Cưa, kìm, đục, khoan -dụng cụ làm việc của công nhân nhà máy Sửa chũa xe lửa Trường Thi

Khoan sắt để khoan đồ mộc, đục voạn , kìm nhổ đinh, cưa cung sắt( cưa cò) là những dụng cụ của công nhân Nguyễn Em Cầm làm việc ở tổ mộc trong nhà máy Trường Thi, từ năm 1928- 1930. Những hiện vật này được cụ Nguyễn Em Cầm- chủ nhân bàn giao cho bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh ngày 6 tháng 6 năm 1985.

Nguyễn Em Cầm sinh năm 1900 trong một gia đình nông dân nghèo ở Đức Bình ( nay là xã Thái Yên ),huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Tháng 6- 1928, Nguyễn Em Cầm cùng ba người bạn là Phan Đăng Mậu, Phan Công Xá, Phan Đăng Tiếp ra Vinh vào nhà máy Sửa chữa xe lửa Trường Thi làm thợ. Vốn có nghề truyền thống của quê hương, ông được xếp vào tổ mộc chuyên làm toa xe, toa tàu.

Hồ sơ hiện vật và chuyện kể của cụ Nguyễn Em Cầm đã vẽ lên bức tranh toàn cảnh về cuộc sống cực khổ của công nhân Nghệ Tĩnh trong công cuộc khai thác thuộc địa lần thứ hai của thực dân Pháp:
Khi kéo dài thêm đường sắt Hà Nội- Vinh tới Đông Hà, năm 1917, thực dân Pháp đã mở thêm ở Vinh- Bến Thuỷ một nhà máy cơ khí Trường Thi để sửa chữa xe lửa. Đây là nhà máy lớn ở Nghệ Tĩnh và cả vùng Trung Kỳ lúc bấy giờ. Trong nhà máy có đủ các phân xưởng: hàn, tiện, rèn, mộc, cơ khí và đóng toa xe. Thời điểm đó, ở Vinh- Bến Thuỷ đã có các nhà máy: Diêm, Điện, Cưa, Cá hộp, Sửa chữa xe lửa, Rượu, Bia. Tuy không nhiều, nhưng các nhà máy này vẫn được coi là “ bộ mặt công nghiệp” của cả Nghệ Tĩnh và Trung Kỳ. Xét cho cùng, những cơ sở công nghiệp này cũng chỉ là công cụ bóc lột của bọn tư bản Pháp đối với nhân dân Nghệ Tĩnh. 

Năm 1928- 1929, số lượng công nhân Vinh- Bến Thuỷ có trên nửa vạn. Họ xuất thân từ ba nguồn : thợ lành nghề từ các nơi đến ; công nhân kỹ thuật các trường bách công, bách nghệ được bổ sung về ; đông đảo nhất là nông dân và dân nghèo thành thị Nghệ Tĩnh, bị mất hết ruộng, phải vào làm thuê trong các nhà máy. Nhà máy xe lửa Trường Thi tập trung đông công nhân nhất, với khoảng 4000 người. Nguyễn Em Cầm cũng như hàng ngàn công nhân Vinh- Bến Thuỷ do đói nghèo phải bán sức lao động cho bọn chủ người Pháp.

Công nhân Vinh- Bến Thuỷ làm việc quần quật từ 12 đến 17 giờ một ngày, nhưng cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc Tiền công cao nhất của công nhân kỹ thuật cũng chỉ có 0đ 25 hào một ngày. Loại công nhân bị coi là phu mỗi ngày chỉ được 0đ 06. Trường Thi và Diêm là hai nhà máy qui củ, đồ sộ nhất, lương của mỗi công nhân cũng không quá 0đ25. Trong lúc đó, một đốc công người Pháp lương mỗi tháng từ 500- 600 đồng. Một viên cai người Hoa hoặc người Ấn lương tháng cũng đến 200 đồng.

Đồng lương thì ít mà các khoản phụ phí phải đóng góp thì nhiều và ngày một tăng. Ở nhà máy Trường Thi, mỗi tháng công nhân phải nộp:
            - 0đ25 tiền nhà
            - 0đ25 tiền vệ sinh
            - 0đ50 tiền y tế
            - 0đ50 dành để sau hưỏng hưu trí
            - 3đ20 tiền sưu nếu không có tên trong sổ đinh ở chính quyền.

Lương ít nhưng không mấy khi họ được nhận đúng hạn. Hết tiền mua gạo, mua muối, công nhân phải vay của chủ. Từ đó, sinh ra những việc “bán lương non”, “ăn gạo chịu”. Chưa kể, hàng năm họ phải bỏ ra không ít tiền để mua lễ lạt tết cai, tết chủ. Công nhân thường xuyên bị bọn chủ đánh đập rách nát quần áo và phải làm việc trong những điều kiện hết sức khổ cực, ốm đau không được chăm sóc, tai nạn không được chạy chữa.

Đời sống vật chất thảm hại như vậy, đời sống tinh thần của công nhân còn đen tối hơn, vì họ bị khinh rẻ về nhân phẩm. Thực dân Pháp còn có âm mưu thâm độc chia rẽ lực lượng công nhân bằng sự phân biệt đối xử, chia ra thợ áo xanh ( công nhân chuyên nghiệp) và thợ áo nâu ( người từ quê ra), gây nên tư tưởng kỳ thị địa phương giữa người Bắc, người Trung.

Bị áp bức bóc lột nặng nề, công nhân Nghệ Tĩnh thấy nhà máy chỉ là nơi đoạ đầy. Mỗi buổi sáng, còi nhà máy Trường Thi rú lên, anh chị em công nhân lại bảo nhau “ Cửa ngục trầm luân đã mở”. Cuộc sống cực khổ và ngột ngạt đó đã làm cho những người công nhân sớm biết liên kết với nhau để hành động. Họ lập ra tổ tương tế ái hữu. Nhiều tổ tương tế ái hữu hợp lại thành Hội tương tế ái hữu trong nhà máy. Năm 1923- 1924, công nhân Vinh- Bến Thuỷ đấu tranh dòi cải thiện đời sống, chống việc cúp lương, đuổi thợ mạnh hẳn lên.

Trong thời gian làm việc ở nhà máy Sửa chữa xe lửa Trường Thi, Nguyễn Em Cầm được anh Thơ, anh Bếp Hoài( người Hưng Dũng) giác ngộ cách mạng. Năm 1928, Nguyễn Em Cầm gia nhập Đảng Tân Việt. Năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng và tham gia tích cực trong cuộc đấu tranh của công nông Vinh- Bến Thuỷ ngày 1/5. Cuối năm 1930, ông về quê tham gia hoạt động tự vệ đỏ và là đội phó. Tháng 7/1931, ông bị bắt giam ở nhà lao Vinh, Hà Tĩnh và đày vào Buôn Ma Thuật, năm 1939 ra tù.

Cưa, kìm, đục, khoan là những kỷ vật gắn liền với cuộc đời công nhân của đồng chí Nguyễn Em Cầm. Ông là hiện thân cho hơn nửa vạn công nhân Vinh- Bến Thuỷ đã “đứng đầu dậy trước” cùng với nhân dân hai tỉnh làm nên Xô Viết Nghệ Tĩnh, đỉnh cao cao trào cách mạng 1930- 1931.