Nhà lao Hà Tĩnh (còn gọi nhà giam hoặc đề lao), được ra đời và tồn tại cùng với việc lập thành Hà Tĩnh năm 1831.
Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), nhà Nguyễn bỏ trấn lập tỉnh Hà Tĩnh, Tỉnh thành ở xã Trung Tiết (nay là thành phố Hà Tĩnh). Công cuộc xây đắp lũy thành kéo dài trong 3 năm (1831-1833). Nhà lao cùng các tổ chức bộ máy cai trị chuyển về đây và được xây bằng gỗ, lá.
Đến thời Tự Đức thứ 6 (1853) tỉnh thành Hà Tĩnh chuyển về thôn Đại Nài. Nhà lao Hà Tĩnh được tái thiết quy mô và mở rộng diện tích lớn hơn trên vị trí ban đầu nhưng cơ bản vẫn là trại lá.
Năm 1874, Trần Tấn và Đặng Như Mai dựng cờ khởi nghĩa, một bộ phận nghĩa quân Văn Thân đã tiến đánh đạo thành, triệt phá nhà lao. Một năm sau biến này, vua Tự Đức đã xuống chiếu lập lại tỉnh thành như cũ. Năm 1875, nhà lao được tái thiết, cất dựng quy mô và mở rộng diện tích trên vị trí ban đầu.
Từ năm 1925-1930, để đàn áp những người yêu nước, đặc biệt là những chiến sỹ Xô Viết, thực dân Pháp từng bước hoàn chỉnh hệ thống Nhà lao với hệ thống tường bao, bốt gác, buồng giam, xà lim và các bộ phận của chế độ lao dịch. Đây là nơi giam cầm hàng vạn chiến sỹ trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Nhà lao Hà Tĩnh nằm về phía Đông Bắc nội thành Hà Tĩnh. Phía Bắc giáp Trại Ngựa, phía Nam giáp Hồ Sen, phía Tây giáp đường đi cửa Hậu - dinh Lãnh binh; phía Đông giáp đường đi cửa Tiền Sở và cũng là cổng chính vào nhà lao.Khu vực nhà lao Hà Tĩnh rộng 5.852m2, những bức tường bao quanh cao 4m, ở góc Đông Bắc và Tây Nam là hai bốt gác kiên cố.
Nhà lao Hà Tĩnh chia làm 3 khu vực:
- Khu vực 1: là khu hành chính, y bác sỹ, lính gác và xà lim, gồm hai nhà đối xứng nhau.
+ Nhà phía Bắc: gồm 2 gian, được chia bởi bức tường ngăn. Gian phía Đông là nơi làm việc của xếp lao; gian phía Tây là nơi làm việc của y bác sỹ.
+ Nhà phía Nam: được ngăn dọc bằng một hành lang. Phía trước là nơi ở của lính gác, phía sau là 5 buồng xà lim nhỏ. Mỗi buồng xà lim dài 2m, rộng 0m80.
- Khu vực 2: gồm 2 dãy nhà đối xứng nhau, mỗi dãy 3 nhà, mỗi nhà có 3 gian cùng chung thiết kế và mặt bằng. Mỗi nhà dài 10m50, rộng 5m80. Trong mỗi nhà giam đều có hai dãy gầm để làm giường nằm cho tù nhân được kê sát nhau cùng với hai dãy cùm băng gỗ lim.
+ Phía Bắc gọi là Bắc Nhất (giam tù kinh tế); Bắc Nhì, Bắc Tam (giam tù chính trị)
+ Phía Nam gồm Nam Nhất, Nam Tam giam tù chính trị, còn Nam Nhì giam nữ tù chính trị và kinh tế.
