Hạnh Lâm trước đây đã từng được chọn là nơi căn cứ chống pháp của các sỹ phu yêu nước. Thời Văn Thân Cần Vương đã từng chiêu tập nghĩa quân dựng cờ bình tây trên dọc sông Giăng và xây đồn dựng trại ở đây. Trong phong trào Đông Du, cụ Phan Bội Châu, cụ Đặng Thái Thân cũng lên đây xem địa thế. Về sau vùng này cũng là trung tâm địa bàn hoạt động hàng chục năm của đội Quyên, Đội Phấn....Có thể nói, trên các nẻo đường, khe núi ở vùng này không chỗ nào là không in dấu chân của những người con mưu đồ phục quốc. Nếu Nghệ Tĩnh được coi là đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930 – 1931, Thanh Chương là nơi thành lập chính quyền Xô Viết đầu tiên thì Hạnh Lâm là một trong những nơi mở đầu phong trào Xô viết nghệ Tĩnh với cuộc biểu tình ngày 1 tháng 5 năm 1930.
Đình làng Thượng ở xã Hạnh Lâm, được xây dựng vào năm 1907 là một công trình văn hóa có giá trị nghệ thuật cao, là di tích lịch sử cách mạng gắn liền với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh.
Ngày 27 tháng 4 năm 1930 tại Hạnh Lâm, đồng chí Nguyễn Thế Toại – Bí thư tổng ủy Cát Ngạn đã triệu tập một cuộc hội nghị quan trọng để bàn kế hoạch tổ chức mít tinh ngày 1 tháng 5 năm 1930. Cuộc hội nghị này có 7 đảng viên, thuộc 5 chi bộ tham dự. Với khẩu hiệu:
- Mở đường cho nhân dân vào rừng làm ăn.
- Không được lấn chiếm ruộng đất và ức hiếp nhân dân.
Tối ngày 29/4/1930 đảng viên và hội viên nông hội đỏ đưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đình Sòng – Bí thư chi bộ Hạnh Lâm. Dọc đường liên hương từ Hạnh Lâm đến đồn điền Ký Viện, họ đã treo ba cây cờ lớn trên ba cây cổ thụ to cao, dưới gốc có buộc chéo hai thanh gươm gỗ thờ thần rồi dính vào đó một cái bảng với dòng chữ: “ Từ hào mục chí thứ dân, không ai được hạ cây cờ này”. Việc làm này đã có tác dụng lớn đối với quần chúng nhân dân và bọn hào lý lúc bấy giờ. Lá cờ búa liềm cứ phần phật tung bay trong gió như vẫy gọi mọi người đứng lên đạp đổ áp bức, phá tung xiềng xích nô lệ.
Đêm 30 tháng 4 năm 1930 tiếng mõ rao khắp làng: “ Ai thương nước, thương dân hãy vùng lên tham gia đoàn biểu tình để đòi quyền lợi” hay “ Những ai con lạc cháu hồng sáng mai nghe tiếng trống ngoài đình ra đi biểu tình cho sớm”. Nghe tiếng rao, từ làng trên xóm dưới người người, nhà nhà thức thâu đêm suốt sáng chờ được đi biểu tình. Từ 2 giờ sáng ngày 1 tháng 5 năm 1930 sau hồi trống phát lệnh ở đình làng Thượng Hạnh Lâm, tiếng trống ngũ liên dội vào vách núi, dội xuống mặt sông Giăng, âm thanh của nó càng kích động lòng người.
Sáng ngày 1 tháng 5 năm 1930, 3000 nông dân các làng Hạnh Lâm, La Mạc, Nhuận Trạch, Yên Lạc và Đức Nhuận mang theo giáo, mác, cuốc, xẻng kéo về đình làng Thượng nghe đại diện Huyện ủy nói rõ ý nghĩa ngày Quốc tế Lao động và vạch tội ác của tên địa chủ kiêm tư sản Nguyễn Trường Viện. Sau đó những người tham gia mít tinh được chia làm hai đoàn kéo về đồn điền Ký Viện. Ký Viện hoảng sợ bỏ trốn, nhân dân triệt phá toàn bộ cơ ngơi của hắn. Tại đây, sau tiếng nổ vang trời phát ra từ kho mìn, toàn bộ nhà cửa, chuồng trâu, kho tàng, đồn điền chìm trong biển lửa. Chiều ngày 1 tháng 5 năm 1930 chi bộ Hạnh Lâm họp bàn việc tổ chức mít tinh để tuyên truyền thắng lợi và phổ biến kế hoạch đối phó với sự khủng bố của địch.
Hai giờ chiều ngày 02 tháng 5 năm 1930, khi 500 nhân dân Hạnh Lâm đang tiến hành mít tinh tại Đình làng Thượng thì máy bay của thực dân Pháp từ Vinh lượn lên quan sát tình hình. Sự xuất hiện bất thần của kẻ địch làm cho quần chúng càng thêm cảnh giác và chuẩn bị đối phó.
Sáng ngày 03 tháng 5 năm 1930, Giám binh PơTy, thượng tá Hồng Quang Địch và tri huyện Thanh Chương Phan Thanh Kỷ trực tiếp chỉ huy cuộc đàn áp. Bọn chúng huy động 100 lính khố xanh ở Vinh, ở các đồn điền từ Thanh Quả lên, từ Đô Lương sang, từ Con Cuông xuống đóng chốt tại Đình làng Thượng.
