Mâm gỗ, quả bầu khô, ống tre

Mâm gỗ, quả bầu, ống tre của gia đình ông Đinh Văn Cự, đảng viên 1930-1931 ở Đông Khê, Đức Thọ, Hà Tĩnh dùng để in truyền đơn, cất dấu tài cho Đảng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Đinh Văn Cự, bí danh là Đinh Bến Cu, sinh năm 1895 trong một gia đình nông dân ở làng Đông Khê, tổng Văn Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Làng Đông Khê xưa, nay là xã Đức Thuỷ thuộc Hạ huyện Đức Thọ, tiếp giáp các xã Đức Nhân, Đức Thịnh, Yên Hồ, Thái Yên, Đức Thanh, Đức Lâm và Trung Lễ. Nhân dân Đông Khê vốn có truyền thống đấu tranh anh dũng, nhất là trong thời kỳ thực dân Pháp xâm lược.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, lại ở trong giai đoạn lịch sử bi hùng, chứng kiến nỗi khổ của người dân bị áp bức, Đinh Văn Cự sớm nung nấu một tinh thần căm thù giặc, một ý chí quyết tâm làm cách mạng. Ông tham gia những cuộc đấu tranh của nông dân chống phe Hào; kết bạn với những thanh niên, anh em họ ở quê để học hỏi và đi rải truyền đơn cho Hội Phục Việt. Năm 1927- 1929, hai tổ chức Thanh Niên và Tân Việt mở trường tư thục dạy chữ Quốc ngữ để tuyên truyền đường lối cách mạng trong các tầng lớp nhân dân. Đinh Văn Cự đã tích cực tìm hiểu thơ văn yêu nước, sách báo tiến bộ, tài liệu cách mạng...

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, đầu tháng 4/1930, đồng chí Lê Sâm, Lê Mạo về Đông Khê bắt mối với Đinh Linh, Phan Thư gây dựng cơ sở Đảng.
Ngày 1/5/1930, nhân dân Đông Khê cùng các làng xã tham gia mít tinh tại dăm Cồn Cá (Lạc Thiện) kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động. Lần đầu được dự lễ kỷ niệm một sự kiện lớn, bà con đã hiểu rõ hơn về ý nghĩa ngày Quốc tế Lao động, về quyền dân tộc, quyền con người, về mục đích đấu tranh của Đảng…

Ngày 13/5/1930, Chi bộ Đảng Đông Khê thành lập tại nhà đồng chí Phan Chính, đ/c Đinh Linh được cử làm Bí thư. Sau đó, các đồng chí đảng viên đã lựa chọn những quần chúng tích cực vào các tổ chức nông hội, tự vệ, phụ nữ…làm nòng cốt vận động nhân dân tham gia và các gia đình làm cơ sở hội họp, in ấn, nuôi dấu cán bộ.

Nhà ông Đinh Văn Cự là một địa điểm in ấn, cất dấu tài liệu của Đảng. Các tài liệu của Đảng được cất dấu ở nơi kín đáo và nguỵ trang khéo léo trong quả bầu khô và ống tre. Tài liệu để bên dưới, trên là các hạt giống: mướp, bầu, bí. Quả bầu, ống tre được treo trên bếp củi, một cách để hạt giống truyền thống của nhà nông, rất tự nhiên nên không ai để ý. Những người chuyển tài liệu đến và đi dưới hình thức là hàng xóm, anh em đến xin, cho hạt giống về gieo trồng. Vì vậy mọi tài liệu được bảo vệ bí mật.

Qua 4 tháng hoạt động, Đinh Văn Cự đã hoàn thành mọi nhiệm vụ tổ chức giao. Ngày 18/9/1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Công tác ấn loát được Chi bộ rất chú trọng, do đồng chí Đinh Văn Cần (Bí thư) phụ trách. Các đồng chí: Nguyễn Xí-cán bộ Tài chính lo thạch, giấy, bút, mực, vải; Phan Thư, Phan Vinh, Tám Xoan…đảm nhiệm việc viết tài liệu mẫu; bà Trần Thị Chắt, Võ Thị Mười…nấu thạch; in là các đồng chí Đinh Văn Cự, Đinh Văn Nhỏ, Phan Văn Tính…Để tránh sự theo dõi của địch, các đồng chí sắp xếp thời gian, địa điểm in không cố định.