- Khu vực 3: là khu vực hậu cần gồm nhà bếp, nhà xay gạo, nhà may quần áo; ngăn cách với khu vực 2 bằng bức tường cao 4m. Phía Bắc là nhà bếp chia thành 3 gian, mỗi gian 3m. Phía Nam là Nhà xay gạo và may quần áo, được xây vuông góc với hướng nhà bếp, chiều dài 10m…
Từ khi phong trào yêu nước phát triển, Nhà lao Hà Tĩnh chật ních tù chính trị. Nhiều yếu nhân của phong trào đấu tranh đòi miễn sưu giảm thuế ở Trung Kỳ (năm 1908) bị bắt giam tại nhà lao Hà Tĩnh như: Nguyễn Hằng Chi, Trịnh Khắc Lập, Đặng Nguyên Cẩn…
Cho đến những năm 1930-1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng phong trào đấu tranh của nhân dân phát triển mạnh mẽ. Để đối phó và đàn áp phong trào của quần chúng, thực dân Pháp ra sức lùng sục, bắt giam cán bộ, đảng viên. Chính vì vậy lúc bấy giờ Nhà lao Hà Tĩnh lúc bấy giờ chật ních tù nhân với chế độ giam giữ rất khắc nghiệt.
Các đồng chí bị cầm chân phải nằm trên tấm ván bằng gỗ lim dày, lạnh buốt. Buổi sáng, mỗi tù nhân chỉ được mở cùm 2 hoặc 3 phút để đi vệ sinh, hễ ai chậm là bị đánh đập. Mỗi ngày, các đồng chí chỉ được 2 vắt cơm bằng gạo mốc trộn với trấu, thức ăn là mắm thối đã có dòi, rau đã úa, nước uống đục và hôi. Trong lúc ăn cơm, hễ ai to tiếng đều bị đánh đập giữa lúc ăn.
Dù tội nặng hay nhẹ các chiến sỹ khi bị bắt vào Nhà lao Hà Tĩnh đều đều bị đánh đập rất tàn nhẫn. Không đủ chỗ nằm cho phạm nhân, thực dân Pháp trói cả 2 tay, 2 chân bắt các chiến sỹ nằm giữa sân trên nền xi măng hay cạnh nhà cầu, kể cả lúc ăn uống. Tại nhà lao Hà Tĩnh, bất phân tội nặng nhẹ, tù nhân đều bị đánh đập dã man hòng lấy lời khai với các dụng cụ như: roi song, roi cao su, roi xương cá sấu, dùi cui, báng súng… Chúng sử dụng các hình thức tra tấn tàn nhẫn như: dùng dây thừng cột hai ngón chân cái treo người ngược lên xà nhà, bắt tù nhân quỳ gối lên sắt, tra điện…
Trước chế độ khắc nghiệt đó, Chi bộ Nhà lao Hà Tĩnh đã quyết định tổ chức vận động anh em đấu tranh với nhiều hình thức khác nhau từ thấp đến cao. Ban đầu, các đồng chí tổ chức làm reo, hô khẩu hiệu: Không được cho anh em tù ăn cơm thiu, mắm thối, gạo hẩm trộn với trấu… Về sau, các đồng chí đã tuyệt thực từ 3 ngày, 5 ngày đến 7 ngày, có khi tới 13 ngày đã khiến cho bọn cai ngục hốt hoảng, lo sợ và chúng phải chấp thuận những yêu sách của anh em như:
- Cơm ăn phải có rau, canh.
- Không được nấu gạo mốc trộn với trấu.
- 1 tuần phải được cải thiện hai bữa thịt (thứ 5 và chủ nhật).
- Không được cho anh em ăn mắm thối.
- 1 tuần phải được tắm giặt 1 lần v.v…
Ở nhà giam có đồng chí nào to tiếng hoặc đi tiểu tiện quá giờ quy định là bị đánh đập, có lúc cả phòng bị đánh. Trước thủ đoạn đó, anh em tù đều đồng thanh hô: “đả đảo, đả đảo”. Sau này anh em có quy định: hễ trong một ngày phòng hô “đả đảo”, tức khắc các phòng khác cùng hô vang cả nhà lao, nhờ đó sự đánh đập của bọn cai ngục ngày càng giảm.
Cùng với đòn roi, tra tấn, Mỗi phòng giam đều có một biên trường không bị cùm chân, được tự do đi lại để nhận cơm nước và liên lạc với các phòng. Biên trường này được anh em đề cử, lựa chọn và giao nhiệm vụ. Sau khi chi bộ Đảng được thành lập, các biên trường trở thành các cấp ủy viên để liên lạc và nhận tin tức từ bên ngoài.