Đình làng Thượng có bốn ngôi nhà tranh, tòa thượng có ba gian, xung quanh xây tường và đóng cửa phía trước. Tòa nhà năm gian để trống và thông với tòa thượng. Hai nhà tả vu và hữu vu mỗi nhà có ba gian. Tất cả bọn quan, lính đều sắp chật ních trong bốn ngôi nhà này. Không đủ chỗ, bọn chúng dẹp đồ thờ về một góc rồi tháo cánh cửa, tháo bàn thờ và trải chiếu, bạt ra nền đình để nằm. Súng trường, súng cối xay dựng ngổn ngang. Đình làng Thượng bỗng nhiên biến thành trại lính.
Bọn chúng cho hào lý mang địa bạ ra bắt dân làng bồi thường cho tên Ký Viện, nhưng hào lý lo sợ trước áp lực của quần chúng nhân dân nên không dám thi hành lệnh của cấp trên. Chúng bèn bắt giam hào lý, chi bộ Đảng ở đây liền tổ chức ngay một cuộc biểu tình đòi thả hào lý, đồng thời nêu các khẩu hiệu đấu tranh: Đòi miễn sưu, hoãn thuế, quân cấp công điền thổ. Bọn cầm quyền hèn nhát, phải thả hào lý nhưng lại trắng trợn bắt giam một số người mà chúng cho là cầm đầu cuộc đấu tranh. Cuộc biểu tình lại tiếp tục, quần chúng bao vây đình làng, giữ bọn Tây đồn lại, đòi thả những người bị bắt, đòi trục xuất Ký Viện ra khỏi địa hạt. Quân địch gian ác đối phó bằng vũ lực, từ trong đám đông đồng chí Nguyễn Uy - đảng viên chi bộ Hạnh Lâm xông thẳng tới trước mặt xé áo, phanh ngực đối chọi với chúng. Suốt 2 ngày đêm hết dụ dỗ đến hăm dọa, bọn chúng cũng không sao phá được vòng vây ngày càng khép chặt của 1500 quần chúng Hạnh Lâm, La Mạc, Nhuận Trạch, Yên Lạ để mở đường rút lui. Ký Viện không dám trở lại, người dân tự thực hiện những yêu sách của mình, nhiều làng xã đã quyên góp tiền bạc, thóc gạo gửi đến trợ giúp những gia đình có người bị nạn. Sáng 4 tháng 5 Giám binh PơTy ra lệnh cho lính bắn xối xả vào quần chúng làm 17 người bị thương và 18 người chết. Trời đang quang đãng bỗng nổi sấm chớp ầm ầm. Một trận mưa dông ập đến, nước mưa và máu chảy lênh láng cả sân đình rồi trôi xuống mấy đám ruộng xung quanh. Bà con lặn lội trong mưa giúp nhau cõng những người chết và chạy chữa cho những người bị thương. Hình ảnh sáng ngời dũng khí chiến đấu của đồng bào, đồng chí trước mặt kẻ thù càng làm rạng danh quê hương đất nước.
Sau cuộc biểu tình ở Thanh Chương, kẻ địch đã phải thú nhận: “ Ở Bến Thủy và Hạnh Lâm cuộc biểu tình chấm dứt bằng đổ máu, điều ấy kích động mạnh mẽ và sâu sắc dư luận của công chúng. Công chúng thức tỉnh và phong trào do đó mà càng rộng hơn và mãnh mẽ hơn”(-Lịch sử Đảng bộ Đảng cộng sản Việt Nam huyện Thanh Chương, NXB Nghệ An năm 1995 trang 15).
Đình làng Thượng là nơi chứng kiến cuộc biểu tình ngày 1 tháng 5 năm 1930 của nhân dân, chứng kiến sự đàn áp đẫm máu của thực dân Pháp đối với nông dân các làng Hạnh Lâm, La Mạc, Đức Nhuận. Họ là những nhân chứng đã đi vào lịch sử, những nhân vật trực tiếp gắn liền với di tích. Tên tuổi của họ được nhân dân luôn luôn ghi nhớ và tô thắm thêm trên mảnh đất quê hương Xô Viết:
“ Máu hồng vẫn tỏa hương chính khí
Ngàn năm bia đá dựng giữa trời”
Như vậy lần đầu tiên trong lịch sử, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Thanh Chương, nông dân đã kề vai sát cánh với giai cấp công nhân và nhân dân cả nước đấu tranh chống ách áp bức bóc lột của đế quốc và tay sai. Hình ảnh xung trận đầu tiên của đảng viên và quần chúng ở Hạnh Lâm, La mạc ... cùng với nhân dân Vinh – Bến Thủy trong ngày 1/5 đã động viên cổ vũ nhân dân Thanh Chương bước vào thời kỳ mới, thời kỳ đỉnh cao của Xô viết Nghệ Tĩnh.
Hàng năm cứ đến ngày lễ lớn của dân tộc, ngày truyền thống cách mạng của quê hương như ngày 1/5, 12/9.., nhân dân trong làng lại tụ hội về Đình làng Thượng vừa để “Ôn cố tri ân” vừa giúp con cháu hiểu hơn lịch sử đấu tranh của ông cha trong những năm 1930 – 1931. Đình làng Thượng không chỉ gắn với những sự kiện lịch sử từ những ngày đầu có Đảng đến các giai đoạn cách mạng sau này mà còn là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa văn nghệ của nhân dân trong vùng. Với giá trị to lớn đó, năm 2007, đình Làng Thượng được công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Tỉnh. Đây thực sự là địa chỉ đỏ có ý nghĩa giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho muôn đời con cháu mai sau./.