Khu di tích lịch sử cách mạng Roộc Cồn

Khu di tích lịch sử cách mạng Roộc Cồn thuộc xóm Bính (hay còn gọi là khe Tù Và) nay thuộc xã Phú Phong, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Khu di tích gồm có: địa điểm Rọôc Cồn và đền Cây Chay.

Du khách đi đến di tích bằng phương tiện ô tô, xe máy rất thuận lợi. Từ trung tâm thành phố Hà Tĩnh theo hướng Tây (đường đi Khe Giao) khoảng 40km đến huyện lỵ Hương Khê, rẽ phải đi vào 2km là đến di tích.

Hương Khê nằm ở phía Tây Nam tỉnh Hà Tĩnh, phía Bắc giáp với huyện Đức Thọ, phía Nam giáp với huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình, phía Đông giáp huyện Thạch Hà và Can Lộc, phía Tây là dãy Trường Sơn ( xưa kia là tổng Thổ Hoàng thuộc huyện Hương Sơn). Bên kia Trường Sơn là tỉnh Khăm Muộn của nước Lào.

Dưới chế độ thực dân- phong kiến đời sống nhân dân xã Phú Phong nói riêng và nhân dân huyện Hương Khê nói chung vô cùng cực khổ. Là một huyện miền núi, đất đai cằn cỗi, dân cư thưa thớt, nơi đây nổi tiếng là vùng rừng thiêng nước độc nên phần lớn nông dân không có ruộng cày, phải đi làm thuê cho địa chủ, quanh năm chịu cảnh ăn cơm vay, cày ruộng rẽ, đói rét, bệnh tật luôn hoành hành. Ai về Hương Khê lúc bấy giờ chắc sẽ thuộc lòng câu cửa miệng tả về nổi khổ cùng cực của người nông dân: "Nuôi con cơm chéo áo, gạo chéo khăn". Nạn phu đài, tạp dịch, cảnh thuế khóa ngặt nghèo với hàng trăm thứ thuế vô lý như: thuế chợ, thuế đò, thuế thân, thuế muối… đã đẩy người nông dân vào cảnh bần cùng. Đây cũng là nơi tập trung nông dân phá sản từ các huyện khác đến sinh sống hoặc là những người chống phong kiến bị chúng đem lên giam giữ.

Tuy nghèo khổ nhưng nhân dân Hương Khê giàu lòng yêu nước và tinh thần chống áp bức, cường quyền. Họ đã đóng góp sức người, sức của cho nghĩa quân Lê Lợi trong cuộc kháng chiến chống giặc Minh (1416-1427), cho quân Tây Sơn khi Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc tiêu diệt giặc Thanh thế kỷ XVIII năm 1789. Miền Sơn Phòng (Phú Gia), Hương Khê là nơi vua Hàm Nghi đóng quân và họp các văn thân yêu nước của Nghệ Tĩnh, phát hịch Cần Vương lần thứ hai với lời hiệu triệu "Bình Tây phục quốc".

Suốt 12 năm, mảnh đất Hương Khê là căn cứ địa vững chắc của phong trào Cần Vương chống Pháp. Cuộc khởi nghĩa của cụ Phan Đình Phùng tại vùng núi Vũ Quang đã gây cho thực dân Pháp rất nhiều khó khăn, làm chậm một bước tiến bình định của chúng vào Việt Nam.

Năm 1908, nhân dân Hương Khê dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Duy Phương kéo về thị xã Hà Tĩnh tham gia phong trào chống thuế.

Hà Linh là nơi Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân thường lui tới để xây dựng địa bàn liên lạc đưa thanh niên yêu nước sang Xiêm huấn luyện và hoạt động tài chính.

Năm 1920, Hội bài Pháp được tổ chức rộng rãi ở các thôn xã thu hút nhiều lực lượng tiến bộ. Hội đã vận động nhân dân chống bọn hào lý nhũng nhiễu, đòi bồi thường hoa lợi khi mở đường sắt và bắt chủ thầu, cai ký đảm bảo quyền lợi cho công nhân.

