Xóm Chùa còn có tên gọi khác là xóm Rú Đất hay xóm Chiến Thắng thuộc xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Tên gọi di tích mang ý nghĩa địa danh.
Trước năm 1945, di tích thuộc xã Bát Trạc, tổng Nga Khê. Năm 1949, Bát Trạc nhập với xã Đông Lâm thành xã Hồng Phong. Năm 1953, xã Hồng Phong tách thành các xã: Yên lộc, Nhân Lộc, Khánh Lộc và Vĩnh Lộc; di tích Xóm Chùa thuộc xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc. Hiện nay di tích thuộc xóm Chiến Thắng, xã Vĩnh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
Từ trung tâm thành phố Hà Tĩnh, du khách có thể đi bằng ô tô, xe máy, xe đạp theo Quốc lộ 1A về phía Bắc đến thị trấn Nghèn (Can Lộc) rẽ trái theo đường tỉnh lộ 12 đi Ngã Ba Đồng Lộc, đến ngã ba Chợ Đình rẽ phải về Chợ Nhe, đi tiếp 2km theo đường liên hương Vịnh - Thượng là đến di tích.
Ngay từ những ngày mới lập làng, cư dân Xóm Chùa đã có tinh thần đoàn kết cộng đồng tạo nên sức mạnh để chống trả thiên nhiên khắc nghiệt. Bằng sức lao động, người dân đã đào đắp những con đập như: đập Đá, đập Cửa Ông, đập Đình để ngăn dòng nước lũ từ đại ngàn đổ về; chung sức với nhau bắc nhiều cầu như: cầu Nậy, cầu Nhe, cầu Đồng Tai, mở mang ruộng đồng…tạo nên làng xóm ngày càng đông đúc.
Trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Minh, nhân dân Xóm Chùa đã gửi nhiều trai tráng của làng lên gia nhập nghĩa quân Nguyễn Tuấn Thiện ở vùng Đỗ Gia, Hương Sơn (căn cứ của nghĩa quân Lam Sơn). Đến cuộc hành quân thần tốc ra Bắc dẹp quân Thanh của Quang Trung- Nguyễn Huệ, Xóm Chùa đã đóng góp lương thực, thực phẩm, bắc cầu, làm đường… cho nghĩa quân.
Khi Cụ Phan Đình Phùng dấy cờ khởi nghĩa chống Pháp, lấy núi Vũ Quang làm căn cứ địa, Xóm Chùa trở thành cửa ngõ tiền tiêu. Hiện nay, trên vùng đất của Xóm Chùa còn giữ lại nhiều dấu tích kho quân lương, nơi rèn đúc vũ khí, đồn biên trẫn giữ của nghĩa quân. Ở Vĩnh Lộc có ông Đề Trạch là một tướng giỏi của cụ Phan đã hai lần kéo quân vào hạ thành Hà Tĩnh giải vây các tù binh, đến nay tên tuổi vẫn được nhân dân ca ngợi.
Trong phong trào yêu nước chống Pháp, các nhà nho của Xóm Chùa như: Nguyễn Hinh, Đặng Viện vừa làm thầy giáo, làm thợ xây ở Khánh Lộc, Vượng Lộc và Thượng Lộc kết hợp đi tuyên truyền, giác ngộ tinh thần yêu nước cho thanh niên, tìm cách liên lạc với bên ngoài để thành lập tổ chức yêu nước.
