Sưu tập hiện vật nuôi dấu cán bộ Đảng của gia đình ông Hoàng Yên ở xã Xuân Hội, Nghi Xuân, Hà Tĩnh

Thạp gốm, nồi đồng một, tráp gỗ, bát yêu, hũ sành, chày gỗ - hiện vật của gia đình ông Hoàng Yên - lão thành cách mạng tại làng Hội Thống, Đan Hội (nay là xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) là những vật dụng được sử dụng, phục vụ các cán bộ Đảng khi về hoạt động cách mạng tại địa phương.

Ông Hoàng Yên sinh năm 1896 trong một gia đình ngư dân tại làng Hội Thống, xã Đan Hội (nay là xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh). Năm 1927 ông gia nhập Đảng Tân Việt và tham gia hoạt động tích cực trong phong trào cách mạng địa phương. Ông đã tham gia thành lập hội kín ở làng Hội Thống để hoạt động Cách mạng. Ông cùng với các bạn trong làng như Phạm Nghị, Lê Cỏn, Thái Phương……tổ chức các cuộc rải truyền đơn, hội họp bí mất để bàn bạc và tuyên truyền đường lối cách mạng, tinh thần đấu tranh đến với nhân dân.

Những tháng cuối năm 1930 các đồng chí Phan Viết Chiểu và Phan Năm Tuyết được Huyện ủy phân công về các xã Đan Trường và Hội Thống để bắt liên lạc với các đồng chí Lê Cỏn, Hoàng Yên, Phạm Nghị để xây dựng cơ sở, làm nòng cốt cho phong trào. Ông Hoàng Yên đã cùng với các cán bộ cốt cán của xã và huyện đã tích cực trong tuyên truyền, gây dựng phong trào tại địa phương.

Cuối năm 1931 phong trào cách mạng và các tổ chức Đảng ở Vinh - Bến Thủy và huyện Nghi Lộc - Nghệ An bị địch đánh phá dữ dội, nhất là sau vụ tự vệ đỏ xã Song Lộc (Nghi Lộc) giết tên tri huyện Nghi Lộc, bọn mật thám, lính đồn, phu đoàn và các hào lý ở các địa phương trên lồng lộn đàn áp, bắt bớ, bắn giết các cán bộ đảng viên và quần chúng. Trước tình hình khủng bố ngày càng trắng trợn và khốc liệt của kẻ thù, nhiều cán bộ đảng viên và quần chúng ở các làng ven sông Lam - Cửa Hội huyện Nghi Lộc đã tổ chức vượt sông sang Hội Thống và Đan Trường của huyện Nghi Xuân để tránh sự bắt bớ, đàn áp của địch. Gia đình ông Hoàng Yên và nhiều gia đình nhân dân trong xã đã tận tình nuôi dấu, bảo vệ các cán bộ Đảng một cách chu đáo.

Nhà thờ họ Hoàng của gia đình ông Hoàng Yên trở thành nơi hội họp bí mật, in truyền đơn, tài liệu của Đảng. Nhà ông Hoàng Yên là nơi quần chúng tích cực bị truy bắt và cũng là nơi ăn ở, nghỉ ngơi cho các đồng chí cán bộ huyện, tỉnh về gây dựng phong trào.

Vợ ông Hoàng Yên là bà Phan Thị Hưu (sinh năm 1905) là người trực tiếp cơm nước phục vụ cho các đồng chí: Thái Dinh, Thái Khuê ở nhà máy Trường Thi – Vinh về ở trong nhà, ông Được bà Cẩm ở trong Huế ra, các ông Trần Mạnh Táo, Phan Năm Tuyết, Phan Viết Chiểu ở trên huyện về……. Nồi đồng, bát yêu, hũ sành, chày gỗ là những hiện vật đã được sử dụng trong việc cơm nước hàng ngày phục vụ các đồng chí. Mặt khác, bà còn canh gác cho các đồng chí họp và tham gia vào việc rài truyền đơn. Chiếc thạp gốm là vật dụng dùng đựng gạo của gia đình nhưng khi cần nó trở thành nơi cất giấu truyền đơn, tài liệu của Đảng. Với sự đóng góp to lớn đó bà được chính phủ nước VNDCCH tặng Bằng “Có công với nước”.

Ông Hoàng Yên bị thực dân Pháp bắt giam vì hoạt động cộng sản. Theo bản án số 63 ngày 16/3/1932 của Tòa án Nam triều ghi: tháng 10/1930 tham gia rải truyền đơn cộng sản. Bị bắt và bị kết án 5 tháng tù giam.

Sau khi ra tù ông lại tiếp tục hoạt động trong phong trào cách mạng tại địa phương.
Năm 1936 ông được nhân dân làng Hội Thống cử vào Huế đưa đơn kiện của dân làng lên triều đình Bảo Đại và gặp tòa soạn báo “Tiếng dân” để yêu cầu đăng báo lên án bọn hào lý Hội Thống đục khoét công quỹ, chiếm đoạt công điền. Những ngày ở Huế ông và ông Thái Phương còn được gặp gỡ và trò chuyện thân tình với cụ Phan Bội Châu ở nhà riêng tại Huế. Cuối cùng bọn quan lại Nam triều ở Hà Tĩnh phải về làng Hội Thống buộc bọn hào lý xã phải trả lại cho dân 75 mẫu công điền và 350 quan tiền công quỹ.

Giữa năm 1938 ông lại tham gia vào phong trào viết đơn tố cáo bọn hào lý, quan lại trong huyện. Cuối năm 1938 ông lãnh đạo phong trào cứu đồng chí Phan Năm Tuyết - cán bộ Huyện ủy khi về chỉ đạo phong trào ở Hội Thống bị mật thám vây bắt. Ông đã cùng với ông Lê Cỏn, Thái Dinh vận động gần 100 nam nữ thanh niên và trung niên tổ chức đánh tháo cho đồng chí Phan Năm Tuyết. Sau vụ này lính khố xanh về đàn áp, có sự chỉ điểm của hào lý trên 10 người đã bị bắt giam 6 tháng tại huyện lỵ Nghi Xuân gồm ông Hoàng Yên, Thái Phương, Thái Dinh, Lê Cỏn, Võ Tư, Trần Ba, Võ Cung……sau đó không có chứng cứ nên bọn Pháp phải thả.

Tháng 7/1945 ông trở thành một trong những nòng cốt của Việt Minh Hội Thống, tham gia tích cực trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền tại huyện Nghi Xuân ngày 20/8/1945.

Năm 1947 ông mất do tuổi cao sức yếu.

Cuộc đời hoạt động tích cực của ông Hoàng Yên được lịch sử và nhân dân Hội Thống ghi nhận. Chiếc tráp này là kỷ vật gắn bó với cuộc đời cách mạng của ông, nó đã đi theo cả chặng đường hoạt động của ông. Nay gia đình vẫn còn lưu giữ lại và xin giao lại cho bảo tàng để làm tư liệu lịch sử về tinh thần đấu tranh của nhân dân Hội Thống trong phong trào cách mạng 1930-1931.

 

Nguyễn Thị Kim Chi - bảo tàng XVNT