Giới thiệu cuốn: “Xô Viết Nghệ Tĩnh” (Tiểu ban nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh uỷ Nghệ An biên soạn)

Xô Viết Nghệ Tĩnh là một trong những sự kiện lịch sử oanh liệt nhất của các mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Chính vì thế, Xô Viết Nghệ Tĩnh luôn là nguồn đề tài hấp dẫn đối với cán bộ nghiên cứu lý luận chính trị,  sử học,  văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh làm luận án khoa học...

Cuốn “Xô Viết Nghệ Tĩnh” được xuất bản nhân dịp kỉ niệm 70 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh, do Tiểu Ban nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An biên soạn, nhà Xuất bản Nghệ An ấn hành năm 2000. Đây là một trong những ấn phẩm có giá trị về mặt khoa học lịch sử, đáp ứng được nhu cầu tìm hiểu về phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 của nhiều bạn đọc. 

Cuốn sách giới thiệu tiến trình của Xô Viết Nghệ Tĩnh, bố cục gồm 3 chương:
- Chương I với tựa đề “Xã hội Việt Nam trong thập kỷ 20 của thế kỷ XX”. Bắt đầu từ bối cảnh chung toàn quốc đến những đặc điểm kinh tế - xã hội của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Cuối cùng là phong trào yêu nước và cách mạng ở Nghệ Tĩnh trước tháng 5/1930 và sự hình thành các tổ chức cộng sản của Nghệ An và Hà Tĩnh. Đây chính là nguyên nhân nổ ra phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và phong trào đạt đến đỉnh cao trong toàn quốc.

- Chương II giới thiệu về diễn biến của cao trào cách mạng 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh là giai đoạn từ 1/5/1930 đến 30/8/1930, với các cuộc biểu tình, bãi công, đấu tranh đòi quyền lợi kinh tế hàng ngày. 

Giai đoạn thứ hai khi phong trào phát triển lên đỉnh cao, chính quyền Xô Viết ra đời. Phần cuối là hoạt động của Xã bộ nông – chính quyền Xô Viết ở các vùng nông thôn với những thành quả về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa – xã hội. Gắn liền với từng giai đoạn lịch sử, từng sự kiện tiêu biểu trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh là những hình ảnh minh họa như: Ngã ba Bến Thủy (nơi gặp nhau của 2 đoàn biểu tình giữa công nhân Bến Thủy và công nhân các xã lân cận trong ngày 1/5/1930), Thái Lão - Hưng Nguyên ngày 12/9, tranh Xô Viết Nghệ Tĩnh của Nguyễn Đức Nùng, một số báo chí của Đảng, biểu đồ diễn biến các cuộc đấu tranh của nhân dân Nghệ Tĩnh và nhân dân toàn quốc năm 1930-1931, bưu thiếp do Cứu tế đỏ phát hành ở Pháp năm 1931 để phản đối thực dân đàn áp các chiến sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh... Đây chính là những minh chứng sinh động về phong trào sôi nổi của nhân dân Nghệ Tĩnh dưới sự lãnh đạo của Đảng năm 1930-1931.

- Chương III giới thiệu về cuộc đấu tranh quyết liệt chống khủng bố trắng, những âm mưu thủ đoạn xảo quyệt của địch và giai đoạn thoái trào của Xô Viết Nghệ Tĩnh. Bạn đọc sẽ được tìm hiểu về những năm tháng đấu tranh đầy gian nan, thử thách nhưng vô cùng anh dũng của nhân dân để duy trì phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh qua những trang viết sinh động, hấp dẫn với nguồn tư liệu phong phú do Ban biên tập cung cấp.

Phần tổng luận: là ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm của Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Ngoài ra, phần phục lục còn giới thiệu với bạn đọc một số tư liệu quý của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương, Xứ ủy Trung Kỳ, thơ văn Xô Viết Nghệ Tĩnh, đó là: những bức thư của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc gửi Quốc tế Nông dân ngày 5/11/1930, bài “Nghệ Tĩnh Đỏ” ngày 19/2/1931, thư gửi Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Đông Dương ngày 20/4/1931, “Bài ca cách mạng” của Đặng Chánh Kỷ, “Ngày 1/9/1930 ở Thanh Chương” của Nguyễn Trọng Đông, “Ngày 12/9/1930 ở Hưng Nguyên” của Trần Lê Hưng, “Kể chuyện đấu tranh ở Nam Đàn” của ông đồ Thới, Văn điếu các chiến sỹ hy sinh trong những năm 1930-1931 của các chiến sỹ đang hoạt động ở Xiêm...là nguồn sử liệu chân thực giúp bạn đọc tìm hiểu sâu hơn về Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Với 255 trang, cuốn “Xô Viết Nghệ Tĩnh” của Tiểu ban nghiên cứu lịch sử Đảng Tỉnh ủy Nghệ An biên soạn sẽ giúp bạn đọc nắm được những vấn đề cơ bản nhất về Xô Viết Nghệ Tĩnh – mốc son chói lọi trong trang sử vàng của dân tộc Việt Nam.