Tổ chức Tân Việt ở Xóm Chùa tuy ra đời muộn nhưng đã phối hợp với thanh niên tiến bộ trong xã thành lập nhóm “những người cách mạng”, tổ chức ra bộ phận “Hương quán” buôn bán thuốc Bắc và hàng tạp hóa ở chợ Nhe (phố Cố Chung Đỉnh) để làm nơi giao lưu với các nhà yêu nước bên ngoài và vận động nhân dân bài trừ mê tín dị đoan, lập phường hội giúp đỡ nhau sản xuất, kiện hào lý nhũng lạm công quĩ, đòi chia lại ruộng công điền, đánh lính đoan về làng bắt rượu, bắt muối ở Vĩnh Lộc. Từ tổ chức “Hương quán” đã tuyển chọn các thanh niên yêu nước giử sang học tập tại Trại Cày của Đặng Thúc Hứa ở Thái Lan. Khi các tổ chức yêu nước Xóm Chùa bắt gặp lý tưởng cộng sản, họ đã nhanh chóng chuyển sang hoạt động cách mạng và gia nhập tổ chức Đảng.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Huyện, một số Chi bộ ở Nga Khê đã vận động nông dân các làng trong tổng trì hoãn nộp thuế thân, thuế điền thổ. Tháng 10/1930, thực hiện chủ trương của Huyện ủy Can Lộc, các đồng chí Nguyễn Hàng (bí danh là Kim Lân) quê ở Thụ Lộc và đồng chí Trần Cừ (bí danh là Tứ Xuyên) quê ở Kim Lộc về Xóm Chùa để bắt liên lạc với một số thanh niên cách mạng như: Đặng Kham, Đặng Viện, Nguyễn Hinh, Phan Tân để thành lập Chi bộ Đảng. Thời gian này phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh đang phát triển mạnh ở Hà Tĩnh. Ngày 11/12/1930 cùng với hàng ngàn quần chúng trong huyện, nông dân Xóm Chùa đã tập trung ở Chợ Nhe kéo xuống huyện đường Can Lộc biểu tình, thị uy nhân kỷ niệm ngày Quảng Châu Công Xã.
Tối ngày 15/12/1930, tại nhà ông Đương Rạng đã tổ chức cuộc họp thành lập Chi bộ Cộng sản Xóm Chùa. Sáu quần chúng tiêu biểu là Đặng Kham, Đặng Viện, Phan Sử, Phan Thanh, Phạm Tồn và La Thị Đôi được kết nạp vào Đảng. Chi bộ Đảng Xóm Chùa mang tên Tam Xuyên do đồng chí Đặng Kham làm Bí thư.
Vừa ra đời, Chi bộ đã bắt tay ngay vào lãnh đạo quần chúng nhân dân hòa chung với phong trào của xã, của huyện. Nhiều cuộc mít tinh, biểu tình, thị uy, liên tiếp nổ. Trên đà thắng lợi, quần chúng trấn áp bọn phản động và nhanh chóng thành lập chính quyền Xô Viết vào cuối tháng 12/1930. Thôn bộ Nông tiến hành cải cách thôn xóm, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, dạy chữ Quốc ngữ mở rộng đường làng, đắp đập lấy nước, thành lập các tổ chức đoàn thể: phụ nữ, thanh niên, đồng tử quân và tự vệ đỏ. Ngôi Chùa trở thành trụ sở làm việc của chính quyền Xô Viết, nơi học chữ quốc ngữ, chia thóc gạo cho nhân dân và sân chùa là nơi luyện tập của tự vệ đỏ.
Về sau Xóm Chùa được Tỉnh ủy Hà Tĩnh chọn đặt trụ sở in ấn và hội họp. Để bảo vệ cơ quan Đảng, nhân dân Xóm Chùa đã sắm sửa thêm giáo mác, gậy gộc,tăng cường tuàn tra, canh gác. Nhờ sự bảo vệ của quần chúng, nhiều lần kẻ địch đến bao vây, cơ quan ấn loát của Tỉnh vẫn tồn tại và hoạt động trên địa bàn Xóm Chùa từ tháng 2/1931 đến 1/1932.
Vào xóm chỉ có một con đường độc đạo chạy dọc từ chợ Nhe đến chân núi Trà Sơn, các ngõ xóm đan xen, cây cối trong làng rậm rạp che phủ. Trên đỉnh đồi có cây Đa cổ thụ cao hàng chục mét, trèo lên cây có thể nhìn xa được vài cây số. Cơ quan ấn loát bố trí một vọng gác trên cây. Khi có địch đến người bảo vệ trên cây gõ tín hiệu báo động để bên trong cất dấu tài liệu, dụng cụ in ấn và cán bộ tìm cách trốn ra ngoài. Hàng ngày, ông Nguyễn Hinh trực tiếp canh gác tại cây đa. Ngoài ra còn có đội xích vệ do ông Phạm Đức chỉ huy bảo vệ vòng ngoài, khi có động tìm cách chặn kẻ địch vào làng Các đồng chí đã thiết lập một đường dây giao liên, bảo vệ rất chặt chẽ. Tài liệu của Đảng gửi về phải qua nhà cố Chung Đỉnh ở chợ Nhe, sau đó giao cho ông Phi Nhị chuyển về trụ sở in ấn.
Nhà ông Nguyễn Hinh là nơi hội họp, in ấn tài liệu. Ngôi nhà gỗ có 3 gian 2 hồi. Gian ngoài đặt một chiếc phản gỗ dùng để thăm khám, về sau là nơi nghỉ ngơi cho cán bộ trong tổ ấn loát. Gian giữa dùng đón khách và bốc thuốc. Gian trong là nơi sinh hoạt của gia đình. Trong buồng đặt 2 chum để dấu tài liệu của Đảng. Ở đầu hồi nhà có 2 bồ đựng các tài liệu truyền đơn đã được in ấn xong chuẩn bị chuyển đi. Ngoài ra có 2 bồ lớn đựng các dụng cụ như mực in, giấy nến, lu lô và bàn đá. Các chum, bồ đựng tài liệu truyền đơn đều được ngụy trang bằng thóc, khoai, sắn, ngô phủ lên. Sau nhà ông Hinh có một lùm cây lớn và một lối nhỏ bí mật rẽ sang nhà ông Đặng Kham (Bí thư Chi bộ) rồi thoát ra ngoài đồng.
Các đồng chí cán bộ Tỉnh ủy: Lê Tử Lương- phụ trách bộ phận in ấn, Nguyễn Thị Khương- dịch tài liệu, Bùi Quán- viết chữ trên giấy nến, Phi Nhị- viết chữ và vẽ trên bàn đá li tô, Võ Thị Em (vợ ông Phi Nhị)- mua vật tư in: thạch, giấy in, bàn lu lô, Nguyễn Hinh- cảnh giới và giao nhận tài liệu, Bùi Thị Nhỏ (vợ ông Hinh)- nấu ăn và làm giao liên. Tài liệu in xong được bộ phận giao thông tin cây như bà Bùi Thị Nhỏ, La Thị Đôi, Nguyễn Thị Hoàn gói vào trong bánh tày, bánh trưng, bó rau chuyển xuống các chợ, giao tiếp cho bộ phận giao liên khác chuyển đi các địa phương trong tỉnh.
Giữa năm 1931, thực dân Pháp bắt đầu đánh hơi thấy cơ quan ấn loát đặt tại Xóm Chùa. Chúng đã cử những tên mật thám khét tiếng ngày đêm theo dõi, thành lập thêm các đồn lính ở Khiêm Ích, Tràng Đình, tiến hành lùng sục, vây ráp các chợ không cho truyền đơn, tài liệu của Đảng chuyển ra ngoài. Những lần vây ráp đó đều được nhân dân cảnh giác, phát hiện sớm nên tài liệu, cán bộ không rơi vào tay giặc.
Vào trung tuần tháng 8 Âm lịch, thực dân Pháp nhận được thông tin có một cuộc họp “Thượng cấp” tại Xóm Chùa. Chúng lập kế hoạch bí mật đánh úp để bắt gọn các cán bộ Đảng. Trước đó, chúng đã tụ quân về các đồn ở Nghèn, Khiêm Ích, Tràng Đình. Nhân phiên chợ Rằm tháng 8, chúng tổ chức các tốp lính đóng giả thường dân đi chợ. Trong quanh gánh, thúng mủng có súng ống, vũ khí.
Hôm đó, bà Bùi thị Nhỏ cũng dậy sớm như mọi ngày. Bà cùng các đồng chí trong tổ ấn loát, tổ giao liên, gói tài liệu, truyền đơn vào những mớ chè xanh và gồng gánh xuống chợ. Vào chợ, bà thấy đông đúc hơn mọi khi, đặc biệt là nhiều người đàn ông khác lạ từ đâu đổ về. Giao xong mớ chè cuối cùng, định quay lại hàng thức ăn mua thêm một ít thực phẩm thì có một người lính lệ ở đâu chậy đến và nói nhỏ vào tai: thực dân Pháp đang kéo về bao vây Xóm Chùa. Không kịp mua thức ăn, bà chạy tắt qua những cánh đồng về nhà. Do bọn thực dân Pháp cải trang làm người đi chợ nên trạm gác trên cây đa không phát hiện được từ xa. Nhận tin từ bà, tổ tự vệ mới gõ mõ báo hiệu. Sau đó, bà Nhỏ chạy tắt qua hai khu vườn của hàng xóm về nhà mình. Nhìn thấy trong nhà 2 bồ đựng dụng cụ ấn loát vẫn chưa được sơ tán, tài liệu cũng chưa kịp đem ra vườn chôn. Tại nhà ông Đặng Kham có cuộc họp do đồng chí Nguyễn Châu-Bí thư Tỉnh ủy chủ trì và đồng chí Lê Hồng Cơ - Bí thư Huyện ủy Can Lộc về dự chưa giải tán. Bốn phía làng lúc đó đã bị thực dân Pháp bao vây, ở đầu làng nhiều tốp lính đã vào sâu trong các ngõ. Trước tình hình đó, bà Bùi Thị Nhỏ chạy vào trong bếp dùng mồi lửa châm lên mái nhà mình rồi kêu lớn: “Cháy nhà bà con ơi!”. Nắng tháng 8 ở miền Trung gắt gao bắt lửa bốc chấy ngùn ngụt. Trong tiếng hô lớn và lửa cháy, bà Nhỏ còn gọi vọng sang nhà ông Kham hô “giải tán! Chạy đi”. Ngọn lửa bốc cao, lại có tiếng hô, các đồng chí Tỉnh ủy nhanh chóng cởi hết quần áo ngoài, cầm thêm một số dụng cụ chữa cháy hòa vào giữa dòng người đến cứu hỏa. Nên kẻ địch không tìm thấy gì và cũng không bắt được ai đành phải quay về.
Ba ngày sau, nghe lời mật báo của một số tên mật thám, chúng tiếp tục đến đáng úp và đào bới đống đổ nát tại nhà ông Nguyễn Hinh để tìm tài liệu và dụng cụ ấn loát, nhưng vẫn không thu được gì. Thực dân Pháp đành bắt vợ chồng con cái ông Hinh đem xuống đồn Nghèn đánh đập, giam cầm. Sau nhiều ngày tra tấn, không có chứng cứ, chúng đành phải thả cả gia đình ông về lại Xóm Chùa. Được bà con xóm làng giúp đỡ, ông Hinh đã dựng lại trên nền đất cũ một ngôi nhà tranh một gian hai chái.
Tỉnh ủy vẫn quyết định ở lại nhà ông Nguyễn Hinh để in ấn tài liệu. Các dụng cụ in ấn lại được tổ chức Đảng mua và chuyển về. Ngoài lùm cây xanh giáp giữa gia đình ông Nguyễn Kham và ông Nguyễn Hinh đội xích vệ Đỏ đào thêm một hầm bí mật để chôn cất tài liệu. Chỗ in ấn đặt dưới dàn trầu và nhà bếp. Tài liệu và truyền đơn của Đảng vẫn liên tục được in ấn, cung cấp đầy đủ cho cơ sở. Hai tháng sau, theo một thông tin của bọn mật thám, thực dân Pháp lại tổ chức một cuộc vây ráp lớn vào nơi đặt trụ sở ấn loát. Lần này chúng tiến thẳng đến nhà ông Nguyễn Hinh vào lúc còn mờ sáng. Được tổ bảo vệ cảnh giới báo tin, các đồng chí nam đã cải trang thành những người đi làm đồng, vác cày cuốc, dắt trâu thoát ra bên ngoài. Riêng chị Nguyễn Thị Khương một người nữ sinh da trắng, có mái tóc dài không thể cải trang thành nông dân được. Để bảo vệ người nữ cán bộ, vợ chồng ông Hinh đã bắt đồng chí Khương nằm vào dàn trầu rồi lấy rơm rạ và phân trâu lấp lại. Chúng vào nhà lùng sục khắp nơi không bắt được ai, không tìm thấy tài liệu, lại đành rút quân về.
