928
1706
7886
15882
6725483
6913091
Đồng chí Trần Hữu Duyệt sinh ngày 02/10/1906, tại làng Nhượng Bạn thuộc tổng Lạc Xuyên, huyện Kỳ La (nay là xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên), tỉnh Hà Tĩnh. Sinh ra trong một gia đình có cha là Trần Hữu Hoàn, một nhà nho yêu nước, mẹ là bà Tôn Thị Tâm. Xã Nhượng Bạn tương truyền được thành lập vào thế kỷ XVII. Theo truyền ngôn, vào thế kỷ XVII, cư dân sông nước đến đỗ thuyền rồi trú ngụ trên bãi Kỳ La, được người dân sở tại nhường cho rẻo đất mé cửa biển để định cư. Cái tên Nhượng Bạn có ý nghĩa là “Bờ đất được bạn nhượng lại”được hính thành từ đó.
Truyền thống văn hóa, yêu nước của vùng đất Nhượng Bạn đã hun đúc nên cốt cách Trần Hữu Duyệt. Đồng chí đã sớm bộc lộ tư chất của người chiến sĩ cộng sản, nguyện hiến dâng tuổi trẻ và cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì sự ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí gắn liền với phong trào cách mạng của quê hương và các tỉnh Lâm Đồng, Khánh Hoà, Ninh Thuận, góp phần tạo nên những bước ngoặt quan trọng của cách mạng Việt Nam.
Thời niên thiếu, Trần Hữu Duyệt là một người thông minh, ham hiểu biết, đã được gia đình gửi vào Huế theo học tại trường Trung học. Ngay khi còn học Đệ Tam, Trần Hữu Duyệt đã tham gia hoạt động trong các tổ chức cách mạng ở Huế. Năm 1927, Trần Hữu Duyệt chính thức trở thành đảng viên Đảng Tân Việt.
Cuối năm 1928, đồng chí Trần Hữu Chương, Trần Hữu Duyệt, Lê Trọng Mân trong Tân Việt cách mạng Đảng ở Nam Kỳ ra hoạt động tại các tỉnh cực Nam Trung Kỳ và Tây Nguyên. Đến tỉnh Ninh Thuận, các đồng chí nhanh chóng liên lạc với Nguyễn Hữu Hương, Trần Kỷ, Đoàn Quế và nhận thấy việc thành lập chi bộ Tân Việt ở đây đã chín muồi.
Ngày 8/12/1928, tại nhà Đoàn Quế gần chợ Cầu Bảo (nay là phường Bảo An, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) diễn ra một cuộc họp bí mật kết nạp Trần Kỷ, Nguyễn Hữu Hương vào Đảng Tân Việt và thành lập chi bộ gồm 3 đảng viên là Đoàn Quế, Trần Kỷ, Nguyễn Hữu Hương do Trần Kỷ làm Bí thư. Đây là chi bộ Tân Việt đầu tiên không chỉ ở Phan Rang - Tháp Chàm mà cả ở cực Nam Trung Kỳ.
Cùng với sự phát triển tổ chức Đảng Tân Việt ở Ninh Thuận, đồng chí Trần Hữu Duyệt còn tích cực xây dựng các chi bộ Tân Việt ở Khánh Hòa, Bình Thuận,… Để thống nhất chỉ đạo phong trào, lãnh đạo Tân Việt các tỉnh, các đồng chí trong Tân Việt Cách mạng Đảng ở Nam Kỳ chủ trương thành lập cơ quan liên tỉnh gồm các tỉnh: Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk và Lâm Đồng.
Tháng 4/1929, đồng chí Trần Hữu Duyệt triệu tập một cuộc họp tại gò đất dưới đường xe lửa vào ga Tháp Chàm (nay là Đài tưởng niệm Tháp Chàm) để thành lập cơ quan liên tỉnh, có đại biểu của các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng. Hội nghị thống nhất lấy bí danh cơ quan liên tỉnh là “Ngũ Trang” do đồng chí Trần Hữu Duyệt làm Bí thư. Đồng thời, đồng chí Nguyễn Hữu Hương được giao mở một tiệm tạp hóa đặt tên là “Chấn Hưng” tại phố Cầu Bảo (nay là nhà số 30, đường Nguyễn Du, Tháp Chàm) để làm trụ sở của cơ quan liên tỉnh. Tiệm tạp hóa do đồng chí Nguyễn Hữu Hương đóng vai chủ hiệu và đồng chí Trần Hữu Duyệt đóng vai thư ký. Từ ngày tiệm tạp hóa Chấn Hưng ra đời đã tạo cho các đồng chí trong cơ quan “Ngũ Trang” một cái vỏ hợp pháp hoạt động.
