Ngày 15/1/1960, Đảng đoàn Bộ Văn hoá có quyết định số 106 - QĐ/VH về việc thành lập Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Ngày 12/9/1963, nhân dịp kỷ niệm 33 năm Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh chính thức mở cửa đón khách tham quan. Từ đó đến nay, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã không ngừng vận động, phát triển, từng bước hoàn thiện để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân, đồng thời tạo được dấu ấn trong hệ thống bảo tàng Việt Nam. Công tác kiểm kê tài liệu, hiện vật là một trong sáu khâu công tác nghiệp vụ quan trọng của hoạt động Bảo tàng và có mối quan hệ mật thiết với các hoạt động chuyên môn khác của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh thời gian qua.
Thời điểm mới thành lập, Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh còn thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị nghèo nàn, hiện vật được cất giữ trong các Kho tạm, đội ngũ cán bộ chuyên môn còn mỏng, công việc chủ yếu là kiểm kê, phân loại. Năm 2009, kho cơ sở của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh được xây dựng khang trang hơn với diện tích 300 m2, gồm 3 phòng kho hiện vật. Hiện vật được kiểm kê, sắp xếp theo chất liệu cơ bản, địa dư, loại hình: kho hiện vật chất liệu giấy- da-vải- phim ảnh; kho hiện vật chất liệu gốm sứ-kim loại- thủy tinh- đá; kho hiện vật chất liệu gỗ-mây tre. Các hiện vật sắp xếp đảm bảo tính khoa học và tính thẩm mỹ, giúp cán bộ Kho nắm vững số lượng tất hiện vật trong kho cơ sở cũng như số lượng hiện vật của từng chất liệu, từng huyện, từng tỉnh. Mỗi phòng kho được trang bị hệ thống tủ, kệ, máy điều hòa nhiệt độ, máy hút bụi, thiết bị hút ẩm, hệ thống phòng chống trộm, chống cháy,… giúp cho công tác bảo quản hiện vật tốt hơn.
Ngoài ra, tại kho cơ sở của Bảo tàng còn có một phòng thư viện với gần 500 đầu sách phục vụ cho công tác nghiên cứu khoa học. Nhân sự của kho gồm 2 cán bộ chuyên môn chịu trách nhiệm quản lý lưu giữ, bảo quản hơn 15.000 hiện vật, trong đó hơn 3.500 hiện vật gốc, hơn 4.300 phim ảnh có giá trị, gần 6.000 bộ hồ sơ cá nhân bị thực dân, phong kiến bắt và tù đày, 2.000 trang tư liệu tiếng Pháp, tiếng Hán có giá trị được khai thác từ các trung tâm lưu trữ lớn. Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh hiện đang lưu giữ và trưng bày những sưu tập quý, giàu giá trị lịch sử như sưu tập trống, sưu tập triện, sưu tập Bác Hồ ký lời đề tựa, sưu tập báo chí, truyền đơn của Đảng, sưu tập ấn loát, sưu tập vũ khí đấu tranh,…
Công tác kiểm kê hiện vật hiểu theo nghĩa thông thường là quản lý số lượng, chất lượng, tình hình hiện vật có trong Bảo tàng. Năm 2006, Bộ văn hóa Thông tin đã ban hành “Quy chế kiểm kê hiện vật bảo tàng”. Nội dung Quy chế đã nói rõ: “kiểm kê hiện vật là quá trình nghiên cứu, xác lập thủ tục pháp lý, làm sáng tỏ nội dung, ý nghĩa, giá trị và tình trạng bảo quản của hiện vật nhằm phục vụ công tác quản lý, bảo quản, khai thác và sử dụng hiện vật”. Theo quy chế này thì hoạt động kiểm kê hiện vật bảo tàng gồm 5 phần việc được nói đến tại Điều 2 như sau:
1. Tiếp nhận, đăng ký, sắp xếp, theo dõi tình hình xuất nhập và tình trạng bảo quản hiện vật.
2. Lập và quản lý hồ sơ liên quan đến hiện vật.
3. Tổ chức thẩm định bổ sung thông tin hiện vật.
4. Nghiên cứu xây dựng sưu tập
5. Xây dựng hệ thống phiếu tra cứu hiện vật.
Do cơ cấu tổ chức và đặc thù của các hoạt động nghiệp vụcủa Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, thực tế các nhiệm vụ: Bổ sung hoàn thiện hồ sơ pháp lý, hồ sơ khoa học cho từng hiện vật hoặc từng sưu tập hiện vật do cán bộ sưu tầm thực hiện.
Cán bộ phòng kho tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh có nhiệm vụ: Thực hiện đầy đủ nội dung và quy trình kiểm kê hiện vật được quy định tại Quy chế kiểm kê hiện vật bảo tàng (2006); Quản lý, bảo vệ, bảo quản hồ sơ hiện vật trong kho của bảo tàng; Cung cấp thông tin về hiện vật cho lãnh đạo bảo tàng và phụ trách phòng khi có yêu cầu; Lập các lệnh xuất, nhập hiện vật phục vụ cho nghiên cứu, trưng bày; Bảo quản hiện vật; Tham gia xây dựng các sưu tập hiện vật, phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày; Thực hiện công tác lưu trữ của cơ quan; Tổ chức hoạt động Thư viện theo quy định hiện hành; Tham gia vào các hoạt động chuyên môn khác của Bảo tàng,…
Hiện vật sau khi sưu tầm về bảo tàng được xây dựng hồ sơ hiện vật với đầy đủ các thông tin về hiện vật, trình Hội đồng khoa học của Bảo tàng xem xét và thẩm định. Trên cơ sở văn bản thẩm định của Hội đồng khoa học, cán bộ sưu tầm và cán bộ kiểm kê, bảo quản thống nhất nội dung và ký xác nhận trên Biên bản bàn giao hiện vật, trình Giám đốc Bảo tàng ra quyết định nhập kho Bảo tàng với các hồ sơ kèm theo. Quy trình kiểm kê hiện vật tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh hiện nay được tiến hành khoa học theo các bước:
+ Kiểm kê bước đầu.
Hiện vật nhập kho sẽ được phân loại sơ bộ,ghi Số đăng ký hiện vật hoặc Số hiện vật khoa học hỗ trợ vào Sổ Đăng ký hiện vật tạm thời; cuối cùng ghi Sổ đăng ký hiện vật hoặc Sổ hiện vật khoa học hỗ trợ để trở thành hiện vật bảo tàng. Hiện vật sau khi được ghi vào sổ Đăng ký hiện vật sẽ tiếp tục được cán bộ Kho ghi vào các Sổ phân loại hiện vật theo chất liệu.
+ Kiểm kê hệ thống và phân loại khoa học.
Sau khi đăng ký, đánh số, các hiện vật mới sưu tầm được sắp xếp vào các kho bảo quản theo chất liệu tương ứng và được sắp xếp theo địa dư; lập hồ sơ địa hình; lập phiếu kiểm kê khoa học, nhập dữ liệu quản lý thông tin về hiện vật trên máy tính.
Hiện nay, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh thực hiện việc đánh số hiện vật và sử dụng các loại sổ sách, biểu mẫu khoa học được áp dụng theo quy chế kiểm kê cũng như theo mẫu của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã được Bộ văn hóa thông tin phê duyệt như sau:
- Đánh số hiện vật: Theo quy chế về công tác kiểm kê hiện vật bảo tàng thì số hiệu hiện vật là ký hiệu của hiện vật, bao gồm: Tên viết tắt của bảo tàng, số đăng ký hiện vật và số phân loại hiện vật. Tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh hiện vật được đánh số đầy đủ như sau:
BTXVNT 2911/S.552
Số được viết bằng loại mực không bay màu, vị trí đánh số thích hợp đối với mỗi hiện vật, đảm bảo ở chỗ khuất, dễ tìm nhưng không che lấp những nét trang trí, hoa văn, dấu hiệu đặc trưng của hiện vật. Nhìn vào ký hiệu này chúng ta nhận biết đây là hiện vật của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh, số thứ tự trong Sổ đăng ký hiện vật là 2911, chất liệu là Sứ và số thứ tự trong sổ phân loại chất liệu sành sứ là 552.
- Sổ đăng ký hiện vật: Đây là quyển sổ cơ bản nhất của công tác kiểm kê các hiện vật gốc đang được lưu giữ trong các bảo tàng. Chỉ sau khi hiện vật được đăng ký vào cuốn sổ này, hiện vật mới chính thức trở thành tài sản quốc gia và được bảo vệ theo luật định. Thời kỳ đầu mới thành lập Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, do chiến tranh nên kho hiện vật phải đi sơ tán ở nhiều nơi, công tác kiểm kê không có điều kiện làm tập trung nên vì vậy nhiều trường hợp hiện vật bị đánh số sai, phân loại chưa đúng nên gây khó khăn cho cán bộ kiểm kê sau này. Hiện nay, công tác đăng ký hiện vật vào Sổ đăng ký hiện vật được tiến hành đồng bộ và có chất lượng hơn.
-Sổ phân loại hiện vật: Sổ phân loại hiện vật bảo tàng là một văn bản mang tính pháp lý của công tác kiểm kê giai đoạn 2 các hiện vật đang lưu giữ trong bảo tàng. Sổ phân loại tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh được chia làm thành các sổ phân loại theo chất liệu như: Sổ phân loại hiện vật chất liệu gỗ, sổ phân loại hiện vật chất liệu kim loại, sổ phân loại hiện vật chất liệu gốm sứ, sổ phân loại hiện vật chất liệu đá…Cuối mỗi trang của Sổ phân loại hiện vật đều có cộng cuối trang ở cột số lượng và khi sang trang có phần cộng mang sang nên cán bộ kho có thể báo cáo số lượng đơn vị bảo quản hiện vật của từng chất liệu đưa về bảo tàng.
- Sổ đăng ký hiện vật tạm thời: Đây cũng là một văn bản mang tính pháp lý của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trước khi được đăng ký vào Sổ đăng ký hiện vật, Hiện vật được Hội đồng khoa học cơ quan duyệt nhập kho sẽ được phân loại sơ bộ, ghi Số đăng ký, số phân loại, thông tin, nội dung cơ bản của hiện vậtvào Sổ Đăng ký hiện vật tạm thời.
- Phiếu kiểm kê khoa học: Xây dựng phiếu kiểm kê khoa học là một bước không thể thiếu được trong công tác kho bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh. Phiếu kiểm kê khoa học bao gồm những thông tin về nội dung lịch sử, tình trạng, dấu hiệu đặc trưng nhất và hình ảnh của hiện vật. Hiện nay bảo tàng chỉ mới xây dựng được hệ thống phiếu kiểm kê khoa học các hiện vật thể khối. Phiếu kiểm kê khoa học là cơ sở quan trọng để phân loại, đánh giá, xây dựng các sưu tập hiện vật, nhằm giúp công tác kiểm kê, bảo quản và di chuyển hiện vật được khoa học, thuận lợi, phục vụ đắc lực công việc tra cứu, nghiên cứu và trưng bày hiện vật.
Ngoài những loại sổ chính như trên, Bảo tàng còn có hệ thống Sổ theo dõi Xuất – Nhập tài liệu, hiện vật, sổ phân loại khoa học hỗ trợ, sổ đăng ký phim ảnh, phiếu xuất nhập hiện vật.
Năm 2009, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã tiếp nhận và triển khai sử dụng phần mềm “Quản lý thông tin hiện vật tại các bảo tàng và di tích lịch sử văn hóa” củaCục Di sản Văn hóa. Việc ứng dụng phần mềm này trong công tác kiểm kê hiện vật tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã giúp hệ thống hóa được hiện vật, tư liệu, hình ảnh; phản ánh đầy đủ, khoa học các cơ sở dữ liệu về từng hiện vật và theo hệ thống phân loại; đảm bảo thuận lợi trong việc cập nhật, bổ sung cơ sở dữ liệu hiện vật, lập các loại báo cáo (trích xuất Báo cáo theo chất liệu, báo cáo tất cả hiện vật đang lưu giữ…). Mỗi phiếu hiện vật được nhập vào phần mềm ngoài những thông tin cơ bản về hiện vật còn có phần hình ảnh chụp hiện vật.