Sau cuộc vây ráp này, Chi bộ Đảng Tam Xuyên đã phát động quần chúng nhân dân tăng cường công tác bảo vệ và canh giữ cơ quan ấn loát cẩn mật. Mỗi gia đình trong xóm đều làm một chiếc mõ tre khi địch đến gõ tín hiệu báo động. Đội tự vệ kết nạp thêm người, chọn ra những người tiêu biểu dũng cảm và xuất sắc để thành lập một tiểu tổ cảm tử, do đồng chí Phạm Đức Phi chỉ huy và đồng chí Nuôi Lương - con trai ông Nguyễn Hinh làm phó chỉ huy. Vũ khí được trang bị thêm giáo mác và hai khẩu súng trường 1874 thời kỳ Phan Đình Phùng để lại. Tổ cảm tử có nhiệm vụ khi địch đến chặn lại không cho vào làng, cần thiết thì đánh gây thương tích.
Để tìm cách tiêu diệt bằng được cơ quan ấn loát của Đảng, vào trung tuần tháng 12/1931, thực dân Pháp đã ồ ạt kéo những đội quân lớn ở tất cả các đồn xung quanh, có súng ống về vây bắt và triệt phá toàn bộ Xóm Chùa. Nhà cửa của nhân dân bị đốt cháy, cây cối trong làng bị chặt hạ. Một số đảng viên, quần chúng tích cực bị bắt đi giam vào nhà lao Hà Tĩnh, Vinh và đi đày ở Ban Mê Thuật. Cả Xóm Chùa bị khủng bố trong khói lửa, trở thành một làng "trắng". Tuy vậy, nhân dân Xóm Chùa vẫn bí mật làm tốt công tác bảo vệ cán bộ, di dời các phương tiện dụng cụ in ấn về một địa điểm mới trong chân núi Trà Sơn. Cơ quan ấn loát của TỈnh ủy Hà Tĩnh tồn tại cho đến cuối năm 1932. Xóm Chùa được mệnh danh là “Làng Đỏ” và mang tên xóm “Chiến Thắng” từ đó.
Xóm Chùa nằm ở phía Đông Nam của xã Vĩnh Lộc, trên một đồi đất hình tròn mâm xôi có độ cao 38m so với mực nước biển. Ngọn đồi này là hệ cuối cùng của núi Trà Sơn thuộc dãy trường Sơn, 4 mặt đồng ruộng bao quanh.
Di tích cách mạng Xóm Chùa gồm các điểm di tích chính sau:
- Chùa và cây đa Xóm Chùa, nơi đặt vọng gác bảo vệ cơ quan Đảng.
- Nhà ông Nguyễn Hinh, trụ sở ấn loát của Tỉnh ủy Hà Tĩnh.
Chùa được xây dựng khi một số dòng họ mới về lập làng trên khu đồi đất. Từ khi có chùa, dân làng thường gọi xóm Rú Đất là xóm Chùa. Chùa có 2 ngôi nhà gỗ: nhà Tam Bảo là nơi thờ Phật gồm 3 gian, gian giữa thờ tượng Phật Thích Ca, gian bên phải thờ hương linh, gian bên trái giành cho các phật tử làm lễ. Bên phải nhà Tam Bảo là nhà Trù 2 gian để cho các phật tử tụng kinh. Kiến trúc nhà chùa rất đơn giản, tượng pháp đặt trong Tam Bảo do các phật tử cúng biếu. Chùa không có sư trụ trì, chỉ có các phật tử đến hành lễ. Trong những năm đầu ngôi chùa đã thu hút được dân làng địa phương và các phật tử trong cùng về tu hành, an lạc. Đến năm 1908, trong phong trào chống thuế Trung Kỳ do Nguyễn Hằng Chi và Trịnh Khắc Lập khởi xướng đã tiến hành cuộc cải cách về tôn giáo. Một số chùa chiền bị dở bỏ. chùa của Xóm Chùa cũng bị di chuyển mất một phần. Nhà Tam Bảo được nhân dân dựng thêm hai hồi tạo thành nơi hội họp của làng.
