Từ 1954 đến 1975 của Đảng bộ Hà Tĩnh là thời kỳ lịch sử oanh liệt và đầy sôi động. Đảng bộ Hà Tĩnh đã cùng với nhân dân giữ gìn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của quê hương Xô Viết anh hùng, kiên cường đứng lên cùng cả nước viết nên những trang sử hào hùng cho tổ quốc. Những thành tích vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh gặt hái được trong suốt chặng đường này đã được Đảng, Nhà nước và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khen ngợi và trao những phần thưởng cao quý. Đó điểm tựa quan trọng để Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh tiến bước vào chặng đường lịch sử mới. Sách do tập thể các giáo sư, phó tiến sĩ và các nhà nghiên cứu lịch sử biên soạn, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành năm 1997.
Bố cục sách gồm 6 chương nối tiếp nội dung cuốn “Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh, tập I (1930-1945), dày 316 trang.
- Chương VI mở đầu giới thiệu về quá trình tiếp tục đấu tranh hoàn thành cải cách ruộng đất, chống địch phá hoại, khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa trong giai đoạn (1954-1957). Chặng đường sau ngày hòa bình lập lại tuy rất ngắn so với chiều dài lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh nhưng là thời kỳ chuyển tiếp cách mạng để lại những dấu ấn không thể nào quên. Đảng bộ đã phải tập trung giải quyết những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp chưa có tiền lệ trong lịch sử. Đó là, vừa tiến hành cải cách ruộng đất, sửa chữa sai lầm, vừa khắc phục hậu quả chiến tranh và thiên tai để chuẩn bị điều kiện bước vào thời kỳ mới. Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh chấp nhận đương đầu và vượt qua tất cả mọi khó khăn, phức tạp để tiến về phía trước với quyết tâm và nghị lực cao. Những thắng lợi trong giai đoạn này đã tạo tiền đề quan trọng để Hà Tĩnh bước vào thời kỳ cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội với những bước đi vững chắc.
- Chương VII giới thiệu quá trình “Thực hiện kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế - văn hóa (1958-1960)”. Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã vượt qua những trở lực, khó khăn, thu được những thành tích to lớn trên mặt trận sản xuất và phát triển văn hóa...Những ưu khuyết điểm trong thời kỳ này là những kinh nghiệm bổ ích để Đảng bộ, chính quyền tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo phong trào Hà Tĩnh trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội 1961-1965.
- Chương VIII giới thiệu với bạn đọc nội dung “Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội”. Trải qua hơn 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng, Đảng bộ Hà Tĩnh đã tiến hành 2 nhiệm vụ cơ bản là cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Những kết quả đạt được trong giai đoạn này rất quan trọng, công sức của Đảng bộ và nhân dân toàn tỉnh đã tạo nên một số cơ sở vật chất cần thiết tạo tiền đề rất cơ bản cho Hà Tĩnh bước vào giai đoạn mới, thực hiện nhiệm vụ: “Tiền tuyến của hậu phương lớn miền Bắc và hậu phương của tiền tuyến lớn miền Nam” trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước.
- Chương IX giới thiệu giai đoạn “Lãnh đạo chuyển mọi hoạt động sang thời chiến, tăng cường tiềm lực, chi viện tiền tuyến, chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của đế quốc Mỹ (1965-1968)”. Trong gian khổ ác liệt của chiến tranh, Đảng bộ Hà Tĩnh đã tỏ ra vững vàng và trưởng thành rõ rệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quân dân vươn lên mạnh mẽ về sản xuất, chiến đấu, lập nhiều chiến công vẻ vang và chi viện tiền tuyến. Hà Tĩnh đã bước đầu xứng đáng với chỉ thị, sự mong mỏi của Trung ương và Bác Hồ, với yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.
- Chương X tiếp tục giới thiệu về quá trình “Lãnh đạo khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, thực hiện nhiệm vụ hậu phương, chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ (11/1968-1/1973)”. Phát huy những thắng lợi của 4 năm chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, trong thời kỳ này Đảng bộ Hà Tĩnh đã lãnh đạo quân dân trong tỉnh lập thêm những thắng lợi mới. Đảng bộ đã lãnh đạo, tổ chức toàn dân khắc phục nhanh chóng hậu quả chiến tranh, đưa nền kinh tế, văn hóa của địa phương đạt được những thành tựu mới quan trọng. Đặc biệt trong cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ hai của địch năm 1972, một lần nữa Hà Tĩnh lại nổi bật trên mặt trận bảo đảm giao thông vận tải, chi viện chiến trường...Những thắng lợi đó đã ghi nhận trên thực tế bước trưởng thành mới của Đảng bộ Hà Tĩnh về các mặt lãnh đạo sản xuất, chiến đấu, bảo đảm giao thông vận tải, huy động sức người, sức của chi viện chiến trường. Đồng thời, cũng chứng tỏ Đảng bộ Hà Tĩnh đã có những tiến bộ trong công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đó là những cơ sở thuận lợi để Đảng bộ lãnh đạo Hà Tĩnh tiếp tục đạt được những kết quả trong thời kỳ mới.
- Chương XI khép lại cuốn sách với tựa đề “Lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, tiếp tục xây dựng về mọi mặt, dốc sức chi viện tiền tuyến giành thắng lợi hoàn toàn (1973-1975)”. Những nỗ lực của Đảng bộ trong lãnh đạo các nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, công tác quân sự địa phương, xây dựng Đảng thời kỳ 1973-1975 đã làm dấy lên phong trào cách mạng của quần chúng, làm cho lực lượng mọi mặt của Hà Tĩnh tiếp tục được tăng cường. Trên cơ sở đó, Đảng bộ tiếp tục lãnh đạo quân dân trong tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển quân, huy động dân công, lương thực, thực phẩm phục vụ tiền tuyến và đưa lực lượng đi tham gia chiến đấu ở các chiến trường...Các đơn vị của Hà Tĩnh trong đội hình của cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1975 đã có mặt khắp các chiến trường, tham gia chiến đấu và chiến thắng trong các chiến dịch Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và chiến dịch lịch sử Hồ Chí Minh, góp phần vào thắng lợi ngày 30-4-1975 của cả nước.
Lịch sử 21 năm kể từ năm 1954 đến 1975 là thời kỳ Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh phấn đấu kiên cường, vượt qua mọi khó khăn thử thách cùng với cả nước lập nên nhiều chiến tích vĩ đại. Truyền thống và những bài học kinh nghiệm lịch sử của Đảng bộ Hà Tĩnh giới thiệu với bạn đọc qua tập sách là tài sản tinh thần vô giá để Đảng bộ và nhân dân tiến bước vào chặng đường lịch sử mới - thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy: “Hà Tĩnh phải làm cho tình hình nổi bật lên”.