Cũng trong năm 1929, đồng chí Trần Hữu Duyệt được giao nhiệm vụ lên Đà Lạt tổ chức thành lập Chi bộ Đảng Tân Việt tại căn nhà số 5A đường Hồ Tùng Mậu – Đà Lạt. Chi bộ có 3 đảng viên do đồng chí Trần Hữu Duyệt làm Bí thư. Chi bộ Tân Việt Đà Lạt trực thuộc Liên tỉnh Ngũ Trang. Ngay sau khi ra đời, chi bộ Đảng Tân Việt Đà Lạt đã tích cực tuyên truyền, vận động, giác ngộ cách mạng và xây dựng cơ sở trong công nhân, công chức, trí thức.
Tháng 6/1929, một cuộc họp gồm các đảng viên cốt cán của Tân Việt họp tại Sài Gòn (số 5 đường Nguyễn Tấn Nghiêm - nay là đường Trần Đình Xu), thảo luận về việc thành lập Khối quốc gia của Tổng bộ Tân Việt. Hội nghị đã quyết định phản đối việc thành lập Khối quốc gia của Tổng bộ Tân Việt, cử đồng chí Trần Hữu Duyệt đại diện cho Nam Kỳ ra Huế dự Hội nghị thường kỳ của Tổng bộ để đề nghị thành lập Đảng Cộng sản.
Tháng 12/1929, sau khi có chủ trương cải tổ Đảng Tân Việt thành Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, Kỳ bộ Nam Kỳ tiếp tục cử đồng chí Trần Hữu Duyệt trực tiếp chỉ đạo phong trào tỉnh Khánh Hòa, kiêm phụ trách các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Đà Lạt, Buôn Ma Thuột chứ không tổ chức liên tỉnh nữa. Đầu tiên, đồng chí Trần Hữu Duyệt gặp đồng chí Nguyễn Khắc Tài rồi liên hệ với các đồng chí khác. Các đồng chí vận động thuê nhà mở hiệu ăn để làm trạm liên lạc giữa các địa phương trong tỉnh và với các tỉnh bạn. Đó là hiệu ăn "Tân Thành" (nay là nhà số 76 đường Phan Bội Châu - Nha Trang).
Ngày 24/12/1929, tại phố Mười Căn (Nha Trang) đã diễn ra một hội nghị quan trọng gồm các đồng chí lãnh đạo của tỉnh và đại biểu các phủ huyện. Tại hội nghị này, đồng chí Trần Hữu Duyệt thay mặt Xứ ủy Nam Kỳ phổ biến chủ trương thành lập Đông Dương Cộng sản Liên đoàn. Hội nghị bàn kế hoạch thanh Đảng và chuyển những cơ sở của Đảng Tân Việt sang Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, củng cố các chi bộ, thành lập Tỉnh ủy lâm thời Đông Dương Cộng sản Liên đoàn gồm các đồng chí Trần Hữu Duyệt (Bí thư), Lê Dung, Đỗ Long, Trần Đình Giáp, Trương Hiệu (tức Thiệt). Từ đây, phong trào cách mạng ở Khánh Hòa ngày càng phát triển. Ở huyện Tân Định, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn phát triển khá mạnh ở các vùng Suối Ré, Điềm Tịnh, Xuân Hòa, Mỹ Hiệp, Phước Đa, Hòn Khói, một số nơi ở Vạn Giã. Ở phía Nam, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn phát triển mạnh ở Nha Trang và trong các huyện Vĩnh Xương, Diên Khánh.