Cây đa được trồng từ bao giờ không ai còn nhớ rõ, chỉ biết khi xây chùa trên đỉnh đồi đã có. Thân đa cao trên 20 m. Đứng trên cây có thể nhìn được các làng bên cạnh xã Vĩnh Lộc. Trước năm 1930, chùa và gốc cây đa là nơi nhân dân quanh vùng tổ chức các lễ hội. Khi Tỉnh ủy chuyển cơ quan ấn loát về Xóm Chùa, tổ dân quân đã thiết lập một vọng gác trên chạc ba thân cây, ở đó đặt một chiếc chõng để ngồi quan sát, bên cạnh treo chiếc mõ tre dài 2m làm dụng cụ báo động. Ngoài nhiệm vụ vọng gác bảo vệ, cây đa là điểm tiêu cho cán bộ giao thông liên lạc. Từ trên cây quan sát thấy người lạ đến nếu dùng đúng tín hiệu thì các đồng chí cho người dẫn vào. Trong vụ khủng bố trắng, cây đa bị triệt hạ. Năm 1995, các cụ lão thành cách mạng về thăm trụ sở làm việc đã cho trồng lại cây đa mới trên nền đất năm xưa.
Nhà ông Nguyễn Hinh nằm ở mái Đông sườn đồi, cách sân chùa khoảng 300m. Lúc ông Nguyễn Hinh làm thầy giáo ở Khánh Lộc chỉ có ngôi nhà tre 2 gian. Khi tổ chức Đảng giao nhiệm vụ trở về quê hoạt động với nghề gia truyền bốc thuốc chữa bệnh, ông đã mua ngôi nhà gỗ 3 gian, 1 hồi lợp bằng tranh. Mỗi gian rộng 3m, sâu 4m. Gian hồi rộng 2m, sâu 4m. Đây là ngôi nhà tứ trụ bằng gỗ mít, mỗi vì có 4 cột cao 3,2m và đường kính là 0,25m. Muốn vào nhà ông Hinh phải qua nhiều con hẻm của các gia đình khác, do vậy ngôi nhà được giữ bí mật. Bà Bùi Thị Nhỏ đã đốt ngôi nhà để thủ tiêu tài liệu và ngụy trang cho cán bộ Đảng tránh khỏi sự vây bắt của kẻ địch. Sau 3 tháng ở đồn Nghèn về, xóm làng đã làm cho gia đình ông Nguyễn Hinh ngôi nhà tranh 1 gian 2 hồi. Qua thời gian và chiến tranh, thiên tai khắc nghiệt, ngôi nhà tranh đó không còn. Gần đây, con cháu trong dòng họ cùng nhân dân địa phương đã xây trên nền cũ ngôi nhà 3 gian lợp ngói đất để thờ.
Tiếp nối truyền thống cách mạng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đến cách mạng tháng Tám, rồi kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ sau này, nhân dân Xóm Chùa đã hy sinh, hiến dâng cho Đảng, dân tộc nhiều người con ưu tú. Truyền thống đó được thắp sáng đến ngày nay.
Tại di tích Xóm Chùa còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: long ngai, cọc nến, mâm cổ bồng, bình hoa, lư hương, giá gương, thạp hương, dao cắt thuốc Bắc, mõ tre…
Với những đóng góp cho cách mạng trong phong trào 1930-1931, Xóm Chùa vinh dự được Thủ tướng Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng Bằng “ Có công với Nước”, ngày 1 tháng 1 năm 1967.
Trải qua hơn 80 năm với những biến cố của lịch sử và thời gian, tính nguyện trạng của các di tích còn lại không nhiều. Nhưng cụm di tích Xóm Chùa vẫn còn đó như một chứng tích hùng hồn về tinh thần đấu tranh anh dũng của nhân dân đã cưu mang, đùm bọc sẵn sàng hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ Đảng khỏi sự truy lùng, vây bắt, đàn áp của kẻ thù trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Với tất cả những việc làm, hy sinh của quần chúng nhân dân Xóm Chùa trong thời kỳ cách mạng 1930-1931, Xóm Chùa được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Tỉnh năm 2007.