Mỗi khi in tài liệu tại nhà ông Đinh Văn Cự, chiếc mâm gỗ này được dùng làm khuôn đổ thạch; người nhà ông làm nhiệm vụ canh gác, phục vụ. Trong một đêm, các đồng chí có thể in được hàng nghìn truyền đơn, khẩu hiệu. Sau đó, Chi bộ đem phân phát cho đi rải. Sáng sớm bà con ra đồng, đi chợ, ra bến cưa…đã thấy truyền đơn rải đầy các ngả đường lối xóm. Những lời kêu gọi của Đảng như: tăng tiền lương, giảm giờ làm cho công nhân, giảm sưu, miễn thuế cho nông dân, chống bắt bớ, bắn giết quần chúng biểu tình, chống đốt phá, cướp của, đắp đê chống lụt, đào mương chống hạn, mở trường học cho trẻ em…đã đến từng thôn xóm, đến với mọi người dân để cùng đứng lên trong các cuộc đấu tranh: tại Thái Yên vào ngày 20/9/1930 truy điệu những người hy sinh trong cuộc biểu tình ở Nghèn (Can Lộc); đêm 6/11/1930, hơn 100 đảng viên, tự vệ và nông dân Đông Khê ăn mặc chỉnh tề, mang băng, cờ, vũ khí tập trung tại dăm Mụ Huyện, sau đó nhập với các đoàn từ Lạc Thiện, Yên Vượng, Thanh Lạng, Vĩnh Đại…kéo về đình Chợ Trổ (Đức Nhân) biểu tình kỷ niệm 13 năm Cách mạng tháng 10 Nga; ngày 11/12/1930, 120 nông dân Đông Khê mang vũ khí, dương cao cờ đỏ kéo lên huyện kỷ niệm ngày Quảng Châu Công Xã…

Cuối năm 1930, đầu 1931, thực dân Pháp bắt đầu đàn áp phong trào cách mạng Đức Thọ, nhưng ở Đông Khê các cuộc mít tinh, biểu tình diễn ra liên tiếp làm kẻ địch vô cùng hoang mang, lo sợ.
Trong các cuộc mít tinh, biểu tình, Đinh Văn Cự luôn hăng hái đi đầu, được anh em, quần chúng tin tưởng, yêu mến. Tháng 2/1931, ông được bầu là Phó Bí thư Chi bộ và Đội trưởng đội Tự vệ đỏ.
Đội tự vệ Đông Khê lúc đó có 60 đội viên có nhiệm vụ luyện tập và bảo vệ nhân dân trong các cuộc biểu tình. Để giữ bí mật, đội Tự vệ luôn thay đổi địa điểm luyện tập. Nơi nào tập buổi đêm thì ngày không tập; tập xong cho cày lên để xoá dấu vết. Đinh Văn Cự và các Đội phó : Phan Văn Tính, Đinh Văn Thuỳ, Đinh Sỹ Quế đã vận động được những gia đình giàu có như Phan Cầm, Phan Sự.. cho mượn sân tập và lo lương thực cho anh em. Nhà ông cũng là nơi các đồng chí chỉ huy tự vệ thường tổ chức hội họp năm 1931. Đội tự vệ Đông Khê đã lập những thành tích rất đáng tự hào:

- Ngày 14/4/1931, cùng với tự vệ Lạc Thiện trừng trị tên Đội Lùn Đỗ Nguyên Thiện khét tiếng gia ác. Hôm đó, tên Thiện xin nghỉ phép, trên đường về từ Lạc Thiện, đến Trung Xá, bất ngờ bị lực lượng hai đội tự vệ tấn công bằng cào, cuốc. Đỗ Nguyên Thiện bị thương nặng.
- Ngày 29/4/1931, lính đồn Lạc Thiện về càn ở Đông Khê, tự vệ nổi trống, mõ vang trời phối hợp với nhân dân bao vây quân địch. Bị mắc hói vịt, địch không rút được buộc phải xả súng uy hiếp làm ông Phan Đinh Minh đang đứng trên gò Dăm Mã phất cao cờ đỏ búa liềm bị thương ở bụng. Ông Minh quỵ xuống, lập tức ông Đinh Văn Dần lại đứng lên phất cao ngọn cờ ấy. Ông Dần bị địch bắn chết tại chỗ. Lòng căm thù trào dâng, bà con nhất tề xông lên, buộc địch phải rút lui. Những người hy sinh được Chi bộ tổ chức mai táng cẩn thận. Đồng chí Lê Sâm, cán bộ Huyện uỷ đã về thăm những gia đình có người mất và bị thương.
- Tự vệ bảo vệ an toàn cho nhân dân trong cuộc đấu tranh tịch thu lúa, tiền của các nhà giàu: Phan Sự, Phan Cầm, Phan Quĩ, Đinh Văn Khoan, Phan Văn Đồng, Đinh Văn Bồi, Đinh Văn Thụ được 175 tạ thóc và 2.590 quan tiền; canh gác cho nhân dân chia ruộng đất công, học chữ Quốc ngữ..

Hoảng sợ trước sự lớn mạnh của phong trào Đức Thọ, từ tháng 9/1931, thực dân Pháp và tay sai điên cuồng khủng bố cách mạng. Nhiều đảng viên, cán bộ Đông Khê bị bắt giam, bị tra tấn dã man; các đ/c Đinh Văn Cửu, Võ Huy, Đinh Đôi đã hy sinh anh dũng trong tù; hàng chục gia đình bị tịch thu tài sản. Ông Đinh Văn Cự bị bắt cuối năm 1931. Toà án Hà Tĩnh kết án ông 2 năm tù giam và 1 năm quản thúc. Trong tù dù bị đánh đập, ông quyết không khai báo, cùng tù chính trị đấu tranh. Ngày 18/7/1932 được ra tù, sau thời gian quản thúc, ông lại tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng ở địa phương.
Năm 1941, ông dự cuộc họp của Chi bộ tại nhà đồng chí Đinh Văn Cần bàn cách gây dựng lại phong trào cách mạng. Năm 1943, ông và các đảng viên thời kỳ 1930-1931, lãnh đạo quần chúng chống lại việc tăng thêm thuế giành thắng lợi.

Tháng 6/1945, Thôn bộ Việt Minh được thành lập tại nhà đồng chí Phan Thư, gồm có: Đinh Văn Cần, Đinh Văn Cự, Phan Tùng, Phan Thư, Phan Lý…Ban Việt Minh tổ chức mít tinh, diễn thuyết, luyện tập quân sự để chờ thời cơ giành chính quyền. Nhận được lệnh của cấp trên, ngày 15/8/1945, các đồng chí: Đinh Văn Cần, Đinh Văn Cự, Phan Tùng, Phan Thư, phan Lý, Đinh Văn Mùi, Đinh Văn Mạo tổ chức họp tại nhà bà Chắt Cận bàn kế hoạch khởi nghĩa. 2 giờ chiều ngày 18/8/1945, dưới sự chỉ huy của Việt Minh, cán bộ nhân dân Đông Khê nổi trống mõ, giương cao cờ đỏ sao vàng, biểu tình như nước lũ kéo lên huyện, giành chính quyền thắng lợi. Tối 18/8 và ngày 19/8/1945, chính quyền địch ở các làng xã hoàn toàn đầu hàng cách mạng.

Ông Đinh Văn Cự lâm bệnh nặng và mất năm 1946.
Mâm gỗ, ống tre, quả bầu đã gắn bó với cuộc đời hoạt động của ông Đinh Văn Cự nói riêng và phong trào cách mạng 1930-1931 Đức Thuỷ nói chung được gia đình cất giữ cẩn thận. Ngày 5/5/2013, có cán bộ sưu tầm về Đức Thuỷ, con trai cả của ông Đinh Văn Cự là Đinh Xuân Liên đã giao 3 hiện vật này để Bảo tàng Xô Viết lưu giữ.