Hoạt động nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trần Văn Cung cán bộ tiền bối của đảng

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trần Văn Cung (1909-2009), Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh phối hợp với Trung tâm Văn hóa huyện Nghi Lộc tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa nhằm tri ân những đóng góp to lớn của đồng chí Trần Văn Cung đối với sự nghiệp cách mạng, đồng thời góp phần thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Ngày 22/10/2009, tại Ủy ban nhân dân xã Nghi Hoa, Bảo tàng tổ chức trưng bày bộ pa nô về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 và một số hình ảnh những chiến sỹ quê Nghi Lộc bị cầm tù trong phong trào này. Với nội dung ngắn gọn, súc tích được trình bày một cách lô gic, bộ pa nô lưu động đã giúp người xem hiểu được toàn bộ tiến trình của Xô Viết Nghệ Tĩnh, từ nguyên nhân, diễn biến đến kết quả và ý nghĩa của phong trào. Đối với nhiều người dân xã Nghi Hoa chưa có điều kiện đến Bảo tàng thì đây là cơ hội để họ được hiểu thêm về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, về truyền thống cách mạng của quê hương mình. Đặc biệt, những tấm pa nô giới thiệu về chân dung những người con Nghi Lộc tham gia cách mạng bị bắt, bị tù đày đã thu hút đông đảo người xem.

Chiều ngày 23/10, buổi giao lưu văn hóa với chủ đề: “ Quê hương và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Văn Cung”, giữa hai trường: THPT dân lập Nguyễn Thức Tự và THCS Nghi Hoa đã diễn ra sôi nổi tại hội trường UBND xã Nghi Hoa.
Tham dự buổi giao lưu có đồng chí Nguyễn Tiến Nghĩa- Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện cùng các đồng chí đại diện các phòng của Trung tâm. Về phía địa phương có đồng chí Nguyễn Viết Hướng- Chủ tịch UBND xã cùng đông đảo cán bộ, bà con nhân dân xã Nghi Hoa. Ông Trần Cảnh Dương, ông Trần Văn Hợp là thân nhân gia đình đồng chí Trần Văn Cung cũng đến tham dự chương trình. Đặc biệt, sự có mặt của Ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô giáo và đông đảo các em học sinh trường THPT dân lập Nguyễn Thức Tự, trưòng THCS Nghi Hoa đã làm cho không khí buổi giao lưu trở nên vô cùng sôi động, hào hứng.

Qua 18 câu hỏi, với ba phần thi: Phần thi dùng biển trả lời với các phương án A,B,D; phần thi dùng bảng và phần thi trả lời câu hỏi tìm hiểu, chương trình giao lưu đã tập trung làm rõ thêm về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Văn Cung và những đóng góp to lớn của nhân dân Nghi Hoa nói riêng, nhân dân Nghi Lộc Nói chung trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.

Đồng chí Trần Văn Cung sinh ngày 5/5//1909 trong một gia đình có truyền thống cách mạng tại làng Kim Khê Trung, Tổng Kim Nguyên( nay là xã Nghi Hoa), huyện Nghi Lộc. Tháng 9/1925, Trần Văn Cung thi đậu vào trường Quốc học Vinh và đã sớm trở thành hội viên Hội Phục Việt. Tháng 11/1926, Trần Văn Cung được Hội Phục Việt cử sang Quảng Châu- Trung Quốc tham dự lớp huấn luyện chính trị do đồng chí Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy.Trong thời gian này, Trần Văn Cung đã nhanh chóng gia nhập vào Hội Thanh niên- tổ chức tiền thân của Đảng ta do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và nhận nhiệm vụ về nước tuyên truyền cách mạng. Tháng 8/1928, hai vợ chồng chuyển ra Hà Nội công tác và anh đã gia nhập vào Chi hội Thanh niên Bắc kỳ. Tại Hội nghị bầu BCH Kỳ bộ Thanh niên Bắc kỳ họp vào tháng 9/1929, đồng chí Trần Văn Cung được cử làm Bí thư.

Tháng 3/1929, chi bộ Cộng sản đầu tiên được thành lập tại nhà số 5D phố Hàm Long- Hà Nội và Trần Văn Cung được bầu làm Bí thư chi bộ. Dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Cộng sản, Đại hội Kỳ bộ Thanh niên Bắc Kỳ họp ngày 28/3/1929 tán thành chủ trương thành lập Đảng cộng sản. Đồng chí Trần văn Cung được Đại hội cử đi dự Đại hội Thanh niên toàn quốc ở Hương Cảng.

Ngày 17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập. Sau khi ra đời, BCH Trung ương Lâm thời đã cử đồng chí Trần Văn Cung và Nguyễn Phong Sắc vào xây dựng cơ sở đảng ở Trung Kỳ. Vào Vinh, đồng chí Trần Văn Cung đã cùng với đồng chí Nguyễn Phong Sắc, đồng chí Võ Mai lập ra Kỳ bộ Trung Kỳ Đông Dương Cộng sản Đảng. Trần Văn Cung đã cùng các đồng chí trong Kỳ bộ đi xây dựng cơ sở đảng ở các vùng trong tỉnh như : thành phố Vinh, Thanh Chương, Nam Đàn, Nghi Lộc… Đường lối và khẩu hiệu của Đông Dương Cộng sản Đảng đề ra đã đáp ứng được nguyện vọng của quần chúng nhân dân nên được đông đảo nhân dân tham gia. Sau vụ rải truyền đơn kỷ niệm ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc (1/8/1929) , Trần Văn Cung bị bắt và đưa vào giam tại nhà tù Lao Bảo. Mặc dù bị giam cầm với chế độ lao tù vô cùng khắc nghiệt, bị đánh đập tra tấn dã man nhưng Trần Văn Cung đã lãnh đạo anh em đứng lên đấu tranh, buộc thực dân Pháp phải nhượng bộ và thực hiện các yêu sách của tù chính trị.

Năm 1936, Trần Văn Cung được thả tự do. Sau khi ra tù, đồng chí lại tiếp tục hoạt động và có nhiều đóng góp cho cách mạng như tham gia thành lập Việt Minh, chỉ đạo khởi nghĩa ở phân khu ủy Vinh- Bến Thủy, hoạt động Quốc Hội từ năm 1946 đến năm 1957,Bí thư Đảng ủy Trường Kinh tế Tài chính Trung ương trực thuộc Thủ tướng phủ. Năm 1967, đồng chí nghỉ hưu. Do bị bệnh hiểm nghèo, đồng chí đã từ trần vào năm 1977.

Buổi giao lưu thực sự sôi động và hào hứng khi các em trả lời các câu hỏi về truyền thống cách mạng của nhân dân Nghi Hoa nói riêng và nhân dân Nghi Lộc nói chung trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh với lòng đầy tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất lịch sử này. Kết thúc chương trình, trường THCS Nghi Hoa giành giải nhất, trường THPT dân lập Nguyễn Thức Tự giành giải nhì

Chương trình giao lưu, trưng bày lưu động của Bảo tàng Xô viết Nghệ tĩnh tại xã Nghi Hoa là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa nhằm thiết thực kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Trần Văn Cung- cán bộ tiền bối của Đảng, người con ưu tú của quê hương Nghi Hoa. Những hoạt động này đã tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ nơi đây quyết tâm lao động, học tập và rèn luyện để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Lê Thu Hiền
Phòng Trưng bày- Tuyên truyền