Ông Lê Thúc Cơ sinh năm 1906, tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1928. Xuất thân từ gia đình, dòng họ nho giáo phong kiến, không ít người học giỏi, đỗ đạt cao vẫn một mực không ra làm quan như: cụ Lê Trọng Hoàng, cụ Lê Trọng Tấn thi đỗ Hương Cống, cụ Lê Trọng Thụy đậu 2 khoa Tú tài, cụ Lê Thúc Mỹ đậu Tú tài, cụ Lê Thừng làm đến chức Hàn Lâm Đại Chiếu, cụ Lê trọng Toại, cụ Lê Trọng Điền, Lê Trọng Nhạc, Lê Trọng Bá, Lê Trọng Hòa là những Giám sinh Tam trường, sinh đồ, còn có nhiều người làm thầy thuốc, thầy đồ… Đây là dòng họ “Danh gia vọng tộc” nhưng sống hòa đồng, gần gũi với xóm làng. Tiếp thu đạo lý truyền thống của dân tộc, con cháu dòng họ Lê đều có ý thức sâu sắc đối với quê hương, đất nước.
Vào những năm (1926- 1927), tư tưởng yêu nước theo xu hưởng mới của Phục Việt và thanh niên đã ảnh hưởng sâu sắc đến các địa phương tỉnh Hà Tĩnh. Trong bối cảnh đó, con cháu họ Lê là những người có học đã sớm tiếp thu và truyền bá tư trưởng tiến bộ, gieo mầm cho sự nghiệp cách mạng ở quê nhà như: ông Lê Trọng Thiều hoạt động trong phong trào Duy Tân bị địch truy bắt nên ông lánh nạn vào Bình Thuận hoạt động cách mạng, ông Lê Bá Tuân, cán bộ Xứ ủy Nam Kỳ năm 1930 bị địch bắt giam 7 năm tù tại nhà tù Buôn Ma Thuật; ông Lê Thúc Cơ, cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ năm 1930; ông Lê Trọng Mân bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Gia Định năm 1930; ông Lê Trọng Hòa, bà Lê Thị Tam hội phụ nữ làm liên lạc, luôn luôn dẫn đầu trong các đoàn biểu tình và chồng bà là ông Trần Hữu Tráng… đều là đảng viên năm 1930- 1931, ông Lê Trọng Linh( em trai ông Cơ) là cán bộ tiền khởi nghĩa.
Năm 1927, ông Lê Trọng Mân (Khôi) vào làm việc tại Ngân hàng Đông Dương- Sài Gòn, được các ông Nguyễn Đình Kiên (Tú Kiên), Hà Huy Tập, Trần Ngọc Danh, Trần Phạm Hổ… kết nạp vào Đảng Tân Việt tại Sài Gòn. Tháng 7 năm 1929, các nhóm Đông Dương Cộng Sản ra đời tại Sài Gòn, ông Lê Trọng Mân là một trong những người sáng lập ra Đông Dương Cộng Sản Liên Đoàn. Tháng 3 năm 1930, sau khi thống nhất các nhóm cộng sản thành lập Xứ ủy và Thành ủy, ông Lê Trọng Mân được Xứ ủy cứ về phụ trách tỉnh Gia Định và được bầu làm Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Gia Định. Ngày 4 tháng 6 năm 1930, ông Lê Trọng Mân bị địch bắt giam ở Khám Lớn Sài Gòn, ông khai tên là Trung, làm nghề bốc thuốc nên chỉ bị giam một thời gian rồi bị trục xuất về quê, khi trở về ông tiếp tục hoạt động cách mạng.
Năm 1929, ông Lê Thúc Cơ, ông Nguyễn Xuân Phương, ông Nguyễn Đình Thản, ông Trần Tuế…là những thanh niên trí thức đã đứng ra tổ chức thành lập Đảng Tân Việt tại làng Vĩnh Hòa (nay xã Bình Lộc) lấy tên là“ Phường Nghèo”, nhằm vận động quần chúng tương trợ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống, lập ra quy ước nông thôn để bài trừ những hủ tục lạc hậu… Họ chia nhau về các xã, thôn trong huyện để xây dựng cơ sở. Một số người chung vốn mở tiệm buôn bán nhỏ ở huyện, tổ chức các hội tổ tôm, hội tao đàn, để tập hợp những người có chí khí, có lòng yêu nước, đàm đạo việc dân, việc nước.
