Hiện vật của gia đình đồng chí Trần Quốc Phiên ở xã Minh Sơn, huyện Đô Lương, Nghệ An

Đồng chí Trần Quốc Phiên sinh năm 1901 ở làng Mỹ Ngọc, xã Phượng Nghi, tổng Thuần Trung, Phủ Anh Sơn (nay xóm 4, xã Minh Sơn, huyện Đô Lương), Nghệ An. Từ thủa thiếu niên, đồng chí thường được nghe các cụ đồ nho trong làng ngồi nói chuyện về thời thế và kể chuyện các nhà yêu nước như cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng…rồi được đọc sách báo tiến bộ, từ đó đồng chí Trần Quốc Phiên sớm có ý thức cách mạng.

Năm 1929, hai tổ chức Tân Việt và Hội Thanh niên song song tồn tại và phát triển, hoạt động khá sôi nổi ở xã Phượng Nghi ( gồm làng Ngọc Mỹ, Lễ Nghĩa, Trung Hậu, Thượng Cát). Nhiều đồng chí hội viên được cử đi các làng xã để tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia cách mạng, đồng chí Nguyễn Đình Mậy là hội viên của tổ chức Thanh niên ( người làng Mỹ Ngọc) được cử về làng Mỹ Ngọc bắt mối liên lạc, phát triển thêm hội viên cho tổ chức .

Thực hiện chủ trương của Phủ ủy Anh Sơn, chọn ngày 1/6/1930 làm ngày tổng biểu tình đòi giảm sưu, hoãn thuế và ủng hộ cuộc đấu tranh ngày 1/5/1930 của công nông Vinh- Bến Thủy. Từ đêm 30/5/1930, công tác chuẩn bị ở làng Mỹ Ngọc được tiến hành khẩn trương, đồng chí Trần Quốc Phiên được đồng chí Nguyễn Đình Mậy tin tưởng, vận động và giao nhiệm vụ đi rải truyền đơn khắp các ngả đường thôn xóm. Ngày 1/6/1930, từ sáng sớm, đoàn người làng Mỹ Ngọc cùng với các làng Trung Hậu, Lễ Nghĩa, Thượng Cát và nhân dân 2 tổng Thuần Trung và Bạch Hà tập trung ở Truông Cồn Đọi ( nay là xã Đà Sơn) biểu tình. Hoảng sợ trước sức mạnh của quần chúng, tên tri phủ Hà Xuân Hải phải chấp nhận các yêu sách của đoàn biểu tình.

Tháng 8/1930, đồng chí Nguyễn Sỹ Doãn ở Đa Văn( Xuân Sơn) về Mỹ Ngọc bắt liên lạc cùng với các đồng chí Nguyễn Đức Báo, Nguyễn Đức Quyên, Nguyễn Đình Vạc để thành lập chi bộ Mỹ Ngọc, do đồng chí Nguyễn Đình Mậy làm Bí thư. Trong thời gian hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Quốc Phiên luôn thể hiện là một thanh niên ưu tú, trung thành, dũng cảm, có tinh thần hăng hái nên được Chi bộ Mỹ Ngọc kết nạp vào Đảng, cùng sinh hoạt với các đồng chí: Nguyễn Đức San, Bùi Văn Yêm, Trần Quốc Châu, Nguyễn Công Diệu, Trần Quốc Phô, Phạm Văn Ngũ, Đào Công Vạn ...

Song song với việc củng cố tổ chức Đảng, Chi bộ Mỹ Ngọc chủ trương xây dựng các tổ chức quần chúng như Nông hội đỏ, Tự vệ đỏ. Chi bộ một mặt liên hệ chặt chẽ với cấp trên để tiếp thu chủ trương phương pháp đấu tranh cách mạng, mặt khác bố trí đảng viên tham gia lãnh đạo các tổ chức quần chúng. Đồng chí Trần Quốc Phiên, Nguyễn Đình Kiến, Nguyễn Đức Nhạn... được phân công vào đội Tự vệ đỏ, vừa luyện tập vừa làm công việc bảo vệ cơ sở hoạt động của Đảng.

Trong thời gian này, các đồng chí Trần Du, Phan Thái Ất là cán bộ Phủ ủy Anh Sơn, đồng chí Nguyễn Đình Mậy, Trần Quốc Châu, Phạm Văn Ngũ, Đào Công Vạn ...là cán bộ đảng trong Chi bộ Mỹ Ngọc thường tới hội họp, bàn công việc, ăn nghỉ tại nhà đồng chí Trần Quốc Phiên và luôn được gia đình nuôi dấu, bảo vệ an toàn. Nhất là sau cuộc biểu tình của nhân dân hai tổng Thuần Trung và Bạch Hà, các đồng chí đã họp bàn, vạch ra kế hoạch tổ chức cuộc biểu tình ngày 8/9/1930 theo chủ trương của Phủ ủy Anh Sơn. Gia đình đồng chí Trần Quốc Phiên đã dùng Khay gỗ, đĩa sứ, bát sứ để phục vụ cơm nước cho các đồng chí.

