Nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Chi bộ Đảng Môn Sơn, Con Cuông (4/1931-4/2006). Được sự đồng ý của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An, Sở Văn hóa Thông tin, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh kết hợp với huyện Con Cuông tổ chức tọa đàm khoa học để khẳng định vai trò của cơ sở Đảng miền núi và cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc ở Môn Sơn, Con Cuông, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho nhân dân ta, trước hết là thế hệ trẻ trong sự nghiệp đổi mới hiện nay. Được sự cho phép của Sở Văn hóa Thông tin, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh xuất bản sách: “ Nhân dân các dân tộc Môn sơn, Con Cuông trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1931”. Cuốn kỷ yếu ra đời giúp bạn đọc hiểu thêm về mảnh đất và con người Con Cuông nói chung và đồng bào các dân tộc Môn Sơn nói riêng, đặc biệt là trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Ngoài lời Đề dẫn của đồng chí Cao Đăng Vĩnh (Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao - Du Lịch Nghệ An) và Tổng kết tọa đàm của đồng chí Vi Văn Giáp (Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch HĐND Huyện Con Cuông) còn tập hợp 13 tham luận của các nhà nghiên cứu Trung ương và địa phương. Mỗi báo cáo nghiên cứu một vấn đề khác nhau nhưng đều khẳng định những đóng góp quan trọng của nhân dân các dân tộc ở Môn Sơn trong cao trào cách mạng 1930-1931.
Mở đầu là tham luận “Nhất lãm về Con Cuông” của PGS Ninh Viết Giao sẽ giúp độc giả có cái nhìn khái quát về vị trí địa lý, lịch sử hình thành, cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên, cư dân và dấu vết lịch sử của mảnh đất Con Cuông. Trong nhiều bài viết, bạn đọc còn được tìm hiểu sâu hơn về: những đóng góp của nhân dân các dân tộc Con Cuông – Môn Sơn trong cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc; sự ra đời của Chi bộ Đảng Môn Sơn; diễn biến, vị trí, ý nghĩa cuộc đấu tranh của nhân dân nơi đây trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh...
Ngoài ra, tập Kỉ yếu còn cung cấp cho chúng ta thêm nhiều tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp của các chiến sỹ cách mạng và tự vệ đỏ tiêu biểu ở Môn Sơn như: Vi Văn Khang, Vi Văn Quý, Vi Văn Lâm, Vi Văn Hanh, Vi Văn Noọng, Hà Văn Thị, Hà Văn Hoa...; di tích nhà cụ Vi Văn Khang – nơi thành lập Chi bộ Đảng và sự quan tâm của Đảng, Bác Hồ đối với đồng bào các dân tộc Con Cuông. Những tư liệu, hiện vật liên quan đến cao trào cách mạng 1930-1931 được lưu giữ tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh cũng như những hoạt động của Bảo tàng phục vụ sự nghiệp đổi mới được trình bày trong nhiều tham luận...
Phát huy truyền thống cách mạng trong sự nghiệp đổi mới, nhân dân Con Cuông đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào trên nhiều lĩnh vực, những kết quả đó được trình bày trong bài viết của đồng chí Vi Văn Kim (Ủy viên Ban thường vụ - Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Con Cuông)...
Với 158 trang cùng nhiều hình ảnh minh họa, Kỉ yếu Tọa đàm khoa học kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng Môn Sơn đã thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc, góp phần làm phong phú thêm nguồn tư liệu về phong trào đấu tranh của đồng bào các dân tộc ở miền Tây xứ Nghệ trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.