Ngày 24/2/1930, Đảng bộ Đảng Cộng sản tỉnh Khánh Hòa được chính thức thành lập gồm các đồng chí: Trần Hữu Duyệt, Lê Dung, Đỗ Long, Trần Đình Giáp, Trương Hiệu, do đồng chí Trần Hữu Duyệt làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm phụ trách Nha Trang. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Trần Hữu Duyệt, phong trào lại tiếp tục mở rộng, cơ sở đảng được củng cố và phát triển. Một lớp học bồi dưỡng cán bộ được tổ chức tại cây số 12 trạm Bò (Le Bosquet) trên quốc lộ 11 (Phan Rang - Đà Lạt). Lớp học có 15 học viên từ các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Viên cử đến học. Đồng chí Trần Hữu Duyệt phụ trách chung và giảng một số bài. Đồng chí Trương Hiệu (tức Thiệt, người Hòn Khói - Khánh Hòa) được cử trực tiếp phụ trách lớp học, đồng thời là giảng viên chính. Nội dung bài giảng gồm các vấn đề: Lịch sử nhân loại; Cách mạng các nước; Quốc tế Cộng sản; Con đường cách mạng; Sơ lược về chủ nghĩa Cộng sản. Để giữ bí mật cho lớp học, các học viên giả làm cu li khai thác đá, đêm ở trong nhà, ngày ra ngồi học ở hầm đá, tay cầm dụng cụ làm đá. Thời gian tuy ngắn, nhưng kết quả tốt. Phần lớn học viên sau khi về địa phương đã trở thành cán bộ của Đảng, góp phần phát triển sâu rộng hơn nữa phong trào cách mạng ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Giữa năm 1930, ở Nghệ Tĩnh phong trào đấu tranh cách mạng của Nhân dân phát triển mạnh mẽ. Trung ương Đảng chủ trương kêu gọi Nhân dân cả nước biểu tình, bãi công, hưởng ứng phong trào đấu tranh của Nhân dân Nghệ Tĩnh. Thực hiện chỉ thị của Xứ uỷ Nam Kỳ, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Trần Hữu Duyệt, Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hoà chủ trương vận động tổ chức mít tinh biểu tình ở huyện Tân Định (Ninh Hòa ngày nay) để hưởng ứng và ủng hộ phong trào cách mạng của Nhân dân Nghệ Tĩnh.
Đúng 5 giờ sáng ngày 16/7/1930, đông đảo quần chúng các vùng Hòn Khói, Suối Ré, Xuân Hòa, Điềm Tịnh, Mỹ Hiệp, Phước Đa, Quang Đông... đã tập trung tại vùng núi Ổ Gà phía đông làng Cây Chò (Văn Định Thượng). Lúc đến huyện lỵ Tân Định, số người đã trên một nghìn. Đoàn biểu tình hô vang khẩu hiệu theo tiếng trống lệnh: Đả đảo đế quốc Pháp và Nam triều phong kiến; Chống khủng bộ trắng; Ủng hộ phong trào công - nông Nghệ Tĩnh; Chống sưu cao thuế nặng; Ủng hộ Liên bang Xô viết. Đoàn người tiến vào huyện đường, viên Tri huyện Đinh Bá Cẩn sợ hãi tiếp nhận các yêu sách. Một nhóm tự vệ phá cửa nhà lao phóng thích tù chính trị.
Sau cuộc biểu tình, Xứ ủy chủ trương tiếp tục vận động quần chúng đấu tranh, biểu tình, rải truyền đơn chống khủng bố. Để thực hiện chủ trương của Xứ ủy, một cuộc họp ở phố Mười Căn (Nha Trang) của Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hoà gồm các đồng chí Trần Hữu Duyệt, Đỗ Long, Trần Đình Giáp, Trương Hiệu nhằm đánh giá lại toàn bộ tình hình và quyết định: Tiếp tục rải truyền đơn chống khủng bố. Chuẩn bị vận động quần chúng tổ chức biểu tình tại Nha Trang nhân ngày Quốc tế chống chiến tranh đế quốc (1/8) và ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga (7/11).
