuất, anh dũng tỏa sáng chất thép, thắp lên ngọn lửa chủ nghĩa anh hùng cách mạng trên quê hương xứ Nghệ.

Ảnh: Sa bàn Nhà lao Vinh

Nhà lao Vinh nằm trong thành phố cổ Nghệ An – phía Bắc nhà lao giáp bờ hồ thành, phía Nam giáp con đường lớn trong khu vực nội thành (nay là đường Đào Tấn), phía Tây giáp bờ hồ thành và cửa hữu, phía Đông giáp khu nhà trại lính khố xanh và lê dương (nay là khuôn viên của 2 cơ quan: Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh và Bảo tàng Nghệ An). Nhà lao Vinh được xây dựng thành 6 dãy lớn. Mỗi dãy chia thành 7 buồng, gồm 6 buồng Nhất, Nhị, Tam, Tứ, Ngũ, Lục và buồng thứ 7 dùng để cho lính khố xanh làm nơi trực và đổi gác. Hệ thống buồng giam được gọi theo thứ tự của ngôi nhà từ phải qua trái. Nhất Đông, Nhất Tây, Nhị Đông, Nhị Tây, Tứ Đông, Tứ Tây, Ngũ Đông, Ngũ Tây, Lục Đông, Lục Tây. Hệ thống nhà giam được chia ra: Nhất Đông, Nhất Tây dùng giam tù nhân là phụ nữ; Tam Đông, Tam Tây, Tứ Đông, Tứ Tây dùng giam tù án kinh tế, số còn lại giam tù nhân chính trị bị kết tội chống lại triều đình và nhà nước bảo hộ Pháp (Nhị Tây giam tù nhân án từ 8 đến 15 năm; Nhị Đông giam tù nhân án chung thân và tử hình) có hai bức tường ngăn cách cao 3m. Từ ngoài, tù nhân bị bắt giải vào phòng giam phải qua 4 lớp cửa cổng.

Nhà lao Vinh là nơi đã từng giam giữ nhiều chí sỹ yêu nước tham gia phong trào văn thân – Cần Vương chống Pháp, tiêu biểu như cụ nghè Nguyễn Xuân Ôn, cụ Hồ Bá Kiện, bà Trần Thị Trâm, Đội Quyên, Đội Phấn. Đặc biệt ông Nguyễn Sinh Khiêm, bà Nguyễn Thị Thanh – anh trai và chị gái Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng bị giam giữ tại đây. Từ cuối thế kỷ XIX, khi phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ An lên cao thì số lượng tù chính trị bị bắt về giam tại đây cũng không ngừng tăng lên, với hàng nghìn chiến sỹ cộng sản kiên trung như đồng chí Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Nguyễn Duy Trinh, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Nhuận, Siêu Hải, Hoàng Trọng Trì, Lê Viết Thuật... Cũng từ đó, Nhà lao Vinh đã trở thành lò luyện thép, trường học lý luận cách mạng rèn luyện tinh thần nhân cách, ý chí, và nghị lực của người chiến sỹ cách mạng.

Trong hệ thống nhà tù của thực dân Pháp thiết lập, nhà lao Vinh là nơi chi bộ cộng sản ra đời đầu tiên vào tháng 6 năm 1930, do đồng chí Hoàng Trọng Trì làm Bí thư (Chi bộ Đảng Ngục Kon Tum ra đời vào tháng 9/1930; Chi bộ Đảng ở nhà tù Hỏa Lò được thành lập cuối năm 1931 đầu năm 1932; Chi bộ nhà tù Côn Đảo được thành lập tại Banh  I năm 1932; năm 1932 – 1933, tại nhà tù Lao Bảo các đảng viên Trần Hữu Dực, Lê Viết Lượng, Chu Văn Biên, Trương Văn Lĩnh, đã thành lập Ban chấp hành Trung ương nhà đày Lao Bảo gọi tắt là “Hội tù nhân”; Chi bộ Đảng nhà đày Buôn Ma Thuật ra đời năm 1940; Chi bộ Đảng Cộng sản lâm thời tại nhà tù Sơn La được chuyển thành chi bộ Đảng chính thức tháng 2/1940).

Sau khi ra đời, Chi bộ Nhà lao Vinh đã tổ chức các hoạt động nhằm thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng ngay trong chốn ngục tù, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức, củng cố niềm tin và phát động các phong trào đấu tranh, đồng thời tìm mọi cách để cảm hóa những người lính gác trong nhà lao. Cùng với cơ sở Đảng bên ngoài, Chi bộ Nhà lao Vinh đã xây dựng, tổ chức, thiết lập một đường dây hoạt động bí mật, nối liền mạch máu giao liên của Đảng từ trong nhà lao ra bên ngoài và ngược lại. Các đảng viên là tai mắt, giám sát, theo dõi những diễn biến tư tưởng của tù nhân chính trị để kịp thời báo ra ngoài cho Đảng biết, đề phòng những tổn thất cho cách mạng. Hoạt động của Chi bộ Nhà lao Vinh đã thực sự góp phần củng cố niềm tin cho tù chính trị.

