267
769
2971
9701
20962
6839108
Hiện vật là ngôn ngữ của bảo tàng, là cơ sở cho mọi hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của bảo tàng. Không có hiện vật bảo tàng sẽ không có bảo tàng, không có trưng bày bảo tàng và các hoạt động khác của bảo tàng. Do đó, sưu tầm hiện vật là công tác nghiệp vụ cơ bản có vai trò đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của bảo tàng. Sưu tầm hiện vật vừa là khâu tiền đề và vừa là khâu xuyên suốt cho toàn bộ hoạt động của bảo tàng, gắn liền với các hoạt động nghiệp vụ khác tạo thành một thể thống nhất đối với hoạt động bảo tàng.
Xác định tầm quan trọng của công tác Sưu tầm, hàng năm, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã tổ chức nhiều chuyến công tác nhằm góp phần lưu giữ, bảo tồn các giá trị lịch sử liên quan đến phong trào cách mạng 1930-1931 trên địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh, phục vụ đắc lực cho công tác nghiên cứu, trưng bày, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử và cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên hiện nay, công tác sưu tầm đang phải đối diện với những khó khăn nhất định. Thứ nhất, sự mất mát, hư hỏng hiện vật do tác động của các yếu tố khách quan như thiên tai, lũ lụt, yếu tố thời gian… Thứ hai, các yếu tố chủ quan như: quá trình đô thị hóa, phong tục tập quán địa phương, sự thâm nhập của các nhà sưu tập tư nhân… cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự tồn tại của hiện vật.
Tháng 3/2023, thực hiện Quyết định của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An về công tác sưu tầm tài liệu hiện vật, đoàn cán bộ phòng Sưu tầm, Kiểm kê, Bảo quản đã tiến hành chuyến công tác sưu tầm các hình ảnh, tư liệu, hiện vật trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh tại huyện Đô Lương, Nghệ An – địa phương có phong trào đấu tranh sôi nổi trong những ngày đầu Đảng mới thành lập.
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Đoàn đã có các buổi làm việc với đại diện Đảng ủy - UBND địa phương tại các xã: Lam Sơn, Bồi Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An. Tiếp đó, cùng với đại diện các địa phương, đoàn đã tổ chức điền dã và tiếp cận thân nhân gia đình các đồng chí đảng viên năm 1930 – 1931 nhằm tìm hiểu, khai thác, sưu tầm các tư liệu và hiện vật liên quan đến cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của các đồng chí trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Những hiện vật, tài liệu, mẩu chuyện kể của thân nhân các đồng chí lão thành cách mạng: Lương Tiến Tình, Nguyễn Cảnh Tỉnh, Lê Khắc Cơ, Lê Khắc Thận (xã Bồi Sơn), Đặng Xuân Quý, Ngô Trí Căn, Ngô Trí Đậu (xã Lam Sơn)…, là những bằng chứng lịch sử sống động về một thời kỳ gian khổ mà rất đỗi hào hùng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng của nhân dân xã Lam Sơn, Bồi Sơn nói riêng, huyện Đô Lương nói chung trong những ngày “Nghệ Tĩnh đỏ”./.
Một số hình ảnh trong chuyến sưu tầm:
Đặng Huyền Trang
Trưởng phòng STKKBQ – Bảo tàng XVNT