Hà Tĩnh là vùng đất có truyền thống lịch sử - văn hóa lâu đời. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, những truyền thống tốt đẹp của mảnh đất này luôn được giữ gìn và phát huy. Với tinh thần hiếu học; cần cù, sáng tạo trong lao động; kiên cường, bất khuất trong chiến đấu; thủy chung trong cuộc sống ...nhân dân Hà Tĩnh đã vượt qua bao gian nan, thử thách, lập nên nhiều chiến công oanh liệt, góp phần làm rạng rỡ pho sử vàng dân tộc Việt Nam.
Từ khi thành lập đến nay, Đảng bộ Hà Tĩnh đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định được vai trò, vị trí của mình. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, nhằm kịp thời tổng kết lịch sử Đảng bộ, nâng cao nhận thức, lòng tự hào về quê hương đất nước và củng cố niềm tin đối với Đảng, tiếp tục phát huy tinh thần và năng lực trí tuệ góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới hiện nay, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh chủ trương biên soạn Lịch sử Đảng bộ tỉnh. Bộ sách gồm nhiều tập, giới thiệu quá trình hoạt động của Đảng bộ Hà Tĩnh từ khi thành lập đến nay.
“Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, tập 1 (1930-1945)” do tập thể các giáo sư, phó tiến sĩ và các nhà nghiên cứu lịch sử biên soạn, Nhà xuất bản chính trị quốc gia ấn hành năm 1993. Cuốn sách gồm 6 chương, 300 trang, trình bày có hệ thống quá trình hoạt động cách mạng của Đảng bộ Hà Tĩnh từ ngày thành lập đến cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược thắng lợi; khẳng định những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã giành được trong những năm tháng đấu tranh cách mạng đầy gian khổ hy sinh nhưng vô cùng anh dũng, đồng thời nêu lên một số bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng bộ Hà Tĩnh.
Chương mở đầu mang tựa đề “Hà Tĩnh – thiên nhiên, con người, truyền thống” giới thiệu với bạn đọc những nét khái quát về địa lý tự nhiên, đặc điểm dân cư, bản sắc văn hóa và truyền thống yêu nước của nhân dân Hà Tĩnh qua các cuộc khởi nghĩa, phong trào đấu tranh từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, trước khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời.
Chương I nối tiếp với nội dung “Đảng bộ Hà Tĩnh ra đời và lãnh đạo cao trào cách mạng 1930-1931”. Sự hoạt động tích cực của đồng chí Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài làm cho Chủ nghĩa Mác-Lênin sớm được truyền bá về Việt Nam. Từ năm 1925, phong trào yêu nước Hà Tĩnh đã có sự chuyển biến theo xu hướng mới. Các tổ chức cách mạng ra đời và hoạt động mạnh mẽ. Tháng 3/1930, ngay sau khi Đảng Cộng Sản Việt Nam ra đời, Đảng bộ lâm thời Hà Tĩnh được thành lập. Từ đây dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, nhân dân Hà Tĩnh đã kề vai sát cánh cùng nhân dân Nghệ An làm nên cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh long trời chuyển đất năm 1930-1931 với nhiều thành quả to lớn về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa...
- Chương II trình bày “Quá trình khôi phục Đảng bộ, khôi phục phong trào cách mạng của quần chúng (1932-1939)”. Sự khủng bố, đàn áp của kẻ thù đối với Xô Viết Nghệ Tĩnh rất khốc liệt nhưng với truyền thống yêu nước và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng ở Hà Tĩnh đã tìm mọi cách để vượt qua thử thách. Vì vậy, chỉ sau một thời gian ngắn Đảng bộ Hà Tĩnh được phục hồi, phong trào cách mạng nhanh chóng được tổ chức lại và phát triển mạnh vào những năm 1937-1938. Thắng lợi đó đã góp phần quan trọng vào cuộc vận động đòi dân chủ do Đảng ta phát động thời kỳ 1936-1939.
- Chương III giới thiệu Đảng bộ Hà Tĩnh lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền (1939-1945). Những trang viết ở chương này sẽ cho bạn đọc thấy được thắng lợi của Cách mạng tháng Tám ở Hà Tĩnh là thắng lợi của ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân; là kết tinh truyền thống yêu nước của nhiều thế hệ, nhưng trực tiếp là kết quả của sự vận động không mệt mỏi, hy sinh xương máu lớn lao của nhân dân suốt 15 năm từ 1930-1945... Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám một lần nữa khẳng định vị trí xứng đáng của nhân dân Hà Tĩnh trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc và là bước tạo đà quan trọng để Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục phát huy trong những chặng đường tiếp theo.
- Chương IV là thời kỳ khôi phục đảng bộ, bảo vệ và củng cố chính quyền, xây dựng chế độ mới, chuẩn bị kháng chiến (9/1945-12/1946). Đồng thời với việc xây dựng và củng cố cơ sở chính trị, kinh tế, xã hội làm nền móng cho chế độ mới, Đảng bộ Hà Tĩnh đã lãnh đạo quân dân đấu tranh chống lại các âm mưu chống phá của kẻ địch, bảo vệ chính quyền cách mạng. Những thành tựu của Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đạt được trong cuộc đấu tranh bảo vệ chính quyền chống thù trong giặc ngoài, chuẩn bị kháng chiến trong 16 tháng đầu của chính quyền nhân dân là rất to lớn. Đó là những thuận lợi để Đảng bộ, quân và dân Hà Tĩnh tiến lên trong thời kỳ mới, thời kỳ cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược; hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở địa phương mình.
- Chương V của cuốn sách có nội dung “Xây dựng và bảo vệ hậu phương, chi viện tiền tuyến, chống thực dân Pháp xâm lược (12/1946-7/1954)”. Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân thực hiện công cuộc bố phòng, chống giặc Pháp đánh chiếm Hà Tĩnh và ra sức tổng động viên sức người, sức của chi viện mặt trận Bình - Trị - Thiên, chiến trường Lào, chiến trường chính Bắc Bộ, mặt trận Trung Lào, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch Đông Xuân 1953-1954. Thời kỳ này tuy không dài nhưng có những đặc điểm độc đáo và có ý nghĩa quan trọng. Đó là thời kỳ Đảng bộ kế tục những thành quả và truyền thống tốt đẹp đã có từ những năm 1930-1945, đồng thời được rèn luyện, thử thách và trung thành vượt bậc về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thể hiện trên mọi lĩnh vực lãnh đạo chiến đấu, sản xuất và chi viện tiền tuyến...
Đọc “Lịch sử Đảng bộ Hà Tĩnh, tập I”, độc giả sẽ thấy được rằng lịch sử một phần tư thế kỷ (1930-1954) của Đảng bộ Hà Tĩnh là lịch sử nối tiếp truyền thống chống ngoại xâm oanh liệt của nhân dân. Chính vì vậy, cuốn sách đã góp phần vào việc giáo dục truyền thống cách mạng cho mọi thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ Hà Tĩnh.