Bà Trần Thị Thường sinh năm 1901 tại làng Trụ Pháp, tổng Vân Tụ (nay là xã Mỹ Thành), huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Bà sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống yêu nước cách mạng, trong một gia đình nông dân nghèo.
Năm 1929, Bà Trần Thị Thường được đồng chí Nguyễn Ứng và Nguyễn Ngoạn giác ngộ cách mạng, tham gia hoạt động trong Hội thanh niên tổng Vân Tụ. Sau đó, bà được tổ chức phân công phụ trách Hội phụ nữ giải phóng của làng Trụ Pháp với nhiệm vụ là cùng một số chị em trong Hội làm giao thông liên lạc, chuyển tài liệu công văn, truyền đơn cho Đảng và đi quyên góp tiền bạc gây quỹ cho tổ chức đoàn thể.
Từ tháng 9 năm 1930, thực dân Pháp tăng cường đàn áp, lùng bắt cán bộ đảng viên nên cơ sở Đảng đã quyết định dời về Tràng Kẻ (Trụ Pháp) hoạt động. Nhà thờ họ Nguyễn Công ở Trụ Pháp được chọn làm cơ sở in ấn tài liệu của Đảng. Tại nơi này, nhiều tài liệu, chỉ thị uốn nắn phong trào, truyền đơn kêu gọi nhân dân đấu tranh được in ấn.
Ngày ấy, khi tài liệu in xong, đồng chí Lê Thị Yên - cán bộ phụ trách giao thông liên lạc của Huyện ủy Yên Thành trực tiếp giao cho bà Trần Thị Thường chuyển đi cơ sở. Bà Thường đã để tài liệu và tiền quyên góp được vào trong chiếc hộp gỗ màu nâu, hình chữ nhật này. Trong những lần chuyển tài liệu, bà đã cải trang là người đi mua dâu, bán thuốc lào, bán hàng xén...để che mắt kẻ địch.
Nhờ những đóng góp của bà Trần Thị Thường trong công tác giao thông liên lạc mà các công văn, chỉ thị của Tỉnh ủy, Huyện ủy nhanh chóng đến được với các địa phương, kịp thời chỉ đạo phong trào cách mạng. Vì vậy, phong trào đấu tranh của nhân dân Yên Thành ngày càng phát triển. Từ tháng 11/1930 đến đầu tháng 5/1931, ở Yên Thành đã có hơn 40 cuộc đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng, mạnh nhất là trong dịp kỷ niệm Cách mạng tháng 10 Nga năm 1930.
Ngày 21/6/1931, cơ quan Huyện ủy Yên Thành ở Giáp Nây (Trụ Pháp) dời về làng Ngọc Luật, khi đi qua Truông Liếng bị địch phát hiện và bao vây, nhiều cán bộ bị bắt. Tháng 9/1931, một số cán bộ còn lại của Huyện ủy rút lên đóng ở Bình Thọ, được 3, 4 ngày thì bị lộ. Qua đợt khủng bố trắng của kẻ thù, phong trào cách mạng Yên Thành tạm thời lắng xuống.
Thời kỳ 1936-1939, bà Trần Thị Thường tham gia hoạt động ở Hội phụ nữ xã làng Trụ Pháp. Ngày 15/9/1939, bà được vinh dự kết nạp vào Đảng.
Năm 1945, bà tham gia lãnh đạo Hội Phụ nữ cướp chính quyền.
Năm 1946, bà làm Bí thư Phụ nữ xã Mỹ Thành.
Năm 1955, bà là Ủy viên, phó Chủ tịch xã Mỹ Thành.
Năm 1964, bà nghỉ hưu. Năm 1983, bà Trần Thị Thường do tuổi cao sức yếu.
Hiện nay, gia đình còn lưu giữ được chiếc hộp gỗ, kỷ vật gắn bó với cuộc đời hoạt động cách mạng của bà Trần Thị Thường. Gia đình dùng nó làm đồ tế tự cũng là nhắc nhở con cháu về sau học tập tinh thần cách mạng của cha ông.