Năm 1926, Hội Phục Việt ra đời và hoạt động mạnh trong phong trào đòi giảm án cho cụ Phan Bội Châu và tổ chức mít tinh truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Tân Việt và Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí Hội đều sớm xây dựng được cơ sở ở vùng này làm nhiệm vụ tuyên truyền, kết nạp đảng viên, vận động quần chúng.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), tháng 3/1930 Chi bộ Đảng ở Hà Linh được thành lập đầu tiên ở Hương Khê. Đi đôi với việc thành lập các Chi bộ Đảng ở Trúc Lâm, Đông Ấp, Phúc Ấm, Đô Khê, Phú Phong, Xuân Lạng, Gia Phổ, các đoàn thể quần chúng như thanh niên, nông hội, tự vệ, phụ nữ cũng được tổ chức. Đảng bộ Hương Khê ra đời đã tạo ra bước ngoặt mới với phong trào cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng đã đoàn kết đứng lên đấu tranh chống đế quốc, phong kiến, đòi giảm tô, hoãn nợ bước đầu thu được kết quả, gây được lòng tin và tinh thần phấn khởi trong nhân dân. Từ đây phong trào đấu tranh của huyện miền núi Hương Khê đã hòa chung với phong trào của các huyện miền xuôi tạo nên một làn sóng cách mạng mạnh mẽ trong toàn tỉnh Hà Tĩnh làm cho kẻ thù phải khiếp sợ.

Phong trào phát triển mạnh mẽ nhất là vào dịp kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga 7-11-1930. Hơn 4000 nông dân thuộc các xã Phúc Ấm, Phúc Trạch, Trừng Thanh, Phú Phong, Trường Hà.. mít tinh, biểu tình. Trên đường đi, nhân dân đã đốt các điếm canh và trùng trị một số tên cường hào gian ác. Khí thế mạnh mẽ của quần chúng, đồn trưởng Chu Lễ và bọn lính phải làm ngơ.

Trong tháng 2 năm 1931 đã nổ ra 10 cuộc biểu tình với hàng ngàn người tham gia. Quần chúng nhân dân đã tập trung kéo về các làng xã trừng trị bọn hào lý địa phương làm tay sai cho giặc, tịch thu ruộng đất, lúa tiền của địa chủ để chia cho nông dân nghèo.

Phong trào đấu tranh của nhân dân Hương Khê phát triển mạnh mẽ đã làm cho bộ máy hào lý ở các thôn xã tan rã, tê liệt. Các Xã Bộ nông, Thôn Bộ nông thay mặt chính quyền cách mạng chăm lo giải quyết mọi công việc về kinh tế, chính trị, văn hóa.

Trước sự phát triển của cách mạng, bọn đế quốc, phong kiến đã tiến hành cuộc khủng bố trắng phong trào Hương Khê rất tàn bạo. Đầu năm 1931, chúng cho dựng lên 14 đồn binh và lập hệ thống bang tá dày đặc nhằm vào những nơi có phong trào mạnh để đàn áp. Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng không sợ hy sinh gian khổ, các cuộc mít tinh, biểu tình vẫn nổ ra liên tiếp.