Chi bộ còn tổ chức sáng tác thơ văn để tuyên truyền, khuyến khích anh em sinh hoạt văn nghệ, giải trí, anh chị em giúp nhau học tập văn hóa, học tập chính trị… Tù chính trị tại Nhà lao Vinh có nhiều người trí thức như: Lê Hồng Sơn, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Sỹ Sách, Hà Huy Tập, Siêu Hải, Nguyễn Thị Phúc… Đặc biệt, trong số họ, có đồng chí không chỉ giỏi Quốc ngữ mà còn rất giỏi các thứ tiếng nước ngoài như: Trung Quốc, Pháp, Nga… khi bị bắt giam tại Nhà lao Vinh, họ đã trở thành những người thầy giáo tận tụy, đem kiến thức có được của mình để truyền lại cho anh em, đồng chí.

Ngoài ra, các chiến sỹ cách mạng đã sáng tác hàng trăm bài thơ hay, vừa để động viên, cổ vũ tinh thần đấu tranh của tù chính trị, vừa có tác dụng vạch mặt những âm mưu xảo quyệt thâm độc của thực dân Pháp và phong kiến Nam triều. Chi bộ Nhà lao Vinh đã cho ra đời “Tờ báo miệng” giống như “đài phát thanh”, rồi cuốn tiểu thuyết miệng “Giọt máu hồng” sau được dựng thành tiểu phẩm kịch được các đồng chí tập và diễn ngay trong buồng giam.

 Trong Nhà lao Vinh, không chỉ học chính trị, làm báo, làm thơ viết truyện mà các tù nhân chính trị còn tranh thủ dạy văn hóa cho nhau. Tất cả những điều tốt đẹp đó đã hun đúc nên khí tiết của những người cộng sản kiên trung. Riêng đối với các nữ tù chính trị, các đảng viên đã bầu đồng chí Nguyễn Thị Phúc, một người có trình độ văn hóa, viết chữ đẹp, là người từng in ấn tài liệu cho Xứ ủy Trung Kỳ, giỏi làm thơ, giỏi tuyên truyền vận động quần chúng làm Bí thư chi bộ phụ trách bộ phận tù chính trị nữ. Khẩu hiệu của Chi bộ Nhà lao Vinh lúc bấy giờ là “Đoàn kết là sống, chia rẽ là chết”. Nhờ ra sức tuyên truyền, vận động nên một số binh lính, cai ngục dần dần được giác ngộ, họ càng ngày càng hiểu và khâm phục bản chất tốt đẹp của các tù nhân đặc biệt.

Khi cao trào cách mạng liên tiếp nổ ra ở các huyện, công tác binh vận được phối hợp chặt chẽ giữa các đồng chí trong nhà lao và bên ngoài. Trong cuộc đấu tranh do đồng chí Hoàng Trọng Trì và Nguyễn Thị Phúc lãnh đạo diễn ra vào tháng 9 năm 1930 để phản đối việc thực dân Pháp cho máy bay ném bom vào cuộc biểu tình của nhân dân Hưng Nguyên ở Thái Lão. Khi bị kẻ thù đê hèn đốt chăn chiếu, quần áo của chiến sỹ cộng sản, bắt anh em trần truồng nằm trên nền xi măng lạnh giá, Chi bộ đã liên lạc ra ngoài để được chi viện quần áo thuốc men. Nhờ sự quan tâm, giúp đỡ kịp thời, có hiệu quả thông qua hoạt động, tổ chức của Đảng từ trong nhà lao ra bên ngoài, đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc thống nhất chủ trương hành động của Đảng, giảm bớt khó khăn cho các đồng chí trong nhà lao và tạo nên sức mạnh niềm tin nhằm củng cố tinh thần cho tù chính trị tiếp tục giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh với bọn cai ngục và mật thám.

Khí tiết của các chiến sỹ yêu nước và cách mạng bị giam cầm tại Nhà lao Vinh đã để lại những dấu ấn đặc biệt, với những tấm gương bất khuất, kiên trung của những người con ưu tú trên mảnh đất Lam Hồng. Tinh thần đấu tranh không mệt mỏi, xả thân vì độc lập của Tổ quốc của các chiến sỹ tại Nhà lao Vinh, đặc biệt là của các đảng viên trong Chị bộ nhà lao sẽ mãi trường tồn, như ngọn lửa thiêng rọi sáng con đường cách mạng cho đến ngày toàn thắng.

Hồ Thị Hải Liễu - Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

Tài liệu tham khảo:

  1. Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh (1978, 1980, 1982), Những người Cộng sản trên quê hương Nghệ Tĩnh, tập 1, 2, 3.
  2. Ban Tuyên giáo tỉnh ủy Nghệ An (2005), Nhà lao Vinh, Nxb Nghệ An, Nghệ An.
  3. Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Nghệ An (1997), Hồ sơ xếp hạng di tích cấp Quốc gia   Thành cổ Vinh
  4. Hồi ký hoạt động cách mạng của các chiến sỹ cộng sản bị bắt giam tại nhà lao Vinh.

 

 

 

 

Video