Tên làng Thái Yên đã tồn tại suốt 517 năm trong lịch sử hơn 700 của xã. Năm 1945 về trước, Thái Yên là một thôn của xã Quang Chiêm, tổng Văn Lâm, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1946 đến năm 1954, Thái Yên thuộc xã Đồng Quang và Đồng Thanh, huyện Đức Thọ. Sau 1954, Thái Yên là một thôn của xã Đức Bình. Năm 1972, địa giới của thôn được mở rộng trở thành cấp xã mang tên Thái Yên cho đến nay.
Trở lại tên Thái Yên là trở về cội nguồn truyền thống của địa phương với nghề mộc mà cha ông đã dày công xây dựng. Tên Thái Yên đã in đậm đấu ấn trong trong lịch sử Đức Thọ, nhất là năm 1931 của Xô Viết Nghệ Tĩnh. Thời đó, ở đây mỗi tấc đất đều thấm đẫm máu đào của các chiến sỹ Tự vệ đỏ. 12 người đã hy sinh trong trận càn ngày 29 tháng 4 năm 1931 để bảo vệ mảnh đất Thái Yên, trong đó có Nguyễn Đăng Khê.
Nguyễn Đăng Khê sinh năm 1897, con ông Nguyễn Đăng Bản và bà Phạm Thị Hòa ở thôn Thái Yên, xã Quang Chiêm, tổng Văn Lâm, phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Tháng 9 năm 1930, làn sóng cách mạng lan đến Thái Yên. Lần đầu tiên, Nguyễn Đăng Khê được tham gia cuộc mít tinh truy điệu các chiến sỹ cộng sản Can Lộc hy sinh ngày 7/9/1930. Lời của người cán bộ diễn thuyết về tội ác của bọn thực dân Pháp và phong kiến Nam Triều đối với đồng bào ta đã gieo vào lòng ông những hạt giống đầu tiên của sự can đảm, kiên cường. Đó là động lực thôi thúc Nguyễn Đăng Khê đến với cách mạng và trở thành một “ Cảm tử quân” của Tự vệ đỏ Thái Yên.
Tháng 2 năm 1931, Chi bộ Đảng và các tổ chức quần chúng ra đời đã phát huy được vai trò của mình trong mọi hoạt động, đưa phong trào cách mạng Thái Yên phát triển.
Buổi đầu mới thành lập, đội Tự vệ Thái Yên có 280 đội viên, biên chế thành một Đại đội, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Hai Đáng. Đội tự vệ được tổ chức rất qui củ: có một đại đội biên chế thành 3 trung đội, mỗi trung đội có các tiểu đội. Đội tự vệ Thái Yên có 2 cán bộ trung đội, 3 cán tiểu đội và một liên lạc là các ông: Nguyễn Đồng Năm Hét, Nguyễn Công Chữ, Nguyễn Viết Thới, Phan Nhỏ Ninh, Nguyễn Đăng Nhuần, Phan Kiểm Chơn. Ngoài ra, Đại đội còn tuyển chọn một đội Cảm tử quân có 70 người, do Nguyễn Em Cầm chỉ huy. Nhiệm vụ của tự vệ là phải thường xuyên luyện tập, canh gác bảo vệ cán bộ Đảng và xóm làng lúc địch đến, kịp thời trấn áp bọn tay sai, giữ gìn an ninh thôn xóm. Vườn Chùa, sân nhà Thánh Thợ là nơi luyện tập của tự vệ. Vũ khí của họ là những vật dụng sẵn có của gia đình như: dao, giáo, mác, câu liêm, gậy gộc... Chiếc câu liêm này cùng với dao, mác được Nguyễn Đăng Khê dùng luyện tập và mang theo trong các cuộc đấu tranh.
Ngày 26/3/193, 500 nhân dân Thái Yên do Trung đội tự vệ đỏ trong tay có vũ khí dẫn đầu diễu hành biểu dương lục lương. Quần chúng dương cao cờ Đảng, xuất phát từ nhà Thánh Thợ kéo sang Tường Văn (Đức Thủy), hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo thực dân! Đả đảo chế độ phong kiến Nam Triều”. Tiếng hô càng to càng vang xa cùng tiếng trống, mõ làm áp đảo tinh thần những tốp lính tuần tiễu trên đường 8.
Noi gương Tự vệ đỏ, Nông hội đỏ, Phụ nữ, Thanh niên tổ chức đấu tranh với nhà giàu tịch thu lúa gạo, ruộng công chia cho dân nghèo; treo cờ búa liềm, khẩu hiệu lớn trên các ngọn cây cao, cổng trường và nhà Thánh Thợ; vận động nhân dân học chữ Quốc ngữ, bài trừ những hủ tục phong kiến, mê tín dị đoan, thực hiện nếp sống mới…
Trước những thắng lợi của phong trào cách mạng Thái Yên, kẻ địch tìm mọi cách để đàn áp.
Sáng ngày 2/4/1931, đồn trưởng đồn Lạc Thiện cho 2 tên Quản Hồ và Bếp Qui về dò la tin tức. Vừa bước chân tới địa giới Thái Yên, chúng liền bị Tiểu đội của ông Nguyễn Viết Thứ vít cổ xuống ruộng.
Ngày 18/4/1931, chúng lại cử Nguyễn Thái cải trang thành khách về mua hàng mộc. Không thể qua nổi mắt của tự vệ, tên Thái bị bắt ngay. Để ngăn chặn mọi hành động chống phá cách mạng của bọn cường hào, Chi bộ Thái Yên đã cho đội Tự vệ tỏa đi các ngả bắt Chánh tổng Mạo, Phó tổng Chỉ và 4 tên lý trưởng đem giam cùng tên Thái ở Đông Khê.
Biết kẻ địch sẽ trả thù, Chi bộ và lãnh đạo các tổ chức đoàn thể họp mở rộng bàn cách đối phó. Nếu bọn địch đánh vào làng, Trung đội Cảm tử quân của Nguyễn Em Cầm chỉ huy mai phục tuyến chính giữa cánh đồng làng Đông Khê sang Thái Yên, 2 tiểu đội mai phục tuyến từ thôn Phúc Lai tới Lũy Quân Đào( chợ Thái Yên ngày nay). Tất cả những người khỏe mạnh phải kết hợp với tự vệ bảo vệ làng, còn ông bà già và trẻ con phải chạy sang vùng lân cận.
Đúng như dự đoán của các đồng chí, ngày 29/4/1931, đồn trưởng đồn Lạc Thiện chỉ huy 27 tên lính hung hăng kéo về Thái Yên khủng bố.
Khi bọn địch đã lọt vào tuyến phục kích. Trung đội trưởng phát tín hiệu, một hàng rào người từ dưới đất bật dậy. Tự vệ và 600 nông dân cầm giáo, mác, gậy, đòn gánh, gạch, đá, xà beng…xông lên. Vì quá bất ngờ, chúng chưa kịp hành động đã bị tự vệ tách ra từng mảng. Ông Đồng Năm Hét, phất cao cờ đỏ, hô vang những tiếng xung phong, cả đội Cảm tử quân xông vào giằng co với kẻ địch. Một tên lính khố đỏ cố gượng dậy, cầm lưỡi lê đâm ông Năm Hét. Ông ngã xuống, trao lại cờ cho anh Phan Nhỏ Ninh. Nhỏ Ninh lại bị trọng thương. Ngọn cờ đã thấm thêm máu được truyền đến tay nhiều chiến sỹ khác. Một viên đạn của tên đồn trưởng xuyên qua ngực Tiểu đội trưởng Nguyễn Viết Thới. Trước lúc hy sinh, ông truyền lại lệnh cho chiến sỹ “ Nợ máu phải trả bằng máu”. Nguyễn Đăng Khê dương cao cờ Đảng cùng các chiến sỹ tự vệ lao vào bọn địch. Suốt gần buổi sáng, chúng không thể vượt qua nổi hàng rào của Cảm tử quân. Tên đồn trưởng ra lệnh cho lính nổ súng làm nhiều người chết và 4 người bị thương nhưng chúng cũng không chiếm được trường Tiểu học và buộc phải rút quân về đồn Lạc Thiện.. Nguyễn Đăng Khê đã anh dũng hy sinh nhưng tay vẫn nắm chặt ngọn cờ. Mọi người lấy lá cờ Đảng phủ lên người anh và tiếp tục tiến lên phía trước.
Ngày 29/4/1931 đã đi vào lịch sử, trở thành biểu tượng đẹp đẽ về sức mạnh quật cường của nhân dân và Tự vệ đỏ Thái Yên trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Tối 30/4/1931, Tổng ủy Văn Lâm tổ chức tại Thái Yên một cuộc mít tinh có hàng ngàn quần chúng tham dự để truy điệu 12 chiến sỹ hy sinh và phát động phong trào đấu tranh mới.
Ghi nhận công lao của liệt sỹ Nguyễn Đăng Khê, ngày 15 tháng 7 năm 1987, Nhà nước đã cấp Bằng “ Tổ quốc Ghi Công”, QĐ số 162- CTKT, do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng ký.
Các con trai của ông Nguyễn Đăng Khê đều đã mất, chỉ còn lại người con gái là Nguyễn Thị Năm sống ở Hương Khê. Việc chăm sóc Liệt sỹ giao cho Nguyễn Đăng Châu là cháu gọi ông Khê bằng bác. Hiện gia đình ông Châu vẫn lưu giữ được chiếc câu liêm là vũ khí của người tự vệ đỏ Nguyễn Đăng Khê.
Tạ Thị Thanh Hà - Bảo tàng XVNT