Trưng bày lưu động phục vụ lễ hội Hang Bua (huyện Quỳ Châu - Nghệ An

BTXV: 09:11-24/03/2009

Để góp phần vào công tác tuyên truyền, giáo dục vào tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, nhân dịp kỷ niệm 79 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và mừng xuân Kỷ Sửu, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã tổ chức trưng bày lưu động, phục vụ đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa của huyện Quỳ Châu và các huyện phụ cận thuộc khu vực miền Tây Bắc Nghệ An.

Nội dung bộ trưng bày giới thiệu về truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Nghệ Tĩnh, dưới sự lãnh đạo của Đảng năm 1930-1931. Ngoài chuyên đề giới thiệu chung về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh diễn ra ở các huyện, nội dung trưng bày còn giới thiệu về lịch sử đấu tranh của đồng bào các dân tộc trên đất Nghệ An. Bộ trưng bày về chuyên đề “Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931” đã phục vụ hàng ngàn đồng bào các dân tộc tham dự lễ hội Hang Bua, huyện Quỳ Châu. Cùng với những hoạt động văn hoá, thể thao, vui chơi của đồng bào các dân tộc ở vùng cao Tây Bắc Nghệ An, bộ trưng bày của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh làm cho lễ hội Hang Bua thêm phần phong phú. Sau khi xem trưng bày, du khách đến thắp hương tại đền thờ Mường Chiêng Ngam, nơi thờ 3 vị thần linh là Xiêu Ké, Xiêu Bọ và Xiêu Luông đã có công đánh đuổi thú giữ, khai bản lập mường để cầu mong cho đất nước bình yên, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu. Ngoài ra du khách còn được hoà mình vào các trò chơi dân gian truyền thống mang đâm bản sắc văn hoá dân tộc như: ném còn, nhày sạp, khắc luống, thi bắn nỏ, thi ẩm thực, thi thêu dệt thổ cẩm và thi người đẹp.

Lễ hội Hang Bua là dịp để các đồng bào dân tộc miền Tây xứ Nghệ gìn giữ và phát huy những nét đặc sắc của dân tộc mình, vừa là dịp để Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh tuyên truyền về truyền thống văn hoá, truyền thống đấu tranh quật cường của nhân dân Nghệ Tĩnh để từ đó đồng bào các dân tộc đặc biệt là thế hệ trẻ càng tự hào thêm về truyền thống của quê hương và phát huy truyền thống trong công cuộc bảo vệ và xây dựng quê hương giàu mạnh.

Kim Phượng - Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh