Vũ Quang là huyện miền núi của tỉnh Hà Tĩnh, được thành lập ngày 4 tháng 8 năm 2000 trên cơ sở những vùng đất thuộc các huyện Đức thọ, Hương Khê và Hương Sơn. Đây là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa gắn với quá trình dựng nước và giữ nước. Vào nửa cuối thế kỷ XIX, mảnh đất này là trung tâm của cuộc khởi nghĩa Hương Khê trong phong trào Cần Vương chống Pháp do Phan Đình Phùng và Cao Thắng lãnh đạo, đã để lại dấu ấn rất sâu đậm trong lịch sử dân tộc. Nhân dân Vũ Quang luôn có tinh thần yêu quê hương, đất nước, tinh thần cách mạng kiên cường, chống áp bức, cường hào. Trong những năm 1928-1929, nhân dân ở đây đã đoàn kết lại tổ chức nhiều cuộc đấu tranh chống bọn hương hào, lý trưởng, buộc chúng phải trả lại ruộng đất công, giảm các việc: ma chay, tế tự, biếu xén, không được cản trở việc lập hội tương tế, tương trợ; tổ chức đọc sách báo tiến bộ.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống, ông Đoàn Tích đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1929, ông gia nhập tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng. Dưới sự lãnh đạo của tổ chức Tân Việt, ông đã cùng nhân dân hai xã Vân Cù và Hương Thụ, tổng Hương Khê hăng hái tham gia các phong trào yêu nước, tổ chức đọc sách, báo, thơ ca yêu nước để tiếp thu luồng tư tưởng tiến bộ lúc bấy giờ.
Sau khi Đảng bộ Lâm thời tỉnh Hà Tĩnh ra đời ( tháng 3/1930), tháng 4/1930, Đảng bộ huyện hương Khê, Hương sơn cũng được thành lập. Đảng bộ Đức Thọ hình thành vào tháng 5-1930. Riêng ở Hương Sơn, tháng 4 năm 1930, 17 đảng viên của Tân Việt được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, các đồng chí này được phân công về các địa phương xây dựng cơ sở Đảng.
Tại vùng đất Vũ Quang, chi bộ Mai Hoa thuộc tổng Thượng Bồng được thành lập sớm nhất vào tháng 3-1930 gồm Phạm Đàn, Phạm Từ, Phạm Hoài, Phan Thanh, Nguyễn Trường Giang…; tiếp sau đó là các Chi bộ Hương Khê (Hương Thọ), Chi bộ Vân Cù, Hương Thụ (Hương Minh), Chi bộ Khê Thượng, Đan Trai (Hương Đại), Chi bộ Lâm Thao, Hòa Duyệt (Đức Liên)…lần lượt được ra đời.
Chi bộ Vân Cù, Hương Thụ (Hương Minh) được thành lập gồm các đồng chí: Nguyễn Phú (Bí Thư), Đoàn Tích, Đoàn Thị Hợp, Đoàn Thị Bút, Nguyễn Chương, Đoàn Lương. Đồng chí Đoàn Tích được bầu làm Bí thư Nông hội đỏ. Với trọng trách đó, đồng chí luôn chú trọng vào việc gây dựng cơ sở trong xã và liên kết với các xã lân cận để vận động, tập hợp nhân dân tham gia các cuộc đấu tranh trấn áp bọn cường hào, lấy lúa của nhà giàu cứu đói cho dân.
Hòa chung vào không khí đấu tranh của nhân dân trong tỉnh, dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy, Chi bộ đảng, nhân ngày Quốc tế lao động (1-5-1930), đồng chí Đoàn Tích bố trí tổ chức rải truyền đơn, cử cán bộ đến những địa điểm đông người như bến đò, chợ, đình làng để vận động nhân dân tham gia mít tinh. Trong thời gian này gia đình đồng chí là nơi nuôi dưỡng cán bộ đảng từ các nơi khác về đây hoạt động như: đồng chí Nguyễn Lê Trạch (cán bộ giao thông của huyện), Phạm Đàn, Phạm Từ, Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Trọng Đái…Bố đồng chí là ông Đoàn Miêng (Minh) làm nhiệm vụ canh gác, mẹ là bà Trần Thị Em (Yêm) chăm lo cơm nước hàng ngày. Bà thường dùng Mâm đồng, Bát yêu, Đĩa sứ…dọn cơm cho các cán bộ đảng ăn trong thời gian các đồng chí về xã Vân Cù, Hương Thụ hoạt động cách mạng. Dưới sự chỉ đạo của huyện ủy Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ, ngày 1/8/1930 chi bộ Vân Cù, Hương Thọ, đã tổ chức treo cờ đỏ trên Núi Nầm và vận động nhân dân tham gia biểu tình đấu tranh. Ở Hương Khê, Hương Sơn nhân dân kéo lên huyện đường phá nhà lao, thả tù chính trị…
Từ tháng 9/1930 đến tháng 4/1931, phong trào cách mạng ở các huyện Hương Khê, Hương Sơn , Đức Thọ phát triển rất mạnh. Trước tình hình đó, địch tăng cường đàn áp, triệt phá xóm làng. Chúng lập đồn binh, tăng thêm lực lượng, bắt bớ, khủng bố, đốt 32 ngôi nhà của dân, đồng thời bắt đi một số cán bộ giam tại nhà lao Hà Tĩnh và nhà tù Buôn Ma Thuật. Đồng chí Đoàn Tích bị chúng bắt giam tại nhà lao Vinh. Tháng 1-1933, đồng chí được ra tù về quê tiếp tục cùng nông dân đấu tranh chống bọn hào lý phản động nhũng lạm sưu thuế…
Đầu năm 1940, các đồng chí Nguyễn Tuy (làng Hương Khê), Nguyễn Đình Vỹ (người Nghệ An) và đồng chí Hồ Hảo vượt ngục về huyện Hương Khê hoạt động, xây dựng lại cơ sở Đảng.
Ngày 15-5-1941, trong lúc đồng chí Hồ Hảo đang đi xin ý kiến của Xứ ủy Trung Kỳ về việc lấy kho súng của chủ đồn diền Sông Con chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền, đồng chí Đoàn Tích đã cùng với một số quần chúng trong vùng giết chết tên Phe ray (Perray) lấy được 14 khẩu súng và 700 viên đạn. Được tin, địch cho lính về khủng bố bắt đi 20 người, đồng chí Đoàn Tích bị bắt đưa đi giam tại nhà lao Hải Phòng. Mặc dù kẻ thù dùng mọi cực hình tra tấn dã man nhưng chúng không thể khuất phục được tinh thần và ý chí sắt đá của một chiến sĩ cách mạng kiên trung. Đồng chí là một tấm gương sáng ngời cho anh em tù chính trị noi theo. Sau những trận đòn tra tấn dã man, tháng 6-1943, đồng chí đã anh dũng hy sinh. Hài cốt được mai táng tại nghĩa trang Phúc Chương- Hải Phòng.
Ngày 1-10-2002, đồng chí được Chính phủ công nhận liệt sỹ và truy tặng “Bằng Tổ quốc ghi công”.
Đến nay, những hiện vật như Mâm đồng, Bát yêu, Đĩa sứ của gia đình đồng chí Đoàn Tích đã dùng nuôi dấu cán bộ Đảng hoạt động bí mật trong những năm 1930-1931, gia đình giao lại cho Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh lưu giữ.
Phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, nhân dân Vũ Quang đang cùng với nhân dân cả nước thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đề ra nhiều biện pháp để thức đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững sự ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp./.
Võ Thị Hoa - Bảo tàng XVNT