Đồng chí Từ Đức Lam hay còn gọi là Từ Lam quê làng Xuân Trạch, tổng Phù Long, huyện Hưng Nguyên (nay là xã Nam Cường, huyện Nam Đàn). Đây là vùng đất giàu truyền thống hiếu học và yêu nước.
Họ Từ của đồng chí là một trong 12 dòng họ ở Nam Đàn có nhiều người tham gia phong trào yêu nước và đóng góp công sức xây dựng quê hương. Từ nhỏ được gia đình cho theo học chữ nên Từ Lam đã sớm được tiếp thu thơ văn yêu nước và tư tưởng tiến bộ.
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Xứ ủy Trung Kỳ được thành lập đã cử đồng chí Ngô Văn Sở về Hưng Nguyên, Nam Đàn bắt liên lạc với Lê Xuân Đào. Các đồng chí đã thành lập ra nhóm Cộng sản mang bí danh: Trúc- Lam - Giang phụ trách 4 tổng của Hưng Nguyên và Nam Kim (Nam Đàn). Nhóm Trúc – Lam - Giang có vai trò như một Phân ủy làm nhiệm vụ tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, kết nạp đảng viên mới và chỉ đạo phong trào cách mạng.
Trên cơ sở đó, ngày 25/5/1930, Chi bộ ghép Phù Long - Nam Kim được thành lập gồm có 5 đảng viên: Bùi Hải Thiều, Bùi Hữu Lương, Lê Xuân Đào, Trần Xuân Mai, Trần Lộc, do đồng chí Lê Xuân Đào làm Bí thư. Ở Nam Cường có đồng chí Bùi Hải Thiều, Bùi Hữu Lương.
Đồng chí Lê Xuân Đào, Trần Xuân Mai, Trần Lộc đã ở trong gia đình Từ Lam mỗi khi về Nam Cường hoạt động. Từ Lam được các đồng chí giác ngộ cách mạng và kết nạp vào Đảng.
Ngày 05/6/1930, đồng chí Lê Xuân Đào, Bùi Hữu Lương, Bùi Hải Thiều đã thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Nam Cường- Chi bộ Phổ Đông do đồng chí Bùi Hữu Lương làm Bí thư. Tại nhà đồng chí Từ Lam đã diễn ra cuộc họp bàn kế hoạch tổ chức nhân dân đấu tranh vào ngày 18/6/1930 kéo đến chợ Đồn uy hiếp bọn địch và cuộc biểu tình toàn huyện. Ngày 30/8/1930, đồng chí Từ Lam cùng với 300 nông dân Nam Cường đã tập trung ở nhà thờ họ Từ, sau đó kéo lên thị trấn Sa Nam, bao vây huyện đường Nam Đàn, buộc tên tri huyện Lê Khắc Tưởng phải ký vào lá cờ có ghi yêu sách với lời cam kết không dám nhũng nhiễu nhân dân…
Ngày 10/9/1930, đồng chí Lê Xuân Đào đã chủ trì hội nghị Liên chi trong Phân ủy quyết định tổ chức một cuộc biểu tình lớn vào ngày 12/9/1930. Nhận được chỉ thị, Chi bộ Phố Đông đã họp bàn kế hoạch vận động quần chúng nhân dân khẩn trương tiến hành công việc: may băng cờ, in truyền đơn, khẩu hiệu, trang bị thêm giáo mác, gậy gộc, chuẩn bị lương thực (khoai khô, ngô rang) tại nhà thờ họ Từ.
Đêm 11/9/1930, nông dân Nam Cường mang theo gậy gộc, cờ đỏ búa liềm do đồng chí Bùi Hữu Lương chỉ huy vượt sông Lam để kịp tập kết với quần chúng các làng trong tổng Phù Long tại ga Yên Xuân vào khoảng 3 giờ sáng. Sáng sớm ngày 12/9/1930, đoàn biểu tình 8000 người của Hưng Nguyên và Nam Đàn tiến vào ga Yên Xuân bắt trói xếp ga, cắt dây điện thoại. Đoàn biểu tình tiến về phủ lỵ Hưng Nguyên, vừa đi vừa hô vang các khẩu hiệu đấu tranh đòi quyền lợi. Bà Nguyễn Thị Phia bước lên mô đất cao diễn thuyết vạch trần tội ác của kẻ thù. Số người tham gia ngày một đông. Khi tới Thái Lão, kẻ địch cho máy bay ném bom xuống đoàn biểu tình làm 217 người chết, 125 người bị thương.
Phong trào đấu tranh của quần chúng làm cho bộ máy chính quyền địch ở các thôn xóm tỏ ra hoang mang. Chi bộ Đảng Xuân Trạch nắm lấy thời cơ, chỉ đạo Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ, Cứu tế đỏ, Đồng tử quân..tổ chức tịch thu lúa tiền của nhà giàu chia cho dân nghèo, học chữ Quốc ngữ, đắp đập đào mương, miễn giảm các thứ thuế, bài trừ hủ tục, thực hiện nếp sống mới.
Đến tháng 10/1930, có thêm một số đảng viên mới, Chi bộ đã chia thành ba: Chi bộ Phổ Đông gồm 3 làng có 9 đ/c, do đồng chí Nguyễn Tiến Quắc làm Bí thư; Chi bộ Phổ Tứ có 7 đ/c gồm 3 làng, do đồng chí Võ Bích làm Bí thư và chi bộ Xuân Trạch có 3 đ/c do Từ Lam làm Bí thư.
Từ khi Chi bộ Xuân Trạch ra đời, nhà đồng chí Từ Lam là nơi hội họp bí mật của Đảng. Đồng chí vừa là Bí thư, vừa là đội trưởng đội Tự vệ đỏ có nhiệm vụ bảo vệ các đồng chí Xứ ủy, Huyện ủy. Mỗi khi có cán bộ Đảng về hội họp, ăn nghỉ tại nhà, vợ và các con đồng chí Từ Lam làm nhiệm vụ canh gác, phục vụ cơm nước. Chiếc mâm đồng, bát, ấm chén, đĩa... là những vật dụng của gia đình dùng phục vụ các cuộc họp bàn kế hoạch đấu tranh dưới sự chỉ đạo của đồng chí Ngô Văn Sở, Lê Xuân Đào, Trần Xuân Mai, Trần Lộc...
Làn sóng khủng bố đã lan đến Xuân Trạch. Từ Lam cùng nhiều đồng chí đảng viên bị bắt và đưa về giam ở phủ Hưng Nguyên. Kẻ địch tra tấn đồng chí hết sức dã man, chết đi sống lại nhiều lần. Vì không có chứng cớ, đồng chí được trả về nhà. Mặc dù được gia đình lo lắng thuốc thang nhưng do sức quá yếu nên sau một ngày thì đồng chí mất.
Ghi nhận sự những đóng góp cho cách mạng trong phong trào 1930-1931 vì đã phục vụ, nuôi dưỡng các đồng chí cán bộ Đảng, gia đình đồng chí Từ Đức Lam được Chính phủ cấp Bằng “ Có công với Nước”.
Trải qua thời gian dài, nhiều vật dụng của gia đình đồng chí Từ Lam dùng phục vụ Đảng và cách mạng năm 1930-1931 đã bị hư hỏng, nay chỉ còn lại chiếc mâm đồng và đĩa sứ. Đây là những hiện vật gắn liền với quãng đời hoạt động cách mạng của gia đình và đồng chí Từ Lam- Bí thư chi bộ Xuân Trạch trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Hai hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.