Ngày 20-4-1931, Chi bộ xã Phú Phong đã tập trung nhân dân mít tinh để công bố việc chia ruộng đất công và vận động quần chúng quyên góp tiền, lúa gạo giúp đỡ đồng bào tổng Trại La bị địch đốt phá nhà cửa, giết hại trâu bò, cướp bóc tài sản. Giữa lúc đồng chí Nguyễn Văn Chữ, Bí thư Chi bộ xã Phú Phong đọc diễn thuyết thì tên đồn trưởng Chu Lễ được một tên mật thám báo tin đã đưa 12 lính về đàn áp. Chúng cho bắt một số đồng chí lãnh đạo, trong đó có đồng chí Nguyễn Văn Chữ. Trước tình đó, Huyện ủy đã kịp thời chỉ đạo cử cán bộ về các xã lân cận Phú Phong, vận động nhân dân biểu tình, kéo đi giải vây cho các đồng chí bị bắt. Chỉ 2 giờ sau, hơn 1500 nhân dân các xã Phúc Ấm, Phú Gia, Trừng Thanh, Gia Phố, Thượng Bình … đã tập trung kéo đến phối hợp với nhân dân xã Phú Phong đấu tranh với địch. Đoàn biểu tình có đội tự vệ do đồng chí Phan Lữ chỉ huy đã xông vào nhà lý trưởng xã Phú Phong, nơi quân địch đang giam các đồng chí đảng viên, địch nã súng vào đội tự vệ để tháo lui. Đồng chí Phan Lữ bị trúng đạn hy sinh. Đoàn biểu tình từ các xã nổi trống, mõ kéo đến Phú Phong mỗi lúc một đông, lính địch hoảng sợ bỏ chạy ra đến Roộc Cồn (một đồi trọc thuộc xã Phú Phong) thì bị các đoàn biểu tình chặn lại, khép kín vòng vây. Hoảng sợ trước khí thế hùng dũng của quần chúng kẻ địch đã cho lính xả súng bắn vào đoàn biểu tình làm 11 người chết và 6 người bị thương. Người trước ngã, người sau tiến bước, quần chúng với lòng căm thù đã xông lên vật lộn với kẻ thù buộc chúng phải tháo chạy khỏi xã Phú Phong.

Đêm 20-4-1931 Huyện ủy Hương Khê đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu các liệt sỹ hy sinh trong trận Roộc Cồn lịch sử với hàng ngàn người tham gia. Noi gương các chiến sỹ cách mạng Roộc Cồn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cuộc biểu tình diễn ra mạnh mẽ nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1931.

Rọôc Cồn - nơi diễn ra cuộc biểu tình lịch sử của nhân dân Hương Khê, nơi xung đột giữa ta và địch với nhiều tấm gương nghĩa liệt ngã xuống trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Rọôc Cồn xưa là vùng đồi trọc, xung quanh được bao bọc bởi cây cối um tùm với diện tích là 600m2. Di tích thuộc xã Phú Phong, mảnh đất đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử, nhất là trong phong trào cách mạng năm 1930-1931. Ngày nay, phía Nam và Đông của Rọôc Cồn là bản làng xóm 2, phía Bắc giáp đường liên hương thôn 1, phía Tây giáp đường liên hương thôn 2. Phía trước di tích là dòng sông Tiêm uốn mình chảy xiết mang nước về tưới xanh cho ruộng đồng, tạo cho cảnh quan của bản làng thêm trù phú.

Nhằm tôn vinh tinh thần dũng cảm, sự hy sinh oanh liệt của các chiến sỹ Xô Viết, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, giáo dục truyền thống cách mạng cho mọi thế hệ, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã cho xây dựng ở nơi đây một tượng đài liệt sỹ uy nghiêm và kính trọng mang tên nghĩa trang liệt sỹ Roộc Cồn.

Đền cây Chay (hay còn gọi là miếu Bà), là nơi cất dấu tài liệu, in ấn truyền đơn, là nơi hội họp của Đảng bộ Hương Khê trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Đền Cây Chay nằm trên địa phận xóm Giáp (nay là xóm 2) xã Phú Phong, bên tả ngạn của dòng sông Tiêm chảy từ thác Vũ Môn đổ về. Từ xưa đền đã là nơi tín ngưỡng linh thiêng của nhân dân vùng này. Theo truyền thuyết của nhân dân kể về sự tích có một quả bưởi thả xuống từ dòng sông phía trước miếu Trần Lâm (nơi thờ chị của bà Đại Càn. Theo truyền thuyết bà Đại Càn người nước Tống đã có công giúp vua nhà Trần.) trôi dạt về đến vực Cây Chay thì nổi lên, nên nhân dân lập ở đây đền thờ gọi là đền cây Chay. Tục truyền khi vua Hàm Nghi ra Sơn Phòng, Hà Tĩnh, thì vực Cây Chay có tiếng nổ lớn, mực nước sông dâng cao, báo điềm không lành cho nhân dân.

