Ông Phạm Công Quỳ (Súy), sinh năm 1906 tại làng Trụ Pháp, tổng Vân Tụ, ( nay là xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An).
Trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 gia đình ông là cơ sở nuôi dưỡng che dấu cán bộ Đảng hoạt động bí mật. Các anh em trong họ Phạm Công đều tham gia hoạt động cách mạng. Bác họ Phạm Công Sửu là Bí thư Chi bộ làng Trụ Pháp năm 1931. Các gia đình ông, bà Phạm Súy, Phạm Thị Dị, Nguyễn Cảnh Đại, Trần Thị Thờng...là cơ sở hội họp, nuôi dưỡng cán bộ tỉnh ủy, Huyện ủy về chỉ đạo phong trào cách mạng ở tổng Vân Tụ.
Tháng 9/1930, Tỉnh ủy cử đồng chí Nguyễn Hữu Bình, đặc phái viên tỉnh ủy Nghệ An cùng với các đồng chí Chu Trang, Phan Lạc về trực tiếp chỉ đạo phong trào. Các đồng chí đã tổ chức cuộc họp tại nhà Nguyễn Ngoạn để bàn kể hoạch đấu tranh nhân kỷ niệm cách mạng tháng 10 Nga(7/11/1930). Nhất là gần ngày kỷ niệm cách mạng tháng mười, cờ đỏ, búa liềm lần đầu tiên xuất hiện ở trên cây đa, dọc đường 38, đường 7. Đến nửa đêm ngày 6/11 tiếng trống mõ vang lên khắp xóm làng thúc dục quần chúng tập trung đi biểu tình.
Đoàn biểu tình ở Hạ huyện do Nguyễn Hữu Dung, Lưu Xuân Giản lãnh đạo.
Đoàn biểu tình ở vùng Thượng huyện do Nguyễn Ngoạn, Nguyễn Úy,Nguyễn Thực, Lê Điều, Trần Khắc Khanh lãnh đạo.
Đi đầu mỗi đoàn đều có băng cờ, khẩu hiệu, quần chúng mang theo gậy gộc, giáo mác...Vừa đi quần chúng vừa hô vang khẩu hiệu:
- Đá đáo bọn đế quốc phong kiến nam triều .
- Ủng hộ công nông Vinh- Bến Thủy, Hưng Nguyên.
- Giảm sưu hoãn thuế, miễn công dịch.
- Ủng hộ cách mạng Xô Nga.
Đoàn biểu tình đi đến Cầu Muống( Tường Lai) và Cồn Nhà Vàng, tri huyện Hà Văn Ngoạn cùng lính từ Cầu Muống kéo ra ngăn cản, chúng bắn vào đoàn biểu tình làm 12 người chết, một số người bị thương.
Cuối tháng 11/1930, Ban chấp hành Lâm thời Đảng bộ huyện Yên Thành được thành lập. Hai tháng sau, chi bộ đảng ở các làng Trụ Pháp, Ngọc Luật, Đồng Thống, Đông Yên, Quỳ Trạch và Quan Hóa lần lượt ra đời. Chi Bộ làng Trụ Pháp do Nguyễn Ngoạn làm Bí thư.
Thời gian này gia đình ông Phạm Công Quỳ được phân công lo cơm nước phục vụ các đồng chí Chu Đàm, Nguyễn Hữu Bình, Chu Trang là cán bộ Huyện ủy, Tỉnh ủy. Ông Phạm Quỳ được giao nhiệm vụ đi rải truyền đơn và canh gác cho các đồng chí hội họp bàn công việc, là người nhanh nhẹn nên việc gì các đồng chí giao ông đều hoàn thành. Khi cán bộ ăn nghỉ tại nhà vợ và các con ông đã phục vụ chu đáo. Ấm Tích, Cơi đựng Trầu Cau là vật dụng của gia đình dùng phục vụ các đồng chí( năm 1930-1931).
Đầu năm 1931, phong trào cách mạng ở tổng Vân Tụ phát triển mạnh. Dưới sự chỉ đạo của các Chi bộ Đảng, các Ban chấp hành Xã bộ, Thôn bộ, Nông hội đỏ đứng ra làm chủ xóm làng, quản lý điều hành những công việc cụ thể hàng ngày. Chi bộ đảng cử đồng chí Nguyễn Liêm( đảng viên) ra làm lý trưởng. Họ tổ chức lấy lúa nhà giàu cứu đói cho dân. Kết quả từ các làng Trụ Pháp, Phong Niên, Lạc Thiện đã thu được 59 mẫu ruộng do bọn hào lý chiếm dụng chia cho dân cày. Hai tổng Vân Tụ và Qùy Trạch đã tổ chức được 22 lớp học chữ Quốc Ngữ...
Giữa tháng 6/1931, địch tăng cường khủng bố, đàn áp, bắt bớ cán bộ, quần chúng cách mạng. Ông Phạm Công Quỳ bị địch bắt ngày 3/9/1931, bị kết án 1 năm 6 tháng tù giam, 1 năm quản thúc( bán án số 172 ngày 18/11/1931 của tòa án Nghệ An).
Năm 1933, ông được thả tự do, về quê tiếp tục hoạt động, tham gia phong trào khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8 năm 1945. Ông mất năm 2007 vì tuổi già sức yếu. Ấm Tích và Cơi đựng Trầu Cau được gia đình ông lưu giữ và sử dụng cho đến ngày nay. Gia đình giao lại cho Bảo Tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.