Ông Phạm Nghiện, sinh năm 1903, tại xã Hương Minh, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Cũng như bao vùng quê khác của tỉnh Hà Tĩnh, huyện Vũ Quang là mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Nhân dân nơi đây luôn mang trong mình tình yêu quê hương đất nước, tinh thần đấu tranh kiên cường chống giặc ngoại xâm. Trong những năm 1928-1929, phong trào cách mạng ở huyện Vũ Quang phát triển mạnh. Tổ chức Tân Việt được hình thành. Các đảng viên Tân Việt đã tích cực tuyên truyền dưới các hình thức tổ chức các lớp học, đọc thơ ca, sách báo tiến bộ.
Tiếp thu những truyền thống quý báu của quê hương, ông Phạm Nghiện đã sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1929, ông tham gia hoạt động trong tổ chức Tân Việt cách mạng Đảng, do ông Lê Minh Ái phụ trách.
Sau khi Đảng bộ Lâm thời tỉnh Hà Tĩnh được thành lập (tháng 3/1930, tháng 4 năm 1930), Tỉnh ủy phái đồng chí Mai Kính, người làng Phù Việt về huyện Hương Khê lựa chọn một số đảng viên Tân Việt kết nạp thành đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam và phân công các đồng chí về các cơ sở tuyên truyền, kết nạp đảng viên mới.Chi bộ Mai Hoa, chi bộ Vân Cù, chi bộ Hương Thụ … lần lượt được thành lập.
Chi bộ Hương Thụ gồm các đồng chí: Phạm Nghiện, Lê Minh Ái, Nguyễn Lê Trạch (phụ trách giao thông), Nguyễn Trọng Đài, Lê Văn Năm, Phạm Sáu, Phạm Thị Ba, Trần Thị Đại…do Phạm Nghiện làm Bí thư. Đồng chí là người tầm thước, tính tình hiền lành, ít nói, nhưng rất kiên quyết trong công việc. Sau khi được bầu làm Bí thư chi bộ, đồng chí đã lãnh đạo và phân công các đồng chí đảng viên chia nhau về các thôn, xóm tổ chức rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm ở chợ và đình làng. Hàng nghìn tờ truyền đơn đã được rải ở khắp các làng, xã của huyện Hương Khê, Hương Sơn, với nội dung đòi lại quyền lợi cho Công - Nông, kêu gọi quần chúng nhân dân đoàn kết đấu tranh đánh đổ đế quốc thực dân, Nam triều phong kiến. Các chi bộ Đảng ở Hương Khê đã biết sử dụng mạnh mẽ hình thức cổ động tuyên truyền nhằm khơi dậy tinh thần đấu tranh của quần chúng. Trong thời gian giữ chức vụ Bí thư chi bộ, gia đình đồng chí Phạm Nghiện là cơ sở liên lạc, nuôi dấu cán bộ đảng. Bình vôi được dùng để đựng vôi ăn trầu, bát yêu, đĩa sứ là đồ dùng sinh hoạt của gia đình ông Phạm Nghiện. Trong những năm 1930-1931, gia đình ông đã dùng những vật dụng đó để dọn cơm, nước phục vụ các đồng chí: Mai Kính, Lê Thanh Liêm, Văn Minh...ăn, ở trong thời gian về hoạt động bí mật ở huyện Hương Khê và Hương Sơn, đặc biệt là trong thời gian tổ chức mít tinh, biểu tình kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1/5/1930, ngày chống chiến tranh đế quốc1/8/1930, ngày Cách Mạng Tháng mười Nga ( 7/11)… Nhân ngày kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga, dưới sự lãnh đạo của huyện ủy Hương Khê, các xã trong huyện phối hợp đấu tranh với quy mô lớn. Lấy các Tổng ủy làm cơ sở, cuộc biểu tình diễn ra ở ga Hòa Duyệt, nhà ga phải dừng các chuyến tàu hỏa Bắc – Nam, số người tham gia lên tới hơn 4000 người.
Phong trào đấu tranh của nhân dân Hương Khê, Hương Sơn phát triển mạnh đã làm cho kẻ địch vô cùng hoảng hốt. Đầu năm 1931, chúng tăng cường thêm 50 tên lính khổ xanh, khổ đỏ về đóng đồn ở Hương Thụ, tiến hành đốt nhà, cướp của, phá hoại tài sản của nhân dân. Trước tình hình đó, Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã cử đồng chí Trần Bồng về kiểm tra, chỉ đạo, đồng thời phát tiền cứu trợ cho những gia đình bị cháy và dự Hội nghị do huyện Hương khê chủ trì tại nhà đồng chí Nguyễn Bằng. Trong lúc đang họp, địch phát hiện rồi cho lính bao vây, đồng chí Trần Bồng bị địch bắn chết ngay tại Cựa Kiếu (Hương minh). Ông Nguyễn Chước, cha đồng chí Nguyễn Bằng bị địch bắt đưa lên đồn Hương Thụ tra tấn. Đồng chí Phạm Nghiện, Đoàn Lương và Nguyễn Lê Trạch bị bắt, kết án tù ở nhà tù Buôn Ma Thuật, một số cán bộ bị bắt giam tại các nhà lao Vinh, Hà Tĩnh.
Năm 1933, đồng chí Phạm Nghiện được ra tù về quê tiếp tục bắt mối liên lạc hoạt động cùng với Nguyễn Phú, Nguyễn Lê Trạch, củng cố lại tổ chức, bàn kế hoạch xây dựng căn cứ địa, tập hợp lực lượng thanh niên để tập luyện quân sự.Tháng 8- 1945, đồng chí tham gia khởi nghĩa giành chính quyền, sau đó hoạt động công tác xã hội tại quê nhà.
Tháng 3-1981, vì tuổi già sức yếu đồng chí đã qua đời.
Ghi nhận những đóng góp cho cách mạng trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh (1930-1931), gia đình đồng chí Phạm Nghiện được Chính Phủ tặng Bằng “Có công với nước”.
Bình vôi, bát, đĩa là những hiện vật dùng để nuôi dấu các cán bộ Đảng về chỉ đạo phong trào đấu tranh cách mạng ở huyện Vũ Quang trong những năm 1930 – 1931 của gia đình đồng chí Phạm Nghiện. Để phát huy giá trị lịch sử của hiện vật, gia đình đã trao lại cho Bảo Tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh lưu giữ, phục vụ cho công tác nghiên cứu, trưng bày.
Võ Thị Hoa – Bảo tàng XVNT