Sách thuốc “Nam dược cổ truyền”, dao cắt thuốc, tráp gỗ

Nguyễn Văn Đáp còn có tên gọi là Hạp, sinh năm 1891 tại làng Trụ Pháp, tổng Vân Tụ, phủ Diễn Châu, Nghệ An (nay là xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành).

Tiếp nối truyền thống yêu nước của ông cha, khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân Vân Tụ đã tích cực tham gia phong trào Văn Thân- Cần Vương dưới sự chỉ huy của ông Tấc Bảy. Hàng ngày phải nếm trải và chứng kiến cảnh cực khổ đói rét ở quê mình dưới ách áp bức bóc lột vô lối của bọn thực dân và địa chủ cường hào, lòng căm thù giặc đã thôi thúc Nguyễn Văn Đáp sớm đến với cách mạng .

Năm 1929, Nguyễn Văn Đáp được Nguyễn Liêm và Nguyễn Ứng giới thiệu vào sinh hoạt trong nhóm Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (gọi tắt là Thanh niên). Vào hội, ông tích cực tham gia các hoạt động yêu nước.

Tháng 7 năm 1929, đồng chí Phan Thái Ất, Bí thư Chi bộ Đông Dương Cộng Sản Đảng ở Dương Xuân (Anh Sơn) về làng Trụ Pháp gặp Nguyễn Liêm, Nguyễn Ứng, Nguyễn Văn Đáp... thành lập Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng ở tổng Vân Tụ, đặt tên bí mật cho Chi bộ là Bồ Sơn do đồng chí Nguyễn Liêm làm Bí thư. Chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng Bồ Sơn ra đời đánh dấu sự phát triển của phong trào cách mạng, góp phần chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng bộ huyện Yên Thành.

Tháng 2 năm 1930, Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An cử đồng chí Nguyễn Hữu Bình về làng Trụ Pháp bắt liên lạc với Nguyễn Ứng, Nguyễn Ngoạn và một số đồng chí khác. Nguyễn Văn Đáp được tổ chức giao nhiệm vụ xây dựng và phát triển tổ chức Nông hội đỏ. Nguyễn Văn Đáp là một thầy thuốc nổi tiếng trong vùng lại rất thông thạo nho, y, lý, số. Hàng ngày, tại nhà ông có nhiều người đến bắt mạch, bốc thuốc, lấy lá số, xem phong thủy…Đó là điều kiện để Nguyễn Văn Đáp hoạt động thuận lợi tránh được sự theo dõi của địch. Nhiều cán bộ cấp trên thường lui tới nhà ông dưới dạng đến xem đất, xem ngày; người thì giả dạng đến kê đơn bốc thuốc chữa bệnh. Nhờ đó, Nguyễn Văn Đáp đã vận động được nhiều người tham gia vào tổ chức. Số hội viên tăng nhanh với gần 200 người. Ban chấp hành Nông hội ra đời, gồm: Nguyễn Văn Đáp, Hà Túy, Nguyễn Độ, Hữu Mỹ.. Cuốn sách thuốc “Nam dược cổ truyền”, dao để cắt thuốc chữa bệnh cho nhân dân, tráp gỗ dùng cất dấu tài liệu của Đảng bên dưới, trên để đồ nghề là những vật dụng của Nguyễn Văn Đáp vừa để hành nghề y vừa ngụy trang che mắt địch khi hoạt động cách mạng.

Cuối năm 1930, Tỉnh ủy cử đồng chí Tôn Gia Chung, Tôn Thị Quế về Yên Thành củng cố lại Ban chấp hành Huyện Đảng bộ. Được sự chỉ đạo của các đồng chí, Ban chấp hành chính thức của huyện Yên Thành ra đời, do đồng chí Nguyễn Hữu Chung (Quỳ Trạch) làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và Đảng bộ huyện, phong trào cách mạng ở Yên Thành phát triển mạnh mẽ. Chỉ tính mấy tháng đầu năm 1931 đã có gần 40 cuộc biểu tình đấu tranh quyết liệt ở tổng Vân Tụ, Quỳ Trạch, Quan Hóa. Tổ chức Nông hội đỏ của Nguyễn Văn Đáp đã tham gia đắc lực trong những phong trào đó. Sự có mặt của ông như tiếp thêm sức mạnh cho các hội viên.

Biết được những hoạt động của Nguyễn Văn Đáp, kẻ địch đã ngày đêm theo dõi. Ngày 11/6/1931, ông bị bắt và bị kết án 2 năm tù, giam tại nhà lao Vinh, bản án số 172 ngày 18/11/1931của Tòa án tỉnh Nghệ An. Trong tù, Nguyễn Văn Đáp đã tham gia hoạt động cùng anh em tù chính trị. Ngoài ra, ông còn chữa lành vết thương, chăm sóc cho những đồng chí bị tra khảo dã man.

Ngày 15/3/1933, Nguyễn Văn Đáp được trả tự do. Về quê, ông lại tiếp tục hoạt động cho đến năm 1954. Ông mất năm 1972, thọ 82 tuổi.

Hiện con trai ông là Nguyễn Văn Đạt vẫn dùng quyển sách thuốc này để chữa bệnh cho nhân dân trong vùng. Còn dao và tráp gỗ được gia đình cất giữ cẩn thận. Nay cán bộ Bảo tàng về sưu tầm tư liệu hiện vật thời kỳ 1930-1931, thấy được tầm quan trọng của các kỷ vật của cha mình, anh Nguyễn Văn Đạt đã giao lại cho Bảo tàng Xô Viết lưu giữ và trưng bày.