Đền cây Chay được phân bố với cảnh quan u tịch, cây cối um tùm. Đền ở nơi có vị trí thuận lợi về đường sông, đường bộ dễ liên lạc với các xã. Đây vừa là nơi kín đáo, vừa là chốn linh thiêng, dễ đánh lừa được bọn mật thám nên tiện cho việc hội họp, in ấn truyền đơn, tài liệu của Đảng. Vì vậy, Huyện ủy Hương Khê, Chi bộ Phú phong chọn đền là địa điểm liên lạc, nơi hội họp và ấn loát của Đảng. Từ đền Cây Chay, nhiều chỉ thị, kế hoạch, truyền đơn… được in ấn và chuyển về các Chi bộ an toàn. Di tích này gắn với nhiều sự kiện của Phú Phong trong phong trào 1930-1931. Ở đây đã chứng kiến cuộc họp Chi bộ chỉ đạo cuộc đấu tranh ngày 20/4/1931.

Di tích gồm có: cột nanh, cổng Tam quan, tắc môn, nhà Bái đường.

Bước qua thềm xây 7 cấp là 2 cột nanh, mỗi cột cao 6,5m. Phía trên cột nanh đắp nổi hình con nghê, bốn phía đắp nổi hình các con vật linh thiêng như: rùa đội sen, rồng chầu mây, chim phượng, mình ngựa đầu rồng. Cổng Tam quan với chiều dài 4,5m, phía trước đắp nổi hình ngựa. Tắc môn của đền rộng 2,3m, cao 1,5m, mặt ngoài đắp nổi hình 2 con rồng chầu lửa, phía trong có hình mình ngựa đuôi rồng.

Nhà Bái đường trước đây được xây dựng 3 gian, 2 hồi, mái lợp tranh cọ, cột gỗ. Năm 1944, nhân dân địa phương tu sửa lại. Năm 1991 do thiên nhiên tàn phá, nhà bị xuống cấp, đến nay còn lại nền nhà Bái đường với diện tích 64,2m2 cùng với 18 chân móng cột, ba bệ thờ. Phía trong nhà Bái đường vẫn giữ nguyên được bệ thờ xây 3 cấp với chiều cao mỗi bệ là 1,05m.

Đi vào phía trong khu vực đền, 3 điện thờ được xây dựng với vẻ linh thiêng thờ bà Thánh Mẫu, bà Thanh Y Ngọc Nữ, bà Tiên Giang, bà Đại Càn. Điện 1 có diện tích 2,7 m2, điện 2 diện tích là 2,52m2, điện 3 diện tích là 2,38m2. Cả 3 điện thờ đều là nền xây 3 cấp, chân cột kê bằng đá vuông, mái lợp tranh cọ, xung quanh ghép gỗ. Phía trước cửa thờ mỗi điện đều nhô ra hình 2 đầu rồng ngậm hạt ngọc, chạm bằng gỗ. Xung quanh mỗi điện thờ được trang trí tỉ mỉ, với các bức chạm gỗ hình chim phượng cắp cuốn thư, hạc cưỡi lưng rùa, cá chép hóa rồng, vân mây, hoa lá chạm khắc hài hòa có dáng dấp của đời Lê Nguyễn. Bên cạnh những bức chạm khắc rồng phượng tương xứng với ngững họa tiết sóng, nước, mây, trời. Những bức cuốn thư, hoành phi, câu đối … đều được chạm khắc, sơn son thiếp vàng, vừa là những bức họa, vừa mang vẻ đẹp của một nền nghệ thuật điêu khắc độc đáo.

Trong đền còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ có giá trị như: long ngai, mũ cánh chuồn, hộp quả, lư hương gỗ, gươm, bài vị, sắc phong niên hiệu thời Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định, Thiệu Trị, Thành Thái.

Với những giá trị về lịch sử, văn hóa, là nơi ghi dấu nhiều sự kiện cách mạng năm 1930-1931, khu di tích Roộc Cồn đã được công nhận là Di tích lịch sử cách mạng cấp Tỉnh.