Cuối năm 1930, thực dân Pháp càng tăng cường lực lượng canh tuần, kiểm soát gắt gao. Ngày 20/10/1930, một liên lạc mật của tỉnh Ninh Thuận mang tài liệu ra Khánh Hòa bị thực dân Pháp bắt trên đường đi. Bị tra tấn dã man, người liên lạc này đã không chịu đựng được những đòn tra tấn nên đã khai và dẫn mật thám Pháp đến bắt đồng chí Trần Hữu Duyệt, Trần Đình Giáp tại Nha Trang. Đồng chí Trần Hữu Duyệt bị kết án tử hình sau giảm xuống còn 15 năm khổ sai đày đi Kon Tum, Lao Bảo. Đó là những tháng ngày Trần Hữu Duyệt chịu vô vàn cực hình tra tấn dã man của địch nhưng đồng chí vẫn một lòng trung kiên với Đảng.
Năm 1936, đồng chí bị đưa về quản thúc tại quê nhà Hà Tĩnh. Trong thời gian này, đồng chí vẫn tiếp tục tìm cách hoạt động cách mạng. Năm 1941, đồng chí tìm mối liên lạc với Xứ ủy Trung Kỳ, chuẩn bị tinh thần, lực lượng cùng toàn dân vùng dậy giành chính quyền về tay Nhân dân khi thời cơ đến.
Đầu năm 1945, nạn đói ở Cẩm Nhượng xảy ra khủng khiếp. Trước thảm cảnh ấy, đồng chí Trần Hữu Duyệt, Trần Hữu Chương, Phạm Thể, Phạm Truyện đã vận động các nhà giàu giúp tiền gạo để cứu tế cho dân nghèo.
Ngày 20/5/1945, được sự giúp đỡ của Xứ ủy Trung Kỳ, Ban Vận động thành lập Mặt trận Việt Minh liên tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh ra đời. Thực hiện chỉ thị của Trung ương, Ban Vận động Việt Minh liên tỉnh họp, quyết định nhiều biện pháp tích cực để khẩn trương chuẩn bị lãnh đạo quần chúng giành chính quyền khi thời cơ đến.
Ngày 8/8/1945, Đại hội đại biểu Việt Minh liên tỉnh Nghệ Tĩnh diễn ra, đề ra những công việc cần làm, đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Việt Minh liên tỉnh do đồng chí Nguyễn Xuân Linh làm Bí thư.
Ở Hà Tĩnh, theo quyết định của Đại hội Việt Minh liên tỉnh được chia làm 2 khu vực: phân khu Bắc Hà Tĩnh (còn gọi là Bắc Hà) gồm các huyện: Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, do Ban Việt Minh liên tỉnh trực tiếp chỉ đạo và phân khu Nam Hà Tĩnh (còn gọi là Nam Hà) gồm: Can Lộc, Thạch Hà, thị xã Hà Tĩnh, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, do Việt Minh Nam Hà lãnh đạo.
Ngày 13/8/1945, hội nghị cán bộ Việt Minh Nam Hà họp tại nhà ông Nguyễn Xuân Bường ở Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên), thảo luận kế hoạch khởi nghĩa. Cuộc họp này có sự tham gia của các đồng chí: Trần Hữu Duyệt, Trần Hữu Chương, Phạm Thể, Nguyễn Huỳnh, Trần Đào, Đặng Trọng phương…
Ngày 15/8/1945, thành lập Ủy ban Khởi nghĩa phân khu Nam Hà gồm các đồng chí: Trần Hữu Duyệt, Lê Lộc, Phạm Thể, do đồng chí Lê Lộc làm Chủ tịch. Đến chiều cùng ngày, lệnh khởi nghĩa của Uỷ ban khởi nghĩa được ban hành.
Sau lệnh khởi nghĩa được ban hành, Ủy ban khởi nghĩa các huyện được thành lập và nhanh chóng thống nhất kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền. Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh phân khu Nam Hà, mà trực tiếp là Uỷ ban khởi nghĩa phân khu Nam Hà, chỉ trong một thời gian ngắn từ ngày 16 - 17/8/1945, chính quyền cách mạng, chính quyền của Nhân dân được thành lập ở Can Lộc, Thạch Hà và Cẩm Xuyên.