Hưởng ứng nghị quyết của Phủ ủy là ngày 08/9/1930 sẽ tổ chức cuộc biểu tình đấu tranh trên phạm vi toàn phủ để buộc kẻ địch thực hiện các yêu sách mà tri phủ đã chấp nhận ngày 1/6/1030. Đêm ngày 7/9/1930 nhân dân 4 làng Trung Hậu, Lễ Nghĩa, Mỹ Ngọc, Thượng Cát dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Sửu, do đồng chí Nguyễn Thái Xin ở Lễ Nghĩa làm Bí thư ( các tổ chức Đảng ở xã Phượng Nghi lúc bấy giờ được hợp nhất lại với tên gọi bí mật là chi bộ Sửu) và các tổ chức Nông hội đỏ, phụ nữ, tự vệ đỏ sôi nổi làm công tác chuẩn bị. Đồng chí Trần Quốc Phiên được chi bộ giao nhiệm vụ đi rải tài liệu, truyền đơn. Khi lấy tài liệu về chưa kịp đi rải, đồng chí cất dấu trong hũ sành, vật dụng hàng ngày gia đình dùng để đựng lạc, đậu, có lính vào khám xét, đồng chí nhanh chóng đem hũ sành ra sau vườn chôn nên không bị địch phát hiện. Khi thuận lợi, đồng chí lại lấy truyền đơn, tài liệu ra, đi rải khắp các thôn xóm ở Mỹ Ngọc và các làng lân cận, vận động, giác ngộ được nhiều quần chúng nhân dân tập trung tại đình làng để nghe diễn thuyết, tổ chức treo cờ búa liềm...

Mờ sáng ngày 8/9/1930, khoảng 5000 người gồm nhân dân làng Mỹ Ngọc cùng nhân dân các làng các tổng Thuần Trung, Bạch Hà, Đặng Sơn biểu tình kéo về Truông Cồn Đọi để đấu tranh. Thực dân Pháp hoảng sợ gọi máy bay tới ném bom làm nhiều người bị chết và bị thương.

Tuy bị đàn áp nhưng làn sóng đấu tranh của nhân dân vẫn tiếp tục dâng lên mạnh mẽ. Đêm 30/4/1931, nhân dân Trung Hậu, Lễ Nghĩa, Mỹ Ngọc và Thượng Cát cùng với nhân dân các nơi trong tổng chuẩn bị, lực lượng tự vệ đỏ võ trang dao gậy sẵn sàng. Sáng 1/5/1931, nhân dân các làng kéo về tập trung tại Rú Dâu xã Trung Sơn để nghe diễn thuyết và tổ chức lực lượng tiến đánh các đồn giặc ở Mỹ Ngọc, Trung Hậu. Khi đoàn biểu tình tiến đến Vện Da Dù, thì tên đồn Tây Mỹ Ngọc ra lệnh cho lính nổ súng bắn vào đoàn biểu tình làm nhiều người hy sinh.

Trong tình hình phong trào cách mạng lớn mạnh, thực dân Pháp lập các điếm canh để kiểm soát việc đi lại của nhân dân rất nghiêm ngặt, chúng tăng cường khủng bố trắng đối với phong trào cách mạng, đốt phá nhiều nhà dân và lùng bắt cầm tù các cán bộ lãnh đạo. Hầu hết các đồng chí Đảng viên, quần chúng cốt cán của Đảng bị sa vào tay giặc và bị tra tấn rất dã man như đồng chí Nguyễn Thái Xin, Nguyễn Thái Bạt, Nguyễn Thái Thắng, Nguyễn Trọng Dược ...Đồng chí Trần Quốc Phiên bị bắt giam vào tháng 8-1931 tại nhà tù Thanh Tân – Kim Nhan, phủ Anh Sơn. Sau đó đến tháng 1/1934 được trả tự do, đồng chí về quê tiếp tục hoạt động bí mật, chuẩn bị tổng khởi nghĩa và tiếp tục phụ trách tự vệ thôn, tham gia các hoạt động công tác xã hội tại địa phương. Đến năm 1973, đồng chí vì tuổi cao nên đã qua đời.

Những hiện vật Khay gỗ, đĩa sứ, hũ sành, bát sứ là của gia đình đồng chí Trần Quốc Phiên, có liên quan đến truyền thống gia đình và gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí nên gia đình gìn giữ cẩn thận nên khi có cán bộ Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đến sưu tầm, gia đình đồng ý giao lại cho Bảo tàng lưu giữ và bảo quản.

Nguyễn Vân Anh - bảo tàng XVNT