Hộp đựng thuốc và dao cắt thuốc bắc

Lê Đức Nhiếp sinh ra và lớn lên ở làng Yên Lý, tổng Vạn Phần, huyện Diễn Châu trong một gia đình lương y nghèo, giàu lòng yêu nước, thương dân. Ông nội Lê Hồ là một danh y nổi tiếng. Lê Đức Sơn, thân sinh của đồng chí cũng là một danh y có tiếng trong vùng. Từ nhỏ, Lê Đức Nhiếp đã được gia đình cho học chữ và truyền nghề bốc thuốc, bắt mạch.

Lê Đức Nhiếp là người thông minh, sáng dạ, giàu lòng nhân ái và sớm nắm bắt được thời cuộc. Ông đã được tận mắt chứng kiến sự đàn áp, cướp bóc tàn ác của bọn phong kiến thực dân, đời sống cùng cực, bần hàn của nhân dân cũng như sự vùng lên của tầng lớp thanh niên tiên tiến trên quê hương trong các phong trào yêu nước như Duy Tân, Đông Du...

Năm 1925, Lê Đức Nhiếp đã hăng hái tham gia các hoạt động cách mạng của những thanh niên yêu nước tại quê hương. Năm 1926, được sự giới thiệu và dìu dắt của đồng chí Lê Hữu Lập (Hoàng Lùn) quê ở Thanh Hóa, Lê Đức Nhiếp đã chính thức được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Với những hoạt động tích cực của mình, đồng chí đã được đồng chí Lê Phú (Lê Hai) tuyển chọn cho xuất dương sang Trung Quốc học tập cùng thời với các đồng chí: Nguyễn Phong Hanh, Lê Nhu, Lê Mân và Lê Đệ.

Sau một thời gian học tập, rèn luyện ở Trung Quốc, Lê Đức Nhiếp trở về quê hoạt động cách mạng. Đồng chí đã bắt liên lạc với các đồng chí Nguyễn Đức Biểu, Lê Mân, Lê Cần, Lê Nhu, Lê Đệ cùng xây dựng cơ sở Đảng. Tháng 6/1930, Chi bộ Yên Lý được thành lập. Đồng chí đã tích cực vận động quần chúng đấu tranh đòi giảm sưu, giảm thuế.

Với hình thức ngụy trang bên ngoài là một danh y có nhiều bệnh nhân xa gần đến nhà bốc thuốc, kê đơn nên rất thuận tiện cho đồng chí trong mọi hoạt động cách mạng. Chi bộ yên Lý đã chủ trương chọn nhà đồng chí làm nơi tổ chức các cuộc hội họp của Đảng. Mỗi khi cần bàn bạc kế hoạch mới, cấp trên cải trang là người đi lấy thuốc, hai, ba đồng chí khác là bệnh nhân ngồi chờ đồng chí bắt mạch nhưng thực chất các đồng chí đang trao đổi thông tin và đơn thuốc chính là những tin tức, kế hoạch bí mật được thống nhất. Dao cắt thuốc bắc có đế gỗ dài 57cm, lưỡi dao bằng sắt dài 13cm này là dụng cụ Lê Đức Nhiếp dùng cắt thuốc trong quá trình cải trang hoạt động cách mạng của mình. Hộp đựng thuốc bắc bằng gỗ hình vuông với kích thước 8cm x 8cm là nơi cất giấu tài liệu Đảng. Những tài liệu bí mật của Đảng được cất giấu an toàn bên dưới những vị thuốc bắc ở trong hộp này. Nhờ hình thức ngụy trang và cất giấu tài liệu một cách thông minh, khéo léo nên trong những năm làm cách mạng của mình, ông và các đồng chí đã cất giấu tài liệu Đảng một cách bí mật và an toàn.

Để chuẩn bị cho cuộc biểu tình kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga năm 1930, đêm 6/11/1930, Lê Đức Nhiếp cùng các đồng chí anh em trong chi bộ chuẩn bị băng cờ, khẩu hiệu, sắm vũ khí, đồng thời tổ chức các đội tự vệ đi rải truyền đơn. Ngày 7/11/1930, dưới sự lãnh đạo của Phủ ủy nhân dân các tổng Hoàng Trường, Vạn Phần, Lý Trai mang theo cờ và khẩu hiệu làm lễ kỷ niệm. Sau đó, đoàn người biểu tình khí thế dâng cao như nước vỡ bờ rầm rập kéo thẳng về phủ lỵ đưa yêu sách đòi giảm sưu, giảm thuế, lập chính phủ Công Nông Binh, đánh đổ đế quốc Pháp, Nam Triều phong kiến, vừa đi vừa hô khẩu hiệu “Ủng hộ chính quyền Xô Nga”.

Ngày 6/5/1931, Lê Đức Nhiếp bị bắt và Tòa án Nam Triều tỉnh Nghệ An kết án 03 năm tù giam tại nhà lao Vinh.

Ngày 3/9/1931, đồng chí vượt ngục thoát về đến nhà thì bị bắt lại. Năm 1932, Lê Đức Nhiếp bị đày đi Buôn Mê Thuột.
Ngày 8/3/1935, đồng chí được tha và lại tiếp tục hoạt động cách mạng. Đến ngày 18/10/1935, lại bị địch bắt vì tội rải truyền đơn cộng sản, sau đó được tha.

Năm 1945, Lê Đức Nhiếp tiếp tục tham gia mặt trận Việt Minh, lãnh đạo phong trào đấu tranh cướp chính quyền tại quê hương.
Năm 1954, đồng chí là thành viên của đội cải cách ruộng đất. Sau một thời gian vì lý do sức khỏe, đồng chí đã nghỉ ở nhà cho đến lúc mất.

Hộp đựng thuốc và dao cắt thuốc bắc này là những kỷ vật gắn liền với quãng đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Đức Nhiếp, một lương y giàu lòng yêu nước hiện đang được lưu giữ và bảo quản trong kho Kiểm kê – Bảo quản của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh./.