Sáng ngày 18/8/1945, hàng ngàn người dân kéo về thị xã Hà Tĩnh, buộc Tỉnh trưởng Hà Văn Đại phải ký giấy trao trả chính quyền cùng toàn bộ sổ sách, ấn tín, súng đạn và tiền bạc. Gần trưa cùng ngày, quần chúng nhân dân giương cao cờ đỏ sao vàng nô nức tiến về sân vận động thị xã Hà Tĩnh, chào mừng sự ra đời của Chính phủ Nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Hà Tĩnh do đồng chí Trần Hữu Duyệt làm Chủ tịch.
Ngày 6/1/1946, cùng với Nhân dân cả nước, hơn 20 vạn cử tri Hà Tĩnh từ nông thôn đến thành thị, không phân biệt gái trai, già trẻ đã nô nức đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội. Kết quả đã bầu ra 7 đại biểu Hà Tĩnh vào Quốc hội khoá I của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, gồm: Tạ Quang Bửu (do Trung ương giới thiệu về), Trần Hữu Duyệt, Trần Bình, Lê Lộc, Hồ Văn Ninh, Nguyễn Trọng Nhã, Nguyễn Đình Lương.
Tiếp đó, ngày 17/2/1946, cuộc bầu cử hội đồng Nhân dân tỉnh và hội đồng Nhân dân xã cũng được tiến hành thắng lợi. Sau cuộc bầu cử, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa I đã họp phiên đầu tiên vào ngày 16/5/1946, bầu ra Uỷ ban hành chính tỉnh gồm 5 uỷ viên, Chủ tịch là đồng chí Trần Hữu Duyệt.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ III được tổ chức từ ngày 20/6 đến ngày 5/7/1950, tại đình làng Sơn Trung, xã Hợp Thành, huyện Nông Cống (nay là làng Sơn Trung, xã Triệu Thành, huyện Triệu Sơn). Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 19 đồng chí, đồng chí Trần Hữu Duyệt (cán bộ Khu ủy IV tăng cường) được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính.
Từ tháng 7/1950 đến 5/1952, đồng chí làm Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa và là Khu ủy viên Liên khu IV đặc trách mặt trận Bình - Trị - Thiên. Sau 1954, đồng chí lần lượt được giao các trọng trách là Trưởng ban Tôn giáo Chính phủ, Phó ban Mặt trận Trung ương, Ủy viên đoàn Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đồng chí là đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa II (1960 - 1964).
Ngày 29/11/1986, đồng chí qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 81 tuổi. Đảng ủy, Uỷ ban Nhân dân xã Cẩm Nhượng tiễn đưa đồng chí về nơi an nghỉ bằng câu đối thật ý nghĩa:
“Yêu nước thủy chung với nước, năm mươi năm chí thép gan vàng, khi khởi nghĩa Nam Hà, khi cướp thành Hà Tĩnh, anh nỡ ra đi, biển Nhượng nhớ thương xanh màu nước.
Vì dân trọn vẹn với dân, tám mốt tuổi lòng son dạ sắt, lúc gieo mầm lục tỉnh, lúc phá ngục Nha Trang, người còn ở lại, Hồ Gươm tiễn biệt thắm sắc cờ”.
Với những cống hiến quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đồng chí Trần Hữu Duyệt được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
Để tưởng nhớ công lao của đồng chí Trần Hữu Duyệt, có nhiều con đường mang tên đồng chí ở thành phố Phan Rang - Tháp Chàm; Thành phố Nha Trang. Đồng chí mãi là tấm gương sáng, niềm tự hào của bao lớp thanh niên và những người cộng sản trên quê hương Hà Tĩnh.
Nguyễn Vân Anh
Phòng STKKBQ - Bảo tàng XVNT
Tài liệu tham khảo:
- Lịch sử Hà Tĩnh tập I,II – NXB CTQG, 1999
- Lịch sử Đảng bộ xã Cẩm Nhượng (1930-1975), 2005
- Lịch sử Đảng bộ Huyện Cẩm Xuyên, tập 1 (1930-1945), 2010
- Lịch sử đảng bộ thành phố Phan Rang – Tháp Chàm từ năm 1930 đến năm 2005. (Ban Thường vụ Thành ủy Phan Rang – Tháp Chàm xuất bản tháng 4/ 2007).
- Lịch sử đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (1930 - 2005).