Các cuộc đấu tranh đã thu được thắng lợi, song cứ sau mỗi cuộc đấu tranh anh em tù phạm lại được gọi lên phòng mật thám tra tấn, để tìm thủ phạm…
Tuy bị giam cầm với chế độ khắc nghiệt nhưng không khí trong các phòng giam luôn luôn sôi nổi bởi các buổi nói chuyện, đọc thơ tuyên truyền cách mạng của các chiến sỹ... Anh chị em thường lấy nền nhà, tường nhà lao, gầm nằm của mình để làm bảng viết để học tập chính trị, văn hóa, ngoại ngữ. Người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ. Người nắm bắt được đường lối cách mạng tuyên truyền, phổ biến cho nhiều người khác. Nhờ đó, nhiều đồng chí khi vào tù chưa biết chữ, chưa đi học, nhưng nhờ sự cần cù, chịu khó đã tích lũy được vốn kiến thức nhất định làm tăng thêm ý chí và niềm tin vào tương lai. Các đồng chí đã biến nhà lao thành trường học cách mạng. Cụ Nguyễn Thừa Duyệt bị bắt vào giam tại Nhà lao Hà Tĩnh sau cuộc đấu tranh ở huyện Cẩm Xuyên. Trong tù, cụ vẫn dùng ngòi bút của mình đấu tranh với bài thơ tiêu biểu “Tay trói, cổ gông, bụng đói cào”.
“Ô tô chở đến trước nhà lao
Khố xanh mấy đứa tha hồ dọa
Tây trắng một tên chĩa súng vào
Đủng đỉnh bước qua bầy quỷ dữ
Liếc quanh thấy bạn vẫy tay chào”
Nhiều cán bộ cốt cán của phong trào như đồng chí Trần Hữu Thiều (Bí thư lâm thời Tỉnh ủy Hà Tĩnh) và Võ Quê đã sa lưới địch và bị bắt về giam tại Nhà lao Hà Tĩnh. Mặc dù dùng mọi thủ đoạn để tra tấn nhưng các đồng chí vẫn bảo toàn khí tiết của người cộng sản, làm thơ nói lên tinh thần lạc quan của mình và cổ vũ, động viên anh em trong tù giữ vững tinh thần đấu tranh. Sau một thời gian tra tấn không có kết quả, thực dân Pháp đã ra quyết định án tử hình với 2 đồng chí. Ngày 11/2/1931, tại làng Phù Ninh (nay là xã Thiên Lộc, Can Lộc) đồng chí Trần Hữu Thiều và Võ Quê đã hy sinh anh dũng trước họng súng quân thù. Nhận được tin, chi bộ Nhà lao Hà Tĩnh đã tổ chức làm lễ truy điệu, đọc điếu văn tưởng nhớ tấm gương kiên trung của 2 đồng chí.
Mặc dù phải chịu cảnh tù đày vô cùng khổ cực, ăn uống thiếu thốn, buồng giam chật hẹp, tối tăm, hôi thối… khiến sức khỏe các đồng chí dần bị bào mòn nhưng những chiến sỹ Xô Viết như: Phan Gần, Nguyễn Khiên Sức, Nguyễn Đình Tuy, Học Mai, Hồ Thị Lan, Nguyễn Thị Phúc, Đặng Thị Cẩm, Trần Thị Kim… vẫn tươi cười, lạc quan chuẩn bị cho cái chết đang cận kề.
Từ Nhà lao Hà Tĩnh, nhiều đồng chí không chịu khuất phục trước những âm mưu và thủ đoạn tra tấn dã man của kẻ thù đã bị đày đi các nhà lao khác như Nhà lao Vinh, Ban Mê Thuột, Đắc Lắc…
Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, những người cộng sản ở Nhà lao Hà Tĩnh vùng lên đấu tranh tự giải thoát. Sau ngày 18/8/1945, Nhà lao Hà Tĩnh không còn vai trò nhà ngục giam giữ, chấm dứt tác dụng là công cụ bạo lực của chế độ thực dân – phong kiến sau gần 100 năm tồn tại. Đến năm 1947, nhà lao Hà Tĩnh bị dỡ bỏ hoàn toàn, hiện nay chỉ còn là phế tích nhưng đây vẫn là địa điểm in dấu tội ác của thực dân và là nơi tỏa sáng của những tâm hồn chiến sỹ Xô Viết kiên trung trên mảnh đất Hà Tĩnh anh hùng.