Giới thiệu cuốn "Nhà lao Vinh"

Nhà lao Vinh hình thành vào năm 1804, là nơi chính quyền phong kiến, thực dân đã từng giam giữ nhiều thế hệ chiến sỹ yêu nước và cách mạng. Nơi đây đã diễn ra những cuộc đấu tranh quyết liệt chống chế độ hà khắc trong tù. Các thế hệ tù nhân tại đây, nhất là tù chính trị thời Pháp thuộc đã thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất, một lòng, một dạ trung thành với Dân, với Nước và lý tưởng cách mạng. Họ đã biến cái rỉu thành cái may, biến nhà tù thành trường học cách mạng, tổ chức chi bộ đảng trong tù, cảm hóa thuyết phục tù thường, nhân viên nhà lao, kể cả một số cai đội, gác ngục và tìm mọi cách liên hệ với tổ chức cách mạng bên ngoài.

Nhân dịp kỉ niệm các ngày lễ lớn và chào đón năm Du lịch Nghệ An 2005, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An đã biên soạn cuốn Nhà Lao Vinh. Sách do Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành.

Đọc cuốn “Nhà lao Vinh”, bạn đọc sẽ được lần lượt tìm hiểu về nguồn gốc hình thành, chế độ hà khắc trong tù, khí tiết của những chiến sỹ yêu nước, ảnh hưởng của tù chính trị Nhà lao Vinh đối với phong trào cách mạng trong và ngoài tỉnh. 

Sách được chia làm 3 chương.
- Chương I mở đầu với tựa đề “Nhà lao Vinh qua các thời kỳ lịch sử (1804-1945)” giới thiệu với bạn đọc về quá trình hình thành, vị trí, quy mô của nhà lao Vinh; nhà lao Vinh dưới thời Nguyễn đến thời Pháp thuộc và mối quan hệ giữa nhà lao này với các nhà tù như Côn Đảo, Lao Bảo, ngục Kon Tum, Buôn Ma Thuột…

- Chương II tiếp tục giới thiệu về khí tiết của tù chính trị tại Nhà lao Vinh. Bạn đọc sẽ được tìm hiểu về các thế hệ tù chính trị từ phong trào Văn thân Cần Vương đến Cách mạng Tháng Tám (1945). Nhiều chiến sỹ từng bị giam giữ tại Nhà lao Vinh đã trở thành những tấm gương sáng ngời về tinh thần kiên cường bất khuất, ý chí gang thép, nghị lực phi thường và để lại dấu ấn lịch sử không thể phai mờ như cụ Nguyễn Xuân Ôn (lãnh tụ phong trào Cần Vương), bà Nguyễn Thị Thanh, bà Trần Thị Trâm; đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Lê Hồng Sơn, Lê Viết Thuật, Nguyễn Viết Lục, Lê Viết Thuật, Nguyễn Cảnh Nhượng, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Nịu, Nguyễn Thị Thiu...là cán bộ cốt cán của Đảng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Hòng dập tắt phong trào cách mạng đang dâng cao như nước vỡ bờ của quần chúng nhân dân Nghệ Tĩnh năm 1930-1931, bọn đế quốc và phong kiến đã thực hiện nhiều âm mưu và thủ đoạn thâm độc nhưng vẫn không thể khuất phục được các chiến sỹ cách mạng. Vượt qua trăm ngàn khó khăn và nguy hiểm, Chi bộ Đảng nhà lao Vinh đã ra đời và chỉ đạo phong trào đấu tranh tại đây dưói các hình thức khác nhau như tuyệt thực, làm reo…đạt nhiều kết quả. Với tinh thần tiến công cách mạng, tù chính trị trong nhà lao Vinh không để phí thời gian, tranh thủ học tập chính trị, văn hóa, biến nhà lao thành trường học cách mạng, nơi rèn luyện ý chí, lập trường giai cấp. Chính vì vậy, tù chính trị nhà lao Vinh có tầm ảnh hưởng rộng lớn đối với phong trào cách mạng trong và ngoài tỉnh Nghệ An. Nội dung này được giới thiệu trong chương III.

Tù chính trị Nhà lao Vinh không những đã góp phần đẩy mạnh phong trào cách mạng ở Nghệ An, Hà Tĩnh ( phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 và quá trình phục hồi Đảng bộ Nghệ An 1933-1935) mà là hạt nhân, nòng cốt trong các nhà tù vùng Tây Nguyên như Kon Tum, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột, Nha Trang, Trà Khê (Phú Yên)… Đặc biệt, trong thời kỳ Tiền khởi nghĩa, lực lượng cựu chính trị phạm ở Nghệ An, mà đa số từng bị tù tại Nhà lao Vinh đã đóng góp cho thắng lợi của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 ở Thị xã Vinh và các huyện trong toàn tỉnh.

Phần phụ lục cuối sách bao gồm một số hình ảnh, bản vẽ về Nhà lao Vinh, chân dung những chiến sỹ yêu nước và cách mạng tiêu biểu bị giam cầm tại đây và danh sách tù chính trị tại Nhà lao Vinh trước cách mạng Tháng Tám 1945…là những tư liệu quý làm sinh động, phong phú thêm nội dung sách. Với 282 trang, ấn phẩm “Nhà lao Vinh” không chỉ cung cấp cho bạn đọc những thông tin bổ ích về nhà tù đế quốc trên thành phố Vinh - một chúng tích lịch sử, mà qua những trang viết xúc động còn cho chúng ta thêm tự hào và biết ơn sâu sắc các chiến sỹ yêu nước và cách mạng, noi theo tinh thần, ý chí, nghị lực của các bậc tiền bối cách mạng để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, góp phần vào công cuộc đổi mới trên quê hương Xô Viết anh hùng.