Ngày 3/2/1930 Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, công tác phát triển đảng viên, xây dựng Chi bộ, tổ chức các đoàn thể quần chúng ở làng Vĩnh Hòa được triển khai nhanh chóng. Ông Lê Thúc Cơ tham gia vào các phong trào đấu tranh chống cường quyền và đòi quyền lợi cho nhân dân từ rất sớm, trong phong trào ông luôn phát huy vai trò của người có tư tưởng tiến bộ, có năng lực tổ chức, lãnh đạo nên ông được tổ chức kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam , sau đó ông được bầu vào ban chấp hành Xứ ủy Trung Kỳ năm 1930.
Chiếc Mâm đồng đã có từ thời ông bà nội của ông Lê thúc Cơ dùng trong những bữa cơm ấm cúng của gia đình và đã nuôi lớn bao người con trưởng thành làm rạng danh cho quê hương. Đến sau này, cách mạng năm (1930- 1931) ông Mân, ông Tuân, ông Cơ, ông Hòe, bà Tam, ông Linh…đi hoạt động cách mạng trở về nhà gia đình thường dùng Mâm dọn cơm nước cho các ông bà ăn, nhiều hôm còn có các đồng chí cán bộ của Xứ ủy, Tỉnh ủy về ăn cùng. Bác Lê Trọng Khanh, tộc trưởng dòng họ, là cháu ruột và cũng là người thờ cúng ông Lê Trọng Mân và ông Lê Thúc Cơ đã cất giữ và sử dụng cho đến ngày nay. Hàng năm vào các ngày dỗ và ngày lễ, tết, gia đình lại dùng mâm dọn cỗ, hoa quả thắp hương tưởng nhớ đến Tổ tiên và các bậc tiền bối.
Đầu tháng 10 năm 1930, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ nhất họp tại nhà ông Hồ Đôi, thôn Phù Lưu Thượng, tham dự Đại hội có 35 đại biểu thay mặt cho hơn 200 đảng viên của 31 Chi bộ. Các đồng chí Trần Hữu Thiều, Võ Quê đại diện Tỉnh ủy và ông Lê Thúc Cơ phái viên của Xứ ủy Trung kỳ đã tham gia chỉ đạo Đại hội.
Tháng 5/ 1931, Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Can Lộc lần thứ 2, dười sự chỉ đạo của Xứ ủy và Tỉnh ủy, tổ chức tại nhà bà Sĩ thôn Phù Lưu Thượng có 46 đại biểu thay mặt cho 400 đảng viên của 43 chi bộ đến dự đại hội đã lắng nghe ông Lê Thúc Cơ cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ truyền đạt những lời chỉ dẫn trong chỉ thị của Trung ương Đảng đối với cao trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh.
Năm 1931, ông Lê Thúc Cơ bị địch bắt giam tại nhà lao Hà Tĩnh.
Năm 1936, ông Lê Thúc Cơ, ông Lê Bá Tuân, Lê Trọng Mân, Phan Nguyên Trị và Lê Đình Hành…là những người thành lập “Liên thành thư quán” tại Thị xã Hà Tĩnh để tuyên truyền chủ trương mới của Đảng, nâng cao giác ngộ cách mạng cho cán bộ, đảng viên và làm nơi liên lạc của Tỉnh bộ Lâm thời Hà Tĩnh, là nơi tiếp thu, phân phát sách báo, tài liệu của Đảng.
Trong thời gian hoạt động cách mạng từ năm (1928- 1942), ông Lê Thúc Cơ bị địch bắt giam ba lần tại Nhà lao Hà Tĩnh và lần cuối cùng là ở nhà tù Hỏa Lò Hà Nội. Mặc dù bị tù đày, bị tra tấn dã man nhưng chúng không thể khuất phục được ý chí sắt đá của người chiến sỹ cách mạng kiên trung. Ông là một tấm gương sáng về ý chí kiên cường và tinh thần cách mạng tuyệt vời đối với các chiến sỹ cách mạng bị tù đày.
Võ Thị Hoa - Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh