Hiện vật nuôi giấu cán bộ Đảng những năm 1930-1931 của gia đình ông Bùi Duy Hoạt ở xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An

 Ông Bùi Duy Hoạt sinh năm 1907 trong một gia đình làm nghề đánh cá ở làng Phú Nghĩa Hạ, tổng Phú Hậu ( nay là xóm Đức Xuân, xã Tiến Thủy), huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Đây là một vùng quê nghèo, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 20/04/1930 tại làng Thanh Sơn (Sơn Hải) đã diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ huyện Quỳnh Lưu, gồm 5 người: Nguyễn Đức Mậu( Bí thư) và các ủy viên: Nguyễn Hữu Giảng, Đào Quang, Nguyễn Xuân Đào, Hoàng Văn Hợp. Huyện ủy Quỳnh Lưu đã phân công từng ủy viên về các địa bàn trong huyện thành lập các chi bộ và chỉ đạo đấu tranh.

Đầu tháng 5-1930, đồng chí Nguyễn Xuân Đào được cử về làng Phú Nghĩa Hạ gặp gỡ các đồng chí Hồ Dậu, Nguyễn Yên, Đinh Ngọc Bỉnh… để tuyên truyền ảnh hưởng của Đảng, gây dựng phong trào, giác ngộ cách mạng cho một số thanh niên tiên tiến trong làng, nhất là trong các phường muối, phường cá…Ông Bùi Duy Hoạt là thành viên của phường cá, sau khi được đồng chí Nguyễn Xuân Đào vận động, tiếp thu tư tưởng tiến bộ, ông Bùi Duy Hoạt trở thành tuyên truyền viên tích cực, tham gia nhiều cuộc đấu tranh chống sưu cao, thuế nặng, đánh tây đoan về làng bắt muối.

Nhân ngày Quốc tế lao động, Huyện ủy Quỳnh Lưu phát động một đợt đấu tranh nhằm ủng hộ, phối hợp với công nông toàn tỉnh. Dưới sự chỉ đạo của tổ chức cách mạng, ông Bùi Duy Hoạt cùng với gần 100 người làng Phú Nghĩa Hạ đã vượt sông Hàu bằng thuyền mang theo cờ, gậy gộc, khẩu hiệu đi biểu tình. Cuộc biểu tình khiến bọn tây và lính toán bị bất ngờ không kịp đối phó phải lẩn trốn.

Ngày 6-6-1930, Huyện ủy Quỳnh Lưu quyết định thành lập chi bộ Đảng cộng sản làng Phú Nghĩa Hạ, gồm đồng chí Hồ Dậu làm Bí thư và các ủy viên: Nguyễn Yên, Đinh Ngọc Bỉnh, Đinh Ngọc Chúc, Phạm Ngọc Lân. Sau đó các tổ chức Công hội đỏ, hội cứu tế đỏ và hội phụ nữ giải phóng... được ra đời. Ông Bùi Duy Hoạt tham gia tổ chức Công hội đỏ, gồm nhiều đoàn viên như Nguyễn Đại, Nguyễn Hai, Bùi Tiến, Hồ Kiều…do đồng chí Hoàng Hiến làm thư ký, là một thanh niên gan dạ, tháo vát, ứng xử linh hoạt trong những tình huống bất trắc, ông Bùi Duy Hoạt được tổ chức phân công làm giao thông liên lạc.

Đầu tháng 6 năm 1930, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Nghệ An về phối hợp đấu tranh với các vùng khác, Huyện ủy Quỳnh Lưu đã tổ chức Hội nghị tại Quỳnh Thuận và quyết định phát động nhân dân làm muối ở tổng Thanh Viên đấu tranh chống áp bức, bóc lột của đế quốc và phong kiến tay sai.

Theo chủ trương của huyện ủy Quỳnh Lưu, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Hữu Giảng, Đào Quang - cán bộ huyện ủy, các Chi bộ cơ sở các làng Phú Nghĩa Hạ, Thanh Đàm, Thanh Đoài, Thanh Sơn, Quý Hòa, Thọ Vực… sẽ tổ chức một cuộc biểu tình lớn vào ngày 20-6-1930. Trước ngày biểu tình, biết gia đình ông Bùi Duy Hoạt có cảm tình với cách mạng, nhà ông ở cuối xóm, ít người qua lại, gần với lạch sông, khi bị kẻ địch truy lùng thì dễ trốn thoát do đó tổ chức chi bộ Phú Nghĩa Hạ đã chọn nhà ông Bùi Duy Hoạt để họp bàn kế hoạch. Khi cuộc họp diễn ra tại nhà, ông mang cơi đựng trầu ra cho các đồng chí Nguyễn Hữu Giảng, Hồ Dậu, Nguyễn Yên, Đinh Ngọc Bỉnh...vừa ăn trầu vừa họp bàn công việc, rồi đứng canh gác cho các đồng chí họp, đĩa sứ dùng để dọn cơm nước.

Sáng này 20-6-1930, ông Bùi Duy Hoạt và quần chúng nhân dân của làng Phú Nghĩa Hạ do đồng chí Hoàng Hữu Duyệt ( người Quỳnh Đôi) lãnh đạo tập trung tại chợ Đình( Quỳnh Thuận) với băng, cờ trên tay, tiến về phía đồn địch và đưa ra các yêu sách: tăng giá muối, được tự do đổ muối, cạo muối, để cho dân đem muối về dùng, không được tự tiện vào nhà khám muối dân, đòi thả tự do cho tù chính trị…Cuộc biểu tình đã khiến cho bọn lính và cai lệ ở các đồn run sợ.

Ngày 1-8-1930, vào dịp kỉ niệm nhân dân thế giới đứng lên đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, Huyện ủy Quỳnh Lưu có tổ chức cắm cờ búa liềm và rải truyền đơn trong toàn huyện để cổ vũ tinh thần đấu tranh của quần chúng. Chi bộ làng Phú Nghĩa Hạ đã tiến hành họp bàn nhằm chỉ đạo rải truyền đơn ở nhà thương chính Phú Nghĩa, cắm cờ ở nhiều nơi: cầu Hàu, Rú Rồng, Rú Đáy( Rú Hòn Thông).

Ông Bùi Duy Hoạt được tổ chức giao nhiệm đi lấy truyền đơn, tài liệu. Truyền đơn đưa về được ông cất dấu trong cơi đựng trầu, trên ngụy trang một lớp trầu cau, sau đó đem đi rải khắp các làng xóm. Tối 31-7-1930, khi trăng thượng tuần vừa tắt, tất cả các lá cờ được treo lên, cờ và truyền đơn cũng đã xuất hiện tại nhà thương chính Phú Nghĩa. Sáng 1-8-1930, dân làng được nhìn thấy những lá cờ ở Rú Hòn Thông, đỉnh núi đã cao nay lại cao thêm, nhân dân các làng xã phía Đông huyện Quỳnh Lưu đều được chiêm ngưỡng lá cờ phất phới bay.

Thời gian 1932, địch lại khủng bố trắng ở Quỳnh Lưu, chi bộ Phú Nghĩa Hạ và các tổ chức quần chúng đều bị tan rã. Phong trào cách mạng ở đây tạm lắng xuống.

Về sau, thời kỳ 1936-1939 ông Bùi Duy Hoạt hoạt động trong các tổ lợp nhà, họ Hiếu, liên tục tham gia trong các phong trào đoàn thanh niên tại địa phương, cho đến cách mạng tháng Tám năm 1945, ông tham gia cướp chính quyền ở xã, rồi làm cán bộ xã, hoạt động trong phong trào đoàn thể.

Năm 1991, với những đóng góp to lớn của ông Bùi Duy Hoạt cho phong trào cách mạng Việt Nam, Nhà nước đã có quyết định công nhận ông là cán bộ hoạt động cách mạng trước tháng 8 năm 1945.

Năm 1997, ông Bùi Duy Hoạt mất vì tuổi cao sức yếu.

Những hiện vật cơi trầu,đĩa sứ là của gia đình ông Bùi Duy Hoạt, liên quan đến truyền thống gia đình và gắn liền với cuộc đời hoạt động của ông nên gia đình gìn giữ cẩn thận, và giao lại cho Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh bảo quản để làm tư liệu lịch sử cũng như giới thiệu với khách tham quan.

Nguyễn Vân Anh - BT XVNT