Sau khi chính quyền Xô viết Nghệ Tĩnh ra đời và bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, Trung ương Đảng ra “Thông cáo cho đồng chí”: “Bổn phận cần kíp của toàn Đảng trong cả xứ là hết sức bênh vực Nghệ An đỏ, mở rộng phong trào thị uy biểu tình phản kháng lại thủ đoạn gian ác của đế quốc chủ nghĩa…,trách nhiệm tất cả đảng viên khắp mọi nơi là phải làm cho hết bổn phận để bệnh vực lấy sự tranh đấu của nông dân Nghệ Tĩnh – vận động quần chúng đại khái theo khẩu hiệu “Phản đối đế quốc chủ nghĩa thảm sát nông dân Nghệ Tĩnh. Công nông binh liên hiệp lại ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ” (1)
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Trung ương Đảng, nhằm “chia lửa” với nhân dân Nghệ Tĩnh, một phong trào đấu tranh ủng hộ Nghệ Tĩnh Đỏ đã dấy lên khắp cả nước. Những người con kiên cường, anh dũng của quê hương Hà Nam, Thái Bình và Bắc Ninh đã đứng lên đấu tranh mạnh mẽ để chia lửa cùng nhân dân Nghệ Tĩnh, thể hiện tình đoàn kết đối với nhân dân Nghệ Tĩnh trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và phong kiến Nam triều.
Tại Thái Bình, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và các cấp bộ Đảng, các cuộc đấu tranh ủng hộ Xô viết Nghệ Tĩnh đã nổ ra mạnh mẽ, điển hình là cuộc biểu tình ngày 14/10/1930 tại Tiền Hải với sự tham gia của hàng nghìn quần chúng nhân dân các làng Nho Lâm, Thanh Giám, Đông Cao… Cuộc biểu tình ngày 14/10/1930 của nông dân Tiền Hải đã góp phần đưa Thái Bình trở thành nơi có phong trào cách mạng mạnh nhất Bắc Kỳ. Từ Thái Bình, phong trào lan nhanh sang các tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh,.…
Tháng 9 năm 1930, Hội nghị thành lập Đảng bộ Hà Nam được tổ chức tại thôn Lũng Xuyên (xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên). Hội nghị đề ra Nghị quyết phát triển Đảng, phát triển Nông hội Đỏ và lãnh đạo quần chúng đấu tranh "ủng hộ Nghệ Tĩnh đỏ", "ủng hộ nông dân Tiền Hải", "chống khủng bố trắng", chống áp bức bóc lột, giành quyền lợi hàng ngày. Phong trào cách mạng của Hà Nam từ sau hội nghị này càng sôi nổi, các cuộc đấu tranh của nông dân liên tiếp nổ ra ở các huyện Bình Lục, Kim Bảng, Lý Nhân, Thanh Liêm,… Tiêu biểu nhất là cuộc biểu tình tuần hành thị uy tại xã Bồ Đề, huyện Bình Lục ngày 20/10/1930. Trong thư gửi Quốc tế Nông dân ngày 5/11/1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã đánh giá Hà Nam là một trong số ít tỉnh có phong trào nông dân mạnh trong cao trào cách mạng 1930 - 1931.
Tại Bắc Ninh, đầu tháng 11/1930, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng, công nhân nhà máy giấy Cổ Mễ và nhà máy pháo Đáp Cầu đã tổ chức treo cờ đỏ búa liềm tại Thị xã Bắc Ninh để kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga, ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh và các cuộc đấu tranh của nhân dân huyện Tiền Hải (Thái Bình), Bình Lục (Hà Nam) với nội dung:
“Việt Nam Cộng sản Đảng
Kỷ niệm Cách mạng Nga thành công
Không được đụng đến anh em, chị em
Nghệ Tĩnh, Thái Bình, Bình Lục!”
Thực hiện Kế hoạch năm 2017 về công tác sưu tầm tài liệu hiện vật, tháng 6 năm 2017, đoàn cán bộ sưu tầm của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã có chuyến công tác đến một số xã, huyện của tỉnh Hà Nam, Thái Bình và Bắc Ninh để sưu tầm những hình ảnh, tài liệu, hiện vật về phong trào đấu tranh của nhân dân ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931. Đây cũng là dịp để Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh mở rộng mối quan hệ, giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm với các Trung tâm văn hóa, bảo tàng của tỉnh Hà Nam, Thái Bình và Bắc Ninh.
Với mục đích nghiên cứu sâu hơn và cụ thể hơn về phong trào đấu tranh ở Hà Nam, Thái Bình và Bắc Ninh trong phong trào cách mạng 1930-1931, đoàn cán bộ Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh đã có buổi gặp mặt và trao đổi công việc với Phòng văn hóa Huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, Trung tâm văn hóa Huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình, Bảo tàng Bắc Ninh.
Sau đó, đoàn công tác đã tiến hành điền dã, đến thăm hỏi, làm việc với các gia đình, người thân của một số đồng chí lão thành cách mạng, những tấm gương cộng sản kiên trung, tiêu biểu của mảnh đất Bình Lục (Hà Nam), Tiền Hải (Thái Bình) – nơi có phong trào nhân dân đấu tranh ủng hộ Xô Viêt Nghệ Tĩnh phát triển mạnh mẽ. Đoàn được tiếp cận với những cuốn hồi ký viết tay với nội dung lịch sử chân thực, ghi lại lời kể, các câu chuyện lịch sử đầy xúc động. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng đã sưu tầm nhiều hiện vật có giá trị mà các gia đình cách mạng đang lưu giữ. Những hiện vật, tài liệu và những mẩu chuyện kể của thân nhân các đồng chí lão thành cách mạng là minh chứng hùng hồn về sự đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân Bình Lục (Hà Nam), Tiền Hải (Thái Bình) trong phong trào đấu tranh ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.
Bên cạnh đó, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh và Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh đã có buổi làm việc trao đổi kinh nghiệm trong công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật, công tác bảo quản, kiểm kê hiện vật. Qua buổi làm việc, hai bảo tàng đã có những bản ghi nhớ, thảo luận kế hoạch liên kết cùng hợp tác về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm khai thác và phát huy những tài liệu hiện vật liên quan đến phong trào đấu tranh cách mạng của hai địa phương trong tương lai gần.
Chuyến công tác đã sưu tầm được nhiều hiện vật giá trị lịch sử, có tính thẩm mỹ cao như đĩa sứ, bát sứ, liễn sứ, hũ sành, mâm gỗ... Đó là những hiện vật gắn với hoạt động cất giấu tài liệu, truyền đơn của Đảng, nuối giấu cán bộ cách mạng của nhân dân Bình Lục (Hà Nam), Tiền Hải (Thái Bình). Các tư liệu, hiện vật sưu tầm được sẽ góp phần làm phong phú thêm mảng sưu tập hiện vật về phong trào đấu tranh ủng hộ Xô Viết Nghệ Tĩnh năm 1930-1931 của nhân dân các tỉnh trong cả nước./.
Đặng Huyền Trang – BT XVNT
Chú thích:
(1) Văn kiện Đảng, tập II, Nxb Chính trị Quốc Gia, Tr.56