Thực tế số lượng tài liệu, hiện vật của bảo tàng rất lớn nên trước mắt bảo tàng mới chỉ tập trung tư liệu hoá, số hoá các tài liệu, hiện vật gốc được đăng ký trong Sổ đăng ký hiện vật, kịp thời tổ chức cung cấp thông tin về tài liệu, hiện vật đã được số hoá phục vụ trưng bày và các công tác chuyên môn nghiệp vụ của bảo tàng. Hiện tại khi sử dụng phần mềm quản lý hiện vật, bảo tàng đang còn phải tự trang bị, máy tính sử dụng phần mềm phải lưu trữ toàn bộ ảnh hiện vật và cơ sở dữ liệu, điều này chiếm rất nhiều bộ nhớ, máy chạy chậm, nguy cơ bị mất dữ liệu là rất lớn khi máy bị nhiễm virus hay hư hỏng và đặc biệt không có sự liên kết giữa các máy tính trong kho với nhau. Bảo tàng cần có một kế hoạch dài hạn, kinh phí để tăng cường trang bị phương tiện thích hợp để quản lý: máy tính có tải phần mềm có dung lượng lớn, độ phân giải cao, máy scanner, đồng thời trong tương lai áp dụng công nghệ số hóa 3D hiện vật sẽ phục vụ tốt hơn cho công tác chuyên môn của bảo tàng.
Hoạt động kiểm kê tài liệu, hiện vật tại Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã chứng minh rằng khi công tác kiểm kê được tiến hành khoa học thì sẽ giúp quản lý tốt hơn về số lượng và chất lượng của toàn bộ hiện vật trong bảo tàng để từ đó có kế hoạch chỉ đạo hoạt động của kho cơ sở cũng như các hoạt động chuyên môn khác. Trong những năm qua, Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh đã có nhiều cố gắng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, hoạt động kiểm kê tài liệu, hiện vật đã đi dần vào nề nếp, đã có sự thống nhất trong việc sử dụng các loại sổ sách, phích phiếu dùng trong công tác kiểm kê.
Trong thời gian tới, để thực hiện tốt công tác kiểm kê tài liệu, hiện vật của Bảo tàng, cần đầu tư hơn nữa về kinh phí, trang thiết bị cho công tác kiểm kê, bảo quản hiện vật, xây dựng các sưu tập hiện vật; chú trọng công tác nghiên cứu khoa học, đề xuất định hướng sưu tầm hiện vật đối với những mảng còn trống, từ đó nâng cao chất lượng hiệu quả công tác sưu tầm nhất là khâu ghi chép, lập hồ sơ khoa học cho hiện vật. Hệ thống kho bảo quản còn chật hẹp trong khi khối lượng hiện vật quá lớn làm cho hiện vật thiếu không gian để sắp xếp khoa học, thẩm mỹ, gây khó khăn cho công tác kiểm kê, bảo quản. Vì vậy trong lương lai kho cần được nâng cấp trang thiết bị, mở rộng diện tích để bảo quản hiện vật được tốt hơn, đảm bảo tính khoa học, thẩm mỹ có thể hướng đến hệ thống kho mở trong tương lai. Bên cạnh đó, hằng năm Bảo tàng nên tạo điều kiện để cán bộ kho tham gia các hội nghị hay các đợt tập huấn dành cho cán bộ nghiệp vụ để thường xuyên được cập nhật, trao đổi, bổ sung kinh nghiệm, kĩ năng quản lý kho.
Kiểm kê tài liệu, hiện vật là một trong những hoạt động cơ bản của bảo tàng và hết sức quan trọng, đây là một công việc đòi hỏi người cán bộ thực hiện công tác này phải có trình độ chuyện môn, nghiệp vụ, có lòng say mê, tâm huyết với nghề nghiệp. Trong những năm qua, các cán bộ Kho hiện vật của Bảo tàng đã luôn thực hiện tốt nhiệm vụ mang tính “thầm lặng” này, phục vụ công tác nghiên cứu, trưng bày và giáo dục, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Nguyễn Vân Anh – Bảo tàng XVNT