Bát yêu, đĩa sứ

Bát, đĩa của gia đình ông Đinh Văn Ái ở Đông Khê, Đức Thọ, Hà Tĩnh dùng phục vụ, nuôi dấu cán bộ Đảng, năm 1930- 1931.

Họ Đinh Văn là một trong 10 dòng họ lớn đến định cư tại Đông Khê từ thế kỷ 16 và có nhiều đóng góp cho lịch sử quê hương, nhất là thời kỳ cách mạng 1930-1931. Con cháu họ Đinh Văn, người là đảng viên, là cán bộ các tổ chức quần chúng, người làm giao thông liên lạc, nuôi dấu cách mạng… đều tham gia tích cực vào phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, trong đó có đồng chí Đinh Văn Ái.

Đinh Văn Ái sinh năm 1905, con gia đình nông dân ở làng Đông Khê (nay là xã Đức Thuỷ), tổng Văn Lâm, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
Khi còn nhỏ, Đinh Văn Ái thông minh, hiếu động, được cha mẹ cho học chữ Hán. Lớn lên, ông bị cuốn những cuộc đấu tranh của nhân dân phản đối thực dân Pháp kết án tử hình cụ Phan Bội Châu và tổ chức mít tinh truy điệu cụ Phan Chu Trinh. Ông bí mật tìm đọc thơ văn yêu nước, sách báo viết tiến bộ. Chứng kiến cảnh áp bức, bóc lột của bọn đế quốc phong kiến, ông sớm giác ngộ cách mạng đi theo con đường của lớp đàn anh.
Tháng 5/1930, Huyện bộ Lâm thời Đức Thọ thành lập, BCH gồm các đ/c Đặng Bá Văn, Lê Sâm, Lê Mạo, Nguyễn Hiểu, Thái Minh; do đồng chí Đặng Bá Văn làm Bí thư. Sau đó các Tổng bộ: Việt Yên, Văn Lâm, Thịnh Quả, Yên Hồ ra đời. Đinh Văn Ái là thành viên Tổng bộ Văn Lâm, phụ trách Nông hội đỏ. Với các bí danh: Nho Tổng, Tiu Tổng, Tùng, ông cùng Tổng bộ tổ chức in ấn tài liệu, rải truyền đơn, vận động quần chúng, thanh niên có chí hướng vào các tổ chức: nông hội, thanh niên, tự vệ, phụ nữ…

Từ khi có Đảng lãnh đạo, phong trào đấu tranh của nhân dân Đức Thọ có bước chuyển biến lớn. Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, truyền đơn được rải ở nhiều nơi; cờ Đảng được treo ở các làng Đông Thái, Thanh Lạng, Bùi Xá, Yên Vượng, Thị trấn. Chi bộ Lạc Thiện tổ chức cuộc mít tinh tại dăm Cồn Cá với sự tham gia đông đảo của các xã lân cận để nói về ý nghĩa ngày 1/5/, quyền dân tộc, quyền con người, đồng thời kêu gọi quần chúng đấu tranh phản đối thực dân Pháp đàn áp công nông Vinh Bến Thuỷ và nông dân Hạnh Lâm (Thanh Chương).

Ngày 13/5/1930, Chi bộ Đảng ở Đông Khê ra đời. Gia đình Đinh Văn Ái được Chi bộ chọn làm một trong những sơ sở nuôi dấu cán bộ.

Tháng 5- 9/1930, đồng chí Lê Sâm, Lê Mạo nhiều lần về Đông Khê công tác. Ban ngày các đồng chí tổ chức họp bàn kế hoạch, nắm tình hình địa phương, tuyên truyền vận động nhân dân đấu tranh; trưa và tối về ăn, nghỉ ở nhà ông Đinh Văn Ái. Bố, mẹ và các em ông đã phục vụ, canh gác, bảo vệ an toàn cho các đồng chí. Bát, đĩa, đũa, mâm, ấm chén..của gia đình dùng phục vụ cơm, nước cho các đồng chí: Lê Sâm, Lê Mạo, Đinh Linh, Đinh Văn Cần, Phan Thư....

Từ tháng 9/1930 phong trào đấu tranh ở tổng Văn Lâm nói riêng, huyện Đức Thọ nói chung phát triển mạnh.
Đêm 6/11/1930, Huyện uỷ đã lãnh đạo đảng viên, quần chúng, tự vệ các tổng Văn Lâm, Yên Hồ, Việt Yên mang băng, cờ, vũ khí tập trung mít tinh tại đình Chợ Trổ (Đức Nhân) kỷ niệm 13 năm Cách mạng tháng 10 Nga. Đồng chí Lê Phú Thành, cán bộ huyện lên diễn thuyết nói về ý nghĩa cách mạng tháng 10 Nga và nhiệm vụ của Đảng và quần chúng. Kết thúc buôỉ diễn thuyết, bài Quốc tế ca được vang lên. Tiếp đó, đoàn biểu tình toả ra các ngả đường, vừa đi vừa hô khẩu hiệu đòi thành lập chính quyền công nông, trả tự do cho những người bị bắt, đánh đổ thực dân, phong kiến…

Đêm 11/12/1930, các Tổng bộ lãnh đạo nhân dân tập trung tại Trạng Ngang (Bùi Xá), sau đó kéo về huyện lỵ biểu tình kỷ niệm Quảng Châu Công Xã. Được tin, bọn lính lê dương ở đồn Linh Cảm đã kéo xuống, xả súng làm chết 30 người và bị thương 8 người, đoàn biểu tình phải giải tán. Trên đường về nhân dân tổng Văn Lâm đã bắt tên Chánh tổng Đoàn Thạo trừng trị tội làm tay sai cho giặc.

Đầu năm 1931, Tổng bộ đã lãnh đạo nhân dân tổ chức nhiều cuộc mít tinh, biểu tình nhằm thị thị uy, trấn áp bọn cường hào gian ác. Đáng kể nhất là các cuộc đấu tranh vào ngày 21/1, 28/2, 14/4, 24/4 và 29/4/1931.
Trong công tác cách mạng, Đinh Văn Ái rất nhiệt tình, hoà mình với quần chúng. Sự có mặt của ông làm cho nhân dân vững tin tiến lên phía trước. Sau cuộc họp của Tổng hội và Huyện hội, ông đinh Văn Ái trúng Đại biểu đi dự Huyện hội.

Nhân kỷ niệm ngày 1/5/1931, Tổng bộ tổ chức treo cờ đỏ ở khắp các ngã ba, ngã tư, trên cây cao, nóc đình đền; lãnh đạo nhân dân diễu hành qua các đường làng, hô vang khẩu hiệu: Tinh thần ngày Quốc tế Lao động muôn năm, đánh đổ đế quốc Pháp và phong kiến tay sai, chống khủng bố trắng, tăng lương, giảm giờ làm cho công nhân!. Khí thế của cuộc đấu tranh làm bọn hào lý hoảng sợ, không dám qua lại, lính Tây chui vào hầm lẩn trốn cả ngày. Các BCH Nông hội đỏ đứng ra quản lý thôn xóm, tịch thu lúa, tiền của nhà giàu, chia ruộng công điền, tổ chức học chữ Quốc ngữ, đọc sách báo, bài trừ các hủ tục, ban bố, xoá bỏ các thứ thuế vô lý trước đây, mọi người có quyền tham gia Nông hội, Hội Phụ nữ, Hội Tán trợ...Nhân dân rất phấn khởi được sống trong xã hội mới, làm tăng thêm sức mạnh đoàn kết, đồng tâm đánh đổ đế quốc, phong kiến.
Tháng 9/1931, thực dân Pháp và tay sai điên cuồng khủng bố rất dã man cán bộ và nhân dân Đức Thọ. Chúng tập trung vào những địa phương có chính quyền Xô Viết bắt bớ, tra tấn, đốt nhà, chém giết, triệt hạ các làng mạc hòng đè bẹp tinh thần đấu tranh của quần chúng. Trong khó khăn, nhiều người vẫn hết lòng với cách mạng, tìm mọi cách đùm bọc, che chở cán bộ, đảng viên, nuôi dấu cán bộ trong nhà, tham gia bảo vệ cơ quan ấn loát của Đảng. Tiêu biểu là các gia đình: bà Cu Cài, ông Đinh Văn Ái, ông Võ Quýnh, cố Dái San, ông Đinh Văn Cự, ông Phan Nghi, bà Trần Thị Út…Những tấm lòng và sự che chở ấy góp phần không nhỏ cho cơ sở Đảng và phong trào cách mạng Đức Thọ được phục hồi sau này. Bát, đĩa, đũa, ấm chén, mâm..của gia đình ông Đinh Văn Ái lại được dùng phục vụ, nuôi dấu các cán bộ Đảng trong thời gian địch khủng bố
Khi cơ sở Đảng rút vào hoạt động bí mật, một số đồng chí phải tạm lên miền núi, sang Lào và Thái Lan hoạt động. Trong số cán bộ Đức Thọ sang Lào có Đinh Văn Ái. Ông hoạt động ở Thà Khẹt, đến năm 1933 bị bắt, bị trục xuất về quê. Năm 1937 ra tù, ông tích cực tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương cho đến khi giành chính quyền thắng lợi vào ngày 19/8/1945. Ông tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp và được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhì. Trong những năm chống đế quốc Mỹ, ông và gia đình tích cực lao động sản xuất, đóng góp lương thực cho cách mạng, động viên con, cháu đi bộ đội vào các chiến trường chiến đấu. Khi tuổi cao, ông luôn là tấm gương mẫu mực cho con cháu học tập, noi theo.
Ông ốm nặng và mất năm 1983.

Bát yêu, đĩa sứ kỷ vật của gia đình với phong trào cách mạng 1930- 1931 được anh Đinh Văn Nhật, con trai ông Đinh Văn Ái giao cho Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh lưu giữ